Tránh quy định kiểu “một mình một chợ”
Hoạt động dầu khí có đặc thù riêng là hoạt động thăm dò, tìm kiếm dầu khí rủi ro cao, quy mô vốn lớn. Do đó, để thu hút đầu tư, thúc đẩy ngành này phát triển, Luật Dầu khí sửa đổi tới đây cần có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn.
Tại cuộc toạ đàm “Luật Dầu khí cần mang đặc thù Dầu khí” diễn ra ngày 9/11, ông Đoàn Văn Thuần (Viện Dầu khí Việt Nam) - cho biết, Luật Dầu khí sửa đổi nên tham khảo các luật ở nước ngoài để hoạt động dầu khí nước ta mang đúng đặc thù theo thông lệ quốc tế, không nên có những quy định “một mình một chợ”, gây khó khăn cho việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.
Theo ông Thuần, nhiều nước trên thế giới, tìm kiếm, thăm dò dầu khí được xác định là một hoạt động rủi ro, mỏ nào thăm dò có dầu thì tiếp tục phát triển, mỏ nào mà không phát hiện thương mại thì bỏ. Do đó, ở nước ta, cần có những cơ chế ưu đãi, khuyến khích trong đầu tư các dự án dầu khí và chấp nhận việc rủi ro.
Cũng theo ông Thuần, ở nhiều nước, nhà nước thông qua Luật Dầu khí, sẵn sàng trao quyền cho công ty dầu khí quốc gia sở hữu về dầu khí. Điều này giúp các công ty dầu khí tự chủ trong việc đầu tư các dự án dầu khí, thuận lợi, nhanh chóng trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư.
Vì thế, theo ông Thuần, Luật cần mở rộng thẩm quyền của Bộ Công Thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN). Báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí, báo cáo phát triển mỏ nên thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thuơng thay vì Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng chỉ cần phê duyệt các nội dung liên quan có ảnh hưởng lớn đến quyền “sở hữu nhà nước về tài nguyên dầu khí” và các trường hợp đặc biệt có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. “Cần “luật hóa” địa vị pháp lý của PVN là công ty dầu khí quốc gia, đại diện cho nước chủ nhà trong trong việc ký kết và quản lý, giám sát việc triển khai Hợp đồng dầu khí”, ông Thuần nói thêm.
Còn theo ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), dầu khí là ngành kinh tế nguồn, là tiền đề để phát triển các ngành kinh tế khác như điện, đạm, khí…
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, khai thác dầu khí lại rất rủi ro. “Thăm dò 10 giếng mà được 1-2 giếng đã là thành công”, ông Tùng nói và cho biết, một trong những chính sách của ngành Dầu khí là được gia hạn thời gian hợp đồng dầu khí dài hơn và thời gian tìm kiếm, thăm dò lâu hơn... Bởi vậy cần một hành lang pháp lý phù hợp, làm sao thuận lợi để phát triển.
Cũng theo ông Tùng, Luật Dầu khí sửa đổi sẽ thay đổi theo hướng thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn, đồng thời tăng tính minh bạch trong đầu tư các dự án. Hiện, thuế thu nhập doanh nghiệp được Luật Dầu khí quy định là 50%, một mức rất cao so với các lĩnh vực kinh doanh khác. Do đó, trong Dự thảo của Luật Dầu khí mới sẽ đề xuất cơ chế mới với mức thuế ưu đãi hơn đối với PVN.
|
TS.Nguyễn Đức Kiên:“Petronas của Malaysia trước đây là một tập đoàn dầu khí có xuất phát điểm giống PVN nhưng nay họ vươn xa và mạnh" |
Tìm kiếm, thăm dò thành công khoảng 20%
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, trình độ khoa học công nghệ của ngành Dầu khí nước ta tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới, nhưng vấn đề là cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào để ngành phát triển hơn thì Luật Dầu khí sửa đổi cần tiếp thu.
“Petronas của Malaysia trước đây là một tập đoàn dầu khí có xuất phát điểm giống PVN nhưng nay họ vươn xa và mạnh. Họ có cơ chế để phát triển”, ông Kiên nói và cho biết, bản thân ông rất quan tâm đến khâu chi phí tìm kiếm, thăm dò, đây là một khâu rất rủi ro, nhưng quan điểm của chúng ta trong làm luật và quan điểm về thuế đối với lĩnh vực này thì vẫn nhìn như một lĩnh vực đầu tư bình thường.
“Cứ muốn đảm bảo là toàn thắng trong các dự án tìm kiếm và thăm dò, trong khi thực tế quốc tế cho thấy tỷ lệ thành công khoảng 20%”, ông Kiên nói.
Theo ông Lê Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc PVN, nếu không tìm kiếm, thăm dò thì sản lượng sẽ ngày càng giảm, thu ngân sách từ đó giảm theo. Do đó, Luật Dầu khí sửa đổi cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, ưu đãi trong việc tìm kiếm, thăm dò các dự án dầu khí; đơn giản hoá các thủ tục hành chính, trao thêm một số quyền để PVN thuận lợi trong đầu tư, khai thác...
Được biết, trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19/10/2021, PVN đã gửi ý kiến lên Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài...
«Nguyên tắc đặt ra là các nội dung luật pháp về Dầu khí giúp cho hoạt động dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của PVN nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành Dầu khí theo thông lệ quốc tế », Phó "Tổng" PVN nhấn mạnh.