Tràn lan “kem nền thần thánh” giả trên thị trường

(PLO) - Xăm hình là sở thích của không ít người trẻ. Số lượng người xăm hình trên cơ thể khá nhiều nhưng không phải lúc nào họ cũng có thể trưng hình xăm ra ngoài. Do sự khác biệt quan điểm giữa các thế hệ, nhiều cô gái muốn giấu hình xăm đi khi gặp người lớn tuổi nên một loại kem “thần thánh” có tên Dermacol có thể xóa được hình xăm trong 2 giây. Loại kem này ngay lập tức gây tò mò cho người tiêu dùng.

Tràn lan “kem nền thần thánh” giả  trên thị trường
Dermacol chẳng còn xa lạ với bất cứ phụ nữ nào vì thời gian gần đây mọi người đua nhau bàn tán về công dụng của nó. 11.500 kết quả là con số các clip quay cảnh dùng thử Dermacol trên youtube, trong đó có tới 500 clip là của Việt Nam.Tất cả đều được thực hiện nhằm chứng minh sản phẩm này có lớp che phủ dày đặc đến nỗi hình xăm cũng có thể giấu được. Ngay cả khi rửa nước hay dùng giấy lau, lớp nền cũng không nhòe đi, nhiều người gọi nó là “kem nền thần thánh”.
Mới chỉ xuất hiện vài tháng nhưng Dermacol đang được tiêu thụ với tốc độ khủng khiếp. Cũng vì vậy mà thị trường mỹ phẩm đang bày bán tràn lan kem nền này. Hương Giang, chủ shop mỹ phẩm xách tay giới thiệu: “Sản phẩm che được toàn bộ sẹo rỗ, hình xăm, tàn nhang và cả vết bầm tím nữa. Kể cả lớp nền có dày thì da mụn dùng cũng không sao, nó vẫn cân bằng độ ẩm, nhưng lại không thấm nước, thế nên nhiều người mới gọi là kem thần thánh”.
Điều gây hoang mang và cũng là chủ đề tranh cãi của không ít người tiêu dùng là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Nơi thì bảo Dermacol của Đức, nơi thì bán hàng của Nga, Ucraina, Úc hay bất cứ nước nào ở châu Âu. Theo tìm hiểu của người viết, Dermacol là thương hiệu sản xuất của CH Séc, duy nhất sản xuất tại CH Séc. Các nước như Nga hay Đức hoàn toàn nhập từ CH Séc. Thực tế, sản phẩm khá nổi tiếng ở các nước châu Âu, được bán từ năm 1969. Nhưng số lượng hàng giả tại các nước này cũng rất nhiều. 
Khi được hỏi sản phẩm này về Việt Nam có hàng giả không, chị Giang không giấu giếm: “Dermacol rất nổi tiếng ở nước ngoài, ở Việt Nam bây giờ mới biết đến thôi. Ngoài thị trường đã xuất hiện hàng giả rồi và hàng fake được làm rất tinh vi”. 
Theo chị Giang, sản phẩm fake có rất nhiều loại. Dermacol giả trông ngắn và có phần to hơn hàng chính hãng. Hàng thật có vỏ được làm bằng thiếc, màu ánh kim. Trong khi đó hàng fake được làm bằng vỏ nhựa, màu sắc mờ nhạt hơn và mực in không rõ nét. Giá thị trường rẻ hơn từ 50.000 – 100.000 đồng và khó phân biệt bao bì thật, giả. Với sản phẩm thật, mã vạch được in ngang ở hông hộp hình chữ nhật. Ngược lại, Dermacol giả có mã vạch được in bé ở bên dưới hộp, tông màu được in sơ sài.
 
Chị Ánh Tuyết, người có kinh nghiệm sử dụng loại kem này thì chia sẻ: “Nếu ai dùng hàng thật sẽ biết vỏ hộp hoàn toàn không thấm nước. Nước trên vỏ hộp sẽ như nước trên những lá sen.  Đó là một kỹ thuật in ấn rất đặc biệt của thương hiệu Dermacol tại CH Séc. Dùng tay sờ chữ “Dermacol” trên hộp, bạn sẽ cảm nhận nó cộm lên rất đều chứ không như hàng giả. Tem Dermacol khi đặt nghiêng luôn ánh lên, ánh sáng đặc biệt mà có thể nhận thấy sự khác biệt so với các tem ở Việt Nam. Và bên trong thì còn có giấy hướng dẫn bằng 3 thứ tiếng nữa”.
Tuy nhiên, hàng fake tinh vi hơn đã xuất hiện đánh lừa cả những người tiêu dùng sành sỏi nhất. Đó là các hàng xách tay, nhưng được mua tại chợ không đảm bảo uy tín, chất lượng. Tanya Fam, một blogger sống 7 năm ở Nga cho biết: “Ở Nga được cái là nếu là hàng fake, người ta bày bán la liệt ngoài đường, ngoài chợ, còn trong cửa hàng uy tín thì chỉ có hàng Auth chứ không sợ bị trộn đồ fake vào như ở Việt Nam. Đây là mình chưa có dịp ra chợ để chụp cho mọi người xem cả mỹ phẩm fake nữa, cũng có rất nhiều. Vì thế mọi người đừng nghĩ hàng ở Nga là không có fake. Theo mình biết là mỹ phẩm nội địa Nga đã có hàng fake. Các seller ra chợ ở Nga, nhập về một lúc mấy nghìn sản phẩm, hàng fake, hàng hết hạn hoặc không có nguồn gốc rõ ràng… mang về Việt Nam bán giá rẻ, đánh vào tâm lý ham rẻ của người Việt Nam”.
Trong khi đó, sản phẩm này cũng được người dùng nhận xét là không “thần thánh” như ca ngợi. Phương Linh (quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Tôi về che xăm mà chỉ mờ được hơn có xíu. Có thể là do vết xăm đậm chăng hay tôi bôi trát chưa được dày. Tôi cũng chưa dám bôi lên mặt vì mình đang trong liệu trình trị mụn nên không biết có che tàn nhang được không nữa. Nói chung những loại che khuyết điểm mạnh như thế này thì bít lỗ chân lông lắm. Dùng cho những người da mặt mụn thì hơi hại. Về cuối ngày, da còn xuất hiện nhiều vết nứt nẻ do quá khô”.
Vì vậy, người tiêu dùng nên cân nhắc quyết định kỹ càng xem nên mua sản phẩm này ở đâu và có phù hợp với da mặt của bản thân không trước khi sử dụng./.

Đọc thêm