Trăn trở là nguyên cơ của những bứt phá

"Làm lãnh đạo, điều hành thì trăn trở là điều đương nhiên. Giải quyết trăn trở của cấp dưới, của chính mình là nhiệm vụ của lãnh đạo. Tôi đã học đâu đó một điều rất tâm đắc “Làm việc đừng mong dễ thành, vì dễ thành lòng thường khinh mạn, kiêu ngạo”. Vì thế trăn trở lại là cái may. Trăn trở là nguyên cơ mà cũng là động cơ của những thành công lớn, bứt phá" - TS. Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á chia sẻ cùng DN&PL

Apave là một trong 5 tập đoàn hàng đầu thế giới về lĩnh vực thẩm định, giám sát chất lượng các công trình xây dựng, công nghiệp. Gần 15 năm gây dựng và phát triển, giờ đây Apave là công ty tư vấn hàng đầu tại Việt Nam với gần 800 kỹ sư, chuyên viên và hơn 20 chuyên gia nước ngoài, đã có thêm những công ty con tại các nước trong khu vực.

DN&PL đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Nguyễn Công Phú, Tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á, Giám đốc Á Châu tập đoàn APAVE Cộng hòa Pháp, người đã đặt nền móng và tạo nên sự thành công của Apave ở khu vực này.

DN&PL: Dấu ấn của Apave Việt Nam & Đông Nam Á thể hiện ở những công trình đáng nhớ nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Công Phú: Năm 1997, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài -APAVE Việt Nam & Đông Nam Á. Ban lãnh đạo tập đoàn APAVE quyết định chọn Việt Nam như một bàn đạp chiến lược để phát triển kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á. APAVE Việt Nam & Đông Nam Á hiện là một trong những thành viên năng động nhất của Tập đoàn đang có sức vươn mạnh tại khu vực Đông Nam Á. Doanh thu của công ty không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao (30%/năm), năm 2009 đạt 8,5 triệu USD, năm 2010 đạt 15 triệu USD.  Công ty đã được cấp chứng chỉ hành nghề của các tổ chức đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới và trong nước (Lloyd’s, DNV, NK, VIAS, LR, GL, BV, ABS, VR…).

Lãnh đạo tập đoàn Apave (TS. Nguyễn Công Phú, thứ 3 từ trái sang)
Lãnh đạo tập đoàn Apave (TS. Nguyễn Công Phú, thứ 3 từ trái sang)

Chúng tôi đã tham gia quản lý nhiều dự án đầu tư xây dựng nổi tiếng ở Việt Nam như Tòa nhà Saigon Pearl tại TP HCM, tòa nhà Vietcombank, Tòa tháp Bitexco tại TP HCM, tòa tháp Opera Artex view (được giải thưởng chất lượng vàng do Bộ Xây dựng trao tặng), dự án Eurowindow Multi complex, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, Trung tâm Hành chính, chính trị Bình Dương, dự án Dragon Hill tại TP HCM, Trung tâm Hội nghị quốc tế, Khách sạn Metropole, Khách sạn Opera Hilton, quản lý công trình xây dựng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong….Các dự án công nghiệp như Total Gas Hải phong, Cần thơ, Shell Gas, Caltex Gas, LPG (kho khí hóa lỏng) Phú Mỹ, LPG Nhà Bè, LPG Dinh Cố, LPG Đà Nẵng, Kho lạnh Long An, các dự án trên bờ và ngoài khơi của Tỗng công ty Dầu khí Việt Nam.  Các nhà máy nhiệt điện, thủy điện như Cẩm Phả, Uông Bí, Sông Tranh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nậm Chiến, Sơn Động... Thiết kế và giám sát chất lượng Đê chắn sóng Dung Quất.

Ở nước ngoài chúng tôi cũng tham gia quản lý các dự án như các trạm khí hóa lỏng tại Angola (Bangladest), đường ống dẫn dầu xuyên Cameroon của ESSO- Mỹ, giám sát chất lượng Sân đua xe công thức 1 tại Úc, Kho khí hóa lỏng tại Campuchia, Indonesia…và mới đây nhất là Nhà ga hàng không quốc tế thủ đô Tripoli (Lybia)

DN&PL: Với những thành tích nói trên, không thể phủ nhận đóng góp to lớn của cá nhân ông. Nhìn lại chặng đường gần 15 năm đã qua, điều gì ông thấy tâm đắc nhất?

TS. Nguyễn Công Phú: Rất thật để nói rằng, cái tôi tâm đắc nhất là câu tôi nói trong giây phút rất xúc động, lúc tôi nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt” do báo điện tử Vietnamnet và Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức lần thứ nhất năm 2004, phát biểu với trực cảm, không qua lăng kính đắn đo, suy nghĩ “Người Việt hơn ai thì tôi không biết, nhưng thua ai thì chẳng thua ai!”. Giờ đây APAVE là công ty tư vấn hàng đầu tại Việt Nam với gần 800 kỹ sư, chuyên viên và hơn 20 chuyên gia nước ngoài, Apave Việt Nam là công ty mẹ của các công ty Apave China, Japan, Malaysia, Korea, Thailand, Indonesia, India, cộng thêm là Apave Việt Nam nếu không phải là số 1 thì cũng hàng đầu ở Việt nam. Những điều này, phải chăng là thêm bằng chứng cho câu phát biểu năm nào của tôi.

DN&PL: Vậy điều làm ông trăn trở nhất là gì?

