Tràn lan quảng cáo rượu bia trên nền tảng số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù pháp luật đã có những quy định cụ thể về quảng cáo rượu bia trên các phương tiện truyền thông. Nhưng đến nay tình trạng quảng cáo rượu bia tràn lan vẫn diễn ra “vô tội vạ” nhất là trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội – nơi tấp nập người mua kẻ bán.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tình trạng quảng cáo “vô tội vạ”

Dạo vòng quanh các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube,… không khó để nhìn thấy các quảng cáo rượu bia được chia sẻ rộng rãi. Thực tế, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm cơ bản như gõ tên loại rượu cần mua hay chỉ với những từ khoá như “rượu”, “bia” là hàng loạt những bài viết quảng cáo, địa chỉ mua bán được bày ra ngay trước mắt khách hàng. Với đầy đủ các chủng loại, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng đối với mặt hàng này, từ những loại phổ biến như rượu bia ngoại nhập, rượu thuốc, rượu nếp, rượu tẻ,… cho đến những loại đặc sản hơn như rượu San Lùng, rượu ngô men lá, rượu cần Ê Đê,…

Việc quảng cáo rượu bia trên mạng xã hội vốn không lạ bởi trong thời đại công nghệ phát triển, việc quảng cáo, rao bán mọi thứ trên nền tảng công nghệ 4.0 khá phổ biến. Không chỉ đơn giản là đăng mặt hàng cần bán, những hình thức quảng cáo rượu bia còn được chia làm hai loại: nghiệp dư và chuyên nghiệp.

Quảng cáo nghiệp dư thường là những bài quảng cáo của các cá nhân kinh doanh rượu tự phát. Đa số các loại rượu này đều được quảng cáo là “rượu nhà làm”, “rượu tự nấu” không có nhãn mác, thương hiệu. Chủ tài khoản còn tỉ mẩn giới thiệu rượu mạnh ủ lâu năm, bồi bổ sức khoẻ, uống không gây hại cho cơ thể, không đau đầu… Thế nhưng hiếm có trường hợp nào quảng cáo rượu có kèm theo cảnh báo tác hại, nguy cơ đối với sức khoẻ khi lạm dụng, nguy cơ tai nạn giao thông và độ tuổi mua, sử dụng rượu.

Những bài quảng cáo thường được đăng bán ngay trên trang cá nhân hay trên các hội nhóm như “Rượu Truyền Thống”, “Rượu Nhà Nấu”, “Nghiện Rượu”,… với con số thành viên lên đến chục nghìn người. Điều đáng nói, dù pháp luật đã cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên nhưng những cá nhân trên vẫn ngang nhiên rao bán loại rượu này. Như trong hội nhóm “Rượu Truyền Thống”, những bài đăng với tiêu đề “RƯỢU SAN LÙNG – 55k/1l loại 29 độ, 65k/1l loại 39 độ - nhận ship toàn quốc , liên hệ…” xuất hiện nhiều vô kể. Có thể thấy, bất chấp quy định cấm, các cá nhân bán rượu còn ngang nhiên ghi độ cồn quá mức cho phép ngay trên tiêu đề bài viết. Một số ít thì “khôn khéo” hơn khi “lách” luật bằng cách không đưa thông tin độ cồn vào nội dung quảng cáo nhưng trên hình ảnh sản phẩm vẫn hiển thị rõ con số này.

Chưa dừng lại, quảng cáo rượu bia “vô tội vạ” không chỉ xuất hiện ở các cá nhân bán rượu tự phát mà các nhãn hàng cũng tồn tại tình trạng này. Điểm khác biệt đó là những quảng cáo của các nhãn hàng được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp dưới hình thức video hay chiến dịch. Đây là thành phẩm của cái bắt tay giữa các nhãn hàng và công ty quảng cáo. Hoạt động quảng cáo này không chỉ được đầu tư quy mô về nội dung, hình ảnh, sản phẩm mà còn được trả rất nhiều tiền cho các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội để “chạy” quảng cáo, giới thiệu trên các Fanpage lớn. Hoạt động quảng cáo này được thực hiện chuyên nghiệp và “phủ sóng” đến mức, nhiều chuyên gia truyền thông đánh giá đây là một chiến lược truyền thông quảng cáo rượu.

Còn nhớ vào năm 2019, trên khắp mạng xã hội Facebook, YouTube xuất hiện loạt video về sản phẩm rượu “Rơm vàng táo mèo”. Video kéo dài gần 8 phút đã được phát tán nhanh “chóng mặt” với mục đích quảng cáo rượu, xuyên suốt video là khẩu hiệu “Rơm vàng, sống chỉ có thể thật hơn”. Với nội dung hài hước đánh vào tâm lý giới trẻ, ngay sau khi đăng tải, video đã thu hút được hàng ngàn lượt theo dõi, bình luận. Được biết, “Rơm vàng táo mèo” là sản phẩm của một công ty rượu, có nồng độ cồn là 30 độ. Như vậy, dưới hình thức video hài trá hình, quảng cáo rượu nặng đã được lồng ghép công phu, bài bản. Điều đó đã tạo ra một thông điệp, một video quảng cáo rượu nặng thu hút hàng triệu lượt xem.

