Trầm lắng thị trường thịt lợn thời dịch tai xanh

Theo tin từ Chi cục Thú y tỉnh, tính đến hết ngày 21-5, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện dịch lợn tai xanh tại 9 địa phương với tổng số lợn mắc bệnh là gần 6.500 con. Mức tiêu thụ thịt lợn của người dân cũng vì thế mà đã giảm đi rõ rệt, phần lớn người tiêu dùng lo sợ và không dám mua thịt lợn, việc kinh doanh của cả người bán và người nuôi từ đó sa sút đáng kể.

Theo tin từ Chi cục Thú y tỉnh, tính đến hết ngày 21-5, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện dịch lợn tai xanh tại 9 địa phương với tổng số lợn mắc bệnh là gần 6.500 con. Mức tiêu thụ thịt lợn của người dân cũng vì thế mà đã giảm đi rõ rệt, phần lớn người tiêu dùng lo sợ và không dám mua thịt lợn, việc kinh doanh của cả người bán và người nuôi từ đó sa sút đáng kể.
 
 Tại chợ Hạ Long 1, có 27 hộ kinh doanh thịt lợn, tuy nhiên thời điểm hiện tại phần lớn các hộ kinh doanh đều tạm thời nghỉ hoặc chuyển sang kinh doanh các mặt hàng thực phẩm khác như cá, tôm, thịt gà… Chị Hứa Thị Trúc, một chủ hộ kinh doanh thịt tại chợ Hạ Long cho biết: “ Kể từ khi bùng phát dịch tai xanh việc tiêu thụ thịt lợn ở cửa hàng trở nên hết sức khó khăn, người dân hạn chế ăn các sản phẩm thịt lợn. Thời gian trước khi chưa có dịch tai xanh một ngày tôi giết từ 3 đến 4 con lợn, tuy nhiên hiện nay chỉ giết một con mà cũng không bán hết”
 
 Nhiều người mua hàng có tâm lý e dè, ngại ngần khi mua các sản phẩm từ lợn vì không biết liệu sản phẩm mình mua có thực sự đảm bảo an toàn vệ sinh, có bị nhiễm bệnh hay không? Tuy nhiên thịt lợn là món ăn quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của nhiều gia đình nên một số người dân vẫn chọn mua sản phẩm này. Chị Nguyễn Thị Hoa ở Tp Hạ Long cho biết: “Thịt lợn không thể thiếu được trong bữa ăn của gia đình tôi, nếu mà có đổi bữa thì cũng chỉ được một đến hai ngày là lại quay trở lại ăn thịt. Tôi cũng chưa thực sự yên tâm khi sử dụng sản phẩm thịt, tuy nhiên tôi thường chọn những sản phẩm thịt tươi, đỏ, sờ tay vào thì thấy dính, mỡ trắng và da không bị đỏ”
 
 Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh thịt và tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ông Vũ Duy Tân, Đội trưởng đội quản lý số 3, Ban Quản lý Chợ Hạ Long cho biết Ban Quản lý chợ đã làm việc với Chi cục Thuế TP Hạ Long để giảm một nửa thuế cho các hộ kinh doanh thịt lợn nhằm giảm bớt những khó khăn trong giai đoạn này. Về việc đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, ông Tân cho biết: “Trong thời gian có dịch, Ban Quản Lý chợ đã tăng cường phối hợp với trạm thú y của TP Hạ Long để tăng cường kiểm tra lợn đưa vào chợ bán, nếu con lợn nào đảm bảo chất lượng, không nhiễm bệnh sẽ đóng dấu kiểm dịch cho phép bán. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi khẳng định sản phẩm thịt bán tại chợ Hạ Long là hoàn toàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
 
 Theo Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, lợn bệnh tai xanh không lây sang người mà chỉ có lợn bị bệnh liên cầu mới lây sang người. Nhưng khi đã mắc bệnh tai xanh thì sức đề kháng của lợn rất yếu, khả năng bị nhiễm thêm các bệnh khác rất cao, trong đó có cả bệnh liên cầu là bệnh lây từ lợn sang người với nguy cơ tử vong cao.
 
 Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân khi đi mua thịt lợn nên đến cửa hàng có uy tín ở các chợ và các siêu thị đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, tránh mua tại các cửa hàng thịt tự phát ở lòng đường, vỉa hè. Khi mua nên chọn các sản phẩm thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, không có mùi kháng sinh, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Nên sử dụng thịt lợn đã nấu chín, không nên ăn thịt tái, tiết canh lợn, lòng, nem chạo, nem chua. Ý thức của người dân sẽ góp phần quan trọng trong việc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh tai xanh.
 
 Lê  Nam
 

Đọc thêm