“Xã hội hóa”đầu tư nâng cấp trạm y tế xã
Trong khi hầu hết các trạm y tế xã hiện tại đều trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tại huyện Thủy Nguyên với những khuyến khích cụ thể, đã có những trạm y tế xã năng động tự tìm nguồn tài trợ riêng hoặc mạnh dạn “xã hội hóa”. Tại Trạm Y tế xã Tam Hưng, đạt chuẩn từ năm 1994, được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang với dãy nhà 2 tầng kiên cố. Do địa phương đang có nhiều dự án lớn, nên ngoài việc chăm sóc sức khỏe người dân , trạm y tế xã cũng khám, chữa bệnh cho nhiều người lao động từ các nơi đổ về. Để đáp ứng với nhu cầu khám, chữa bệnh, cuối năm 2007 trạm y tế xã đã huy động bằng nguồn đóng góp của mọi người để mua máy siêu âm trị giá gần 5000 USD. Sau khi có máy siêu âm, trạm y tế tăng đáng kể lượng người đến khám, chữa bệnh, việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn, người dân yên tâm, tin tưởng hơn. Thế nhưng, theo bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng trạm Y tế xã Tam Hưng, trạm cũng đang rất cần máy sinh hóa để có thể làm các xét nghiệm. Máy sinh hóa chưa nằm trong danh mục của Bộ Y tế về các trang thiết bị được cấp cho trạm y tế xã. Trạm đang có kế hoạch cử người của trạm đi học thêm, tiếp tục đầu tư mua máy sinh hóa bằng hình thức cùng góp vốn.
Trạm Y tế xã Lập Lễ cách xa trung tâm huyện 12 km, cũng là một trong những trạm y tế trên địa bàn huyện Thủy Nguyên được quan tâm đầu tư, mạnh cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế. Trạm có 2 bác sĩ và 1 nữ y tá đang được cử học lấy bằng cử nhân về điều dưỡng. Từ năm 2003, trạm được một Việt kiều tài trợ 1 máy siêu âm. Đến năm 2004, trạm lại được Sở Y tế đầu tư theo chương trình dự án một máy chữa răng, trị giá khoảng 90 triệu đồng.
Trạm Y tế xã Quang Trung (huyện An Lão) hằng năm đều được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, đầu tư sửa sang trụ sở, bàn, ghế làm việc của cán bộ trạm khá khang trang. Trạm duy trì một phòng khám đông y với vườn thuốc nam khá phong phú. Từ thực tế hoạt động của các trạm y tế này cho thấy, nơi nào được quan tâm đầu tư, thu hút khá đông người dân tới khám, chữa bệnh. Song, số lượng các trạm y tế được trang bị các máy móc thiết bị y tế hiện đại còn khá ít ỏi.
Đầu tư hợp lý, ưu tiên xã xa trung tâm
Một số trạm y tế xã có đủ năng lực quản lý và cung cấp dịch vụ y tế cơ bản cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đang dần được giao tổ chức khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đây là chủ trương đúng, về lâu dài cần thực hiện mở rộng hơn nữa, để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Bác sĩ Phùng Văn Luyên, Trưởng trạm Y tế xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy) nhận xét, tâm lý của người dân vẫn chưa thực sự mặn mà khi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã. Vì nếu chỉ nhìn sơ qua cũng đủ thấy cơ sở vật chất, trang thiết bị của trạm y tế còn rất nghèo nàn. Thậm chí, theo một số cán bộ y tế tại huyện An Lão, năng lực của trạm y tế xã đủ khả năng đỡ đẻ các ca thông thuờng. Trước đây, có năm trạm thực hiện đỡ đẻ hơn 100 ca. Nhưng, gần đây, việc thanh toán chế độ bảo hiểm y tế cho các ca sinh tại trạm y tế thường thấp hơn tại bệnh việc, nên nhiều trường hơn xin chuyển lên tuyến trên.
Điều này đòi hỏi việc đầu tư hợp lý cho tuyến y tế cơ sở, trong đó có trạm y tế xã. Chủ tịch xã Đoàn Xá Ngô Đăng Đán băn khoăn, xã đang có kế hoạch xây dựng lại trạm y tế. Dự kiến sơ bộ kinh phí xây dựng chừng 3 tỷ đồng, nhưng khó khăn trong việc tìm nguồn vốn, bởi nguồn thu ngân sách xã hàng năm còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Ba, Phó phòng Y tế huyện Thủy Nguyên cho biết, huyện có 37 trạm y tế xã, thị trấn đều đã đạt chuẩn, với 40 bác sĩ, trong đó có trạm y tế 2 bác sĩ. Về cơ sở hạ tầng, 14 trạm y tế xây kiên cố, còn lại là bán kiên cố. Hằng năm, Phòng Y tế thực hiện trang bị các phương tiện, dụng cụ y tế cho các trạm y tế xã trên cơ sở đề xuất của cơ sở, theo danh mục của Bộ Y tế, 25/37 trạm y tế được trang bị máy vi tính, máy in. Ngoài ra, công tác đào tạo nguồn lực, cán bộ cũng được địa phương hết sức quan tâm, nhất là đối với các xã miền núi, xa trung tâm, cử người đang công tác tại trạm đi học chuyên tu lấy bằng bác sĩ, cử nhân điều dưỡng hoặc bác sĩ cử nhân nữ hộ sinh. Đây cũng là địa phương, quan tâm, mạnh dạn đầu tư cho y tế tuyến xã về cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng con người.
Như vậy, để trạm y tế nâng cao chất lượng hoạt động điều tất yếu là phải bảo đảm được điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, việc đầu tư cần được tập trung hơn ở các xã xa trung tâm, nơi người dân ít có điều kiện tiếp cận với các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại. Thành phố, các cấp chính quyền quan tâm, trích ngân sách hỗ trợ, có cơ chế khuyến khích thu hút cán bộ y tế xã, động viên, khích lệ tinh thần làm việc của các bác sĩ, y sĩ, y tá ở tuyến xã; phân bổ các chương trình, dự án hợp lý cụ thể với từng địa phương. Việc thực hiện “xã hội hóa” các trạm y tế để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng là một giải pháp. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trạm y tế xã từ đó tạo niềm tin cho người dân, góp phần quan trọng giám sát, quản lý, phòng chống các loại dịch bệnh ngay tại tuyến cơ sở./.
Đỗ Oanh