Đáng buồn hơn khi đây không phải trường hợp cá biệt. Những năm gần đây đã có hình thức quảng cáo này xuất hiện ngày càng nhiều. Cách quảng cáo này đã tạo nên làn sóng tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội. Nhiều người ủng hộ khen ngợi quảng cáo hài hước, sáng tạo, đây là hiệu ứng tích cực đối với những người làm truyền thông quảng cáo. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng những quảng cáo này đã cổ suý cho phong trào uống rượu, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và pháp luật Việt Nam.

Ngoài các trang mạng xã hội thì các sàn thương mại điện tử cũng là nơi xuất hiện tình trạng quảng cáo rượu bia tràn lan. Những mặt hàng như rượu, bia, bia hoa quả lên men được đăng bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử. Dù có phương pháp ngăn chặn như chỉ người trên 18 tuổi mới được xem nhưng không ăn thua. Bởi chỉ cần trả lời câu hỏi có trên 18 tuổi là đã có thể xem mà không cần chứng minh tài khoản hay định danh. Như vậy, chỉ với thao tác đơn giản người dưới 18 tuổi vẫn có thể dễ dàng truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu bia trên các sàn thương mại điện tử này.

Quảng cáo “rượu nhà làm” tràn lan trên Facebook.

Quảng cáo “rượu nhà làm” tràn lan trên Facebook.

Làm gì để ngăn chặn?

Giải thích cho việc tình trạng này ngày càng phổ biến, nhiều chuyên gia cho rằng những nhà bán hàng đã nhìn thấy khả năng tiếp cận và tiêu thụ cực lớn của mặt hàng này trên các nền tảng như thương mại điện tử, mạng xã hội.

Song song với tiềm năng này là tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước khó khăn trong chiến dịch phòng chống tác hại của rượu bia đối với người Việt, nhất là ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Nhiều bạn trẻ cho biết, việc mua rượu trên mạng xã hội rất thuận tiện, sản phẩm quảng cáo dễ nhìn, bắt mắt, có giá thành hợp lý. Chưa kể đôi khi còn giảm giá, người bán không đòi hỏi bất cứ yêu cầu gì.

Anh Kim Hoàn (38 tuổi, Hà Nội), nhận định: “Dưới góc độ là phụ huynh có con ở độ tuổi học sinh, vị thành niên, tôi cho rằng việc ngăn chặn trẻ ở độ tuổi này với rượu bia rất khó khăn. Nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất khó quản lý. Giới trẻ hoàn toàn có thể ở nhà, truy cập vào các trang thương mại điện tử để đặt mua và giao hàng tận nơi, trả bằng tiền mặt mà không gặp bất cứ khó khăn nào”.

Có thể thấy, dù pháp luật đã có những quy định cụ thể nhưng tình trạng quảng cáo rượu bia tràn lan trên các nền tảng vẫn tiếp diễn ngày một nhiều. Vì vậy, để hạn chế tối đa tình trạng này, bên cạnh những quy định hiện hành, pháp luật cần đưa ra những quy định cụ thể chi tiết hơn trong lĩnh vực quảng cáo rượu bia. Nhiều ý kiến cho rằng, dù có quy định nghiêm cấm việc quảng cáo rượu mạnh nhưng vẫn chưa có điều khoản riêng về quảng cáo trên mạng xã hội. Để có thể siết chặt và đưa vào khuôn khổ hoạt động quảng cáo rượu, các cơ quan chức năng cần đặt ra quy định cụ thể hơn về quảng cáo rượu trên mạng xã hội. Cùng với đó phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên tất cả các phương tiện quảng cáo.

Nhận thức quyết định hành vi, song song với việc hoàn thiện các quy định, siết chặt chế tài, cần quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm, tác hại của rượu tới sức khoẻ con người. Đồng thời, nhắc nhở mọi người có ý thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng liên quan đến hoạt động quảng cáo, mua bán, sử dụng rượu, nhất là với lứa tuổi vi thành niên.

Cùng với đó, cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa quảng cáo rượu bia trên các nền tảng. Công nghệ cần ra tay bằng cách đưa ra những “ thuật toán” quảng cáo tránh những mục tiêu khách hàng trẻ tuổi. Hay hiện tượng quảng cáo rượu bia không kèm theo khuyến cáo tác hại, hoặc làm khuyến cáo cho có, đang ảnh hưởng lớn đến nhận thức của giới trẻ. Quảng cáo rượu, bia trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội phải thể hiện nội dung cảnh báo rõ ràng, mạch lạc, theo quy định trên bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Nếu không đáp ứng yêu cầu, mạng xã hội cần chặn không cho đăng bài.

Cũng như nghiêm ngặt hơn trong việc định danh tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, chặn người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin về rượu bia. Hạn chế thanh toán rượu bia bằng tiền mặt, thay vào đó là thanh toán bằng thẻ ngân hàng cho những người trên 18 tuổi,…

Từ lâu, tác hại rượu bia đã và đang bị cộng đồng lên án. Tình trạng quảng cáo rượu bia tràn lan trên các nền tảng chính là sự tiếp tay cho “ma men” hoành hành. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ hơn để siết chặt vấn đề quảng cáo rượu bia, tránh ảnh hưởng không tốt tới nhiều thế hệ sau này.

WHO khuyến cáo, kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia là 1 trong 3 biện pháp hiệu quả nhất trong phòng chống tác hại của rượu bia. Bên cạnh đó cần thực hiện đồng thời các giải pháp chính sách về giá đối với rượu bia và đồ uống có cồn khác; Hạn chế sự sẵn có của rượu bia bằng cách hạn chế thời gian được bán rượu bia, quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia.

Đọc thêm