TS. Nguyễn Công Phú: Làm lãnh đạo, điều hành thì trăn trở là điều đương nhiên. Giải quyết trăn trở của cấp dưới, của chính mình là nhiệm vụ của lãnh đạo. Tôi đã học đâu đó một điều rất tâm đắc “Làm việc đừng mong dễ thành, vì dễ thành lòng thường khinh mạn, kiêu ngạo”. Vì thế trăn trở lại là cái may. Trăn trở là nguyên cơ mà cũng là động cơ của những thành công lớn, bứt phá.

DN&PL: Ông đã viết nhiều bài viết về quản trị đăng trên các báo và tạp chí. Vậy nếu nói ngắn gọn, quản trị là gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Công Phú: Theo tôi, quản trị là cách đối xử giữa con người với con người, tạo ra sự thiện căn làm thế nào để các bên tâm phục khẩu phục. Thiện căn, tức cái gì mình nghĩ tốt cho mình thì phải làm tốt cho người ta. Mình phải tạo điều kiện cho người ta hiểu mình. Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Doanh nghiệp là một thực thể cấu tạo từ những con người để chinh phục một số con người. Có con người là có triết lý. Nói gọn ghẽ, đó là triết lý để tư duy và hành động. Quản trị là một trường sống động, không phải là một mớ lý thuyết suông, cứng nhắc, giáo điều, khoa bảng. Quản trị là quản và trị hôm qua, bây giờ và ngày mai, tạo cho doanh nghiệp luôn luôn có một thế và lực để phát triển và phát triển bền vững. Và mỗi doanh nghiệp có cách riêng để tạo cho mình một thế lực để cạnh tranh, tồn tại, phát triển trong nền kinh tế thị trường khốc liệt.

Cách riêng đó là việc sử dụng như thế nào cho phù hợp các học thuật - nghệ thuật - văn hóa quản trị vào đời sống doanh nghiệp. Và vì thế mà mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một ngôi nhà quản trị.

DN&PL: Theo ông, nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần có những đức tính gì?

TS. Nguyễn Công Phú: Trong môi trường kinh tế quá độ, một số lãnh đạo doanh nghiệp hay biện minh cho hành động hoặc triết lý hành động của mình bằng câu: "Thương trường là chiến trường". Nhận thức trên chỉ đúng trong một bối cảnh, một khoảng thời gian ngắn và cá biệt. Bởi lẽ lịch sử đã chứng minh rằng hòa bình và phát triển bền vững để giàu mạnh, hạnh phúc là điều mong muốn của con người.

Ernest Renan, một triết gia lớn, đã nói: “Khoa học mà không lương tâm chỉ là sự sụp đổ của tâm hồn”, thiết nghĩ tư tưởng này cũng đúng trong lĩnh vực kinh tế hay làm kinh tế mà các nhà lãnh đạo và điều hành nên để ý. Lãnh đạo và điều hành hay triết lý hành động và điều hành của nhà lãnh đạo cần dựa trên 8 đức tính: bình tĩnh, tự tin, can đảm, lo xa, trân trọng, kiên định, chủ kiến và lương tâm.

8 đức tính này không phải là những điều xa xôi, khó khăn lắm mới có thể thực hiện được mà thật ra nó đã tiềm ẩn trong ta. Chỉ có điều là liệu mỗi người đã nhận thức được đây là những đức tính cần phải phát huy hay không? Các nhà lãnh đạo và điều hành thành công lừng lẫy trên thế giới, và ngay ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, đã sử dụng các đức tính này một cách nhuần nhuyễn và đầy nghệ thuật.

DN&PL: Người ta nói ông là một doanh nhân luôn say mê nói về triết lý đạo Phật khi có cơ hội. Có phải thế không?

TS. Nguyễn Công Phú: Qua 50 tuổi tôi bắt đầu  suy nghĩ về sự luân hồi. Nhiều cái nhìn dưới góc độ Phật giáo rất đúng. Tôi thấm nhuần đạo Phật qua việc suy nghĩ đúng và làm đúng. Trong một doanh nghiệp, để thành công người lãnh đạo phải có suy nghĩ đúng để đưa ra cách làm đúng.  Đó chính là luật nhân quả trong đạo phật. Quả đó chính là sự thành công. Kỷ luật tạo ra chuyên nghiệp, chuyên nghiệp tạo ra hài hòa.

Có chút Phật trong công việc tạo ra sự hài hòa. Chuẩn đúng chính là sự hài hòa, đúng là phù hợp với môi trường và khả năng của mình. Có nhiều cái đúng chưa đúng thời điểm. Phật giáo có nói đến chữ “nhẫn”. Có nhiều quyết định của mình cần có thời gian để khẳng định đúng, tức là phải gieo thiện căn, nuôi nó. Trong tập thể, tôi nói mình phải biết mơ lớn nhưng bắt đầu từ chuyện nhỏ. Chính mỗi người phải học cách làm vì biết và làm là hai phạm trù khác nhau. Quan điểm của tôi ai làm hơn tôi thì tôi nhờ họ làm. Việc nào mình thích thỉ mới làm nhanh. Mình tạo ra niềm thích thú cho người làm với mình. Giữa phú quý tôi chọn quý trước, vì phú chưa chắc mang lại hạnh phúc.

DN&PL: Vậy ông quan niệm thế nào là hạnh phúc?

TS. Nguyễn Công Phú: Đời sống của tôi rất đơn giản. Nhìn qua lắng kính của Phật, hạnh phúc là cảm thấy thanh thản.

DN&PL: Xin cảm ơn ông.

TS Nguyễn Công Phú, là người con của cố đô Huế. Trong 30 năm sống ở nước ngoài, công tác ở 54 nước, tiến sĩ Nguyễn Công Phú đã tham gia nghiên cứu nhiều phương án kỹ thