Phấn khởi xen lẫn lo âu
Anh Nguyễn Văn Hữu (Chủ nhiệm hợp tác xã thôn Quan Âm, xã Bắc Hồng, Đông Anh) cho biết: “Từ khi xây dựng cầu Nhật Tân, việc di chuyển bằng phương tiện giao thông từ thôn lên trung tâm TP. Hà Nội nhanh hơn nhiều lần so với những năm trước. Nhờ vậy mà việc vận chuyển các mặt hàng như rau, củ, quả, gia súc, gia cầm lên thành phố cũng đỡ vất vả, tiết kiệm thời gian và chi phí”.
Bắc Hồng cũng như các xã thuộc huyện Đông Anh, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, sản xuất rau màu đem vào nội thành bán. Bởi vậy từ khi có cây cầu Nhật Tân, chất lượng cuộc sống của bà con cũng khá hơn. Không những vậy, giá nhà đất ở xã Bắc Hồng còn tăng mạnh, có thời điểm lên 27 - 35 triệu đồng/ m², người dân cũng thấy mừng...
Tuy nhiên, bên cạnh sự vui mừng, phấn khởi thì người dân nơi đây cũng trĩu nặng lo lắng, băn khoăn, chủ yếu là nỗi lo “mất đất”. Thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng là thôn bị thu hồi đất nhiều nhất phục vụ dự án này. Toàn thôn có 400 hộ, trên 1.500 nhân khẩu sống chủ yếu bằng nghề nông; ngoài ra có một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có nghề phụ.
Anh Nguyễn Văn Hữu, Chủ nhiệm Hợp tác xã thôn Quan Âm. |
Trưởng thôn Mỹ Nội Tạ Đình Hồng cho biết, diện tích đất bị thu hồi phục vụ quy hoạch là 3,4ha, tính từ trục đường chính sẽ cắt sâu vào bên trong cánh đồng là 300 mét. Bị thu hồi một diện tích ruộng lớn như vậy nên tâm lý của người dân không tránh được sự thấp thỏm, lo âu. Nếu chỉ dựa vào số tiền đền bù 290 triệu/360m² thì cuộc sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân đã nhận được tiền đền bù từ tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài nhưng họ vẫn loay hoay trong việc chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống.
Cũng theo anh Hồng: “Một năm dân chúng tôi chỉ cấy một vụ lúa và một vụ hoa màu. Theo Nghị định 64 của Chính phủ, mỗi nhân khẩu sẽ được nhận số đất là 360 m², canh tác trong 20 năm. Nay đất bị thu hồi, không còn để canh tác nên bà con sẽ phải tự tìm việc làm nuôi gia đình và con cái ăn học nữa. Chúng tôi mong sau khi quy hoạch, Chính phủ sẽ hướng nghiệp cho bà con để ổn định cuộc sống. Khi quỹ đất của bà con ngày càng bị thu hẹp thì rất cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước”.
Cũng như thôn Mỹ Nội, trên cùng tuyến đường này là các thôn Đìa, thôn Đoài cũng bị thu hồi diện tích đất nông nghiệp kha khá để phục vụ dự án. Tuy nhiên, tinh thần chung là người dân rất phấn khởi, tin tưởng, ủng hộ dự án. Theo Trưởng thôn Tạ Đình Hồng: “Như mọi năm, việc đền bù là rất xôn xao, nhưng năm nay thì chưa thấy ai phàn nàn về vấn đề đền bù hoặc gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng. Được biết, Nhà nước vẫn áp dụng mức giá 290 triệu/sào (tương đương với 360 m²)”.
Tuyến Nhật Tân - Nội Bài sẽ tái hiện được ý tưởng "Rồng đón ngọc". |
Bà Phan Thị Thức (50 tuổi, ngụ thôn Mỹ Nội) chia sẻ: “Người dân thôn tôi nhà nào được đền bù nhiều thì sửa sang nhà cửa, lo công to việc lớn. Có nhà thì để dành gửi tiết kiệm chứ cũng không dám ăn tiêu đâu. Chúng tôi sống bằng nghề chính là làm ruộng, nay ruộng bị thu hồi một phần, thu nhập kém đi nên có vài trăm triệu tiền đền bù thì cũng phải biết tiết kiệm, lo xa, rồi còn tương lai, nghề nghiệp, học hành của con em mình nữa…”.
Ở nhà lầu, lo cuộc sống bấp bênh
Dưới chân cầu Nhật Tân là thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc với hơn 6.800 nhân khẩu. Quanh đường vào làng là nhiều dãy nhà cao tầng với lối kiến trúc hiện đại, nhiều hộ sắm xe hơi làm phương tiện đi lại. Theo anh Nguyễn Văn Đức (một người dân trong làng), nhiều hộ dân giàu lên chủ yếu là do họ được đền bù đất. Đa phần là họ nhận được một khoản đền bù từ việc xây dựng cầu Nhật Tân. Tuy nhiên, bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, nay ruộng đất bị thu hồi phần lớn, trong làng không có nghề phụ nên dù ở nhà lầu nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh.
Vào thời điểm giá đất “sốt”, cũng có một vài hộ gia đình mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai, ảnh hưởng đến trật tự an ninh. Tuy nhiên, khi chính quyền thôn và công an xã đến vận động, hòa giải thì các mâu thuẫn đã được giải quyết ổn thỏa. Cũng theo anh Đức, vì có tiền đền bù nên nhiều hộ thích sống theo kiểu “ăn xổi”, thậm chí sa vào tệ nạn. Vẫn biết nhiều hộ giàu lên là nhờ “lộc đất”, nhưng nếu ăn hết số tiền này thì họ sẽ sống bằng gì?
Bà Phan Thị Thức (thôn Mỹ Nội) trò chuyện với PV. |
Đem những băn khoăn này trao đổi cùng Phó Chủ tịch xã Vĩnh Ngọc, ông Trần Văn Thức cho biết: “Công trình cầu Nhật Tân và đường Võ Nguyên Giáp khánh thành, kéo theo đó là các dịch vụ kinh doanh thương mại. Hiện việc đi lại dễ, có nhiều cảnh quan đẹp. Chính hôm khánh thành cầu Nhật Tân, anh em chúng tôi phải huy động lực lượng an ninh, kịp thời nắm bắt tình hình nhân dân. Tinh thần chung của bà con là phấn khởi, ủng hộ chủ trương của Nhà nước”.
Ông Thức trăn trở, hiện đời sống của bà con chưa thể gọi là được “đổi đời”, dù có tiền đền bù nhưng nhiều hộ vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Hiện những hộ bị mất ruộng canh tác vẫn loay hoay tìm kiếm việc làm ổn định. Chúng tôi đang kiến nghị lên huyện nhằm mở các lớp học nghề cho những nông dân mất ruộng thành ra thất nghiệp; bên cạnh đó, cần đưa khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất cho bà con”.
Thiết nghĩ, sự trăn trở và những kiến nghị của vị Phó Chủ tịch xã về những vấn đề cấp thiết cho địa phương là có cơ sở, rất cần được Nhà nước đầu tư, ủng hộ. Để tới đây, khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân sau quy hoạch, đưa vào sử dụng sẽ là cửa ngõ đối ngoại với quốc tế, là “xương sống” của Thủ Đô nối từ Sân bay quốc tế Nội bài về trung tâm thành phố sẽ không còn những tiếng thở dài lo âu của người dân về một cuộc sống bấp bênh…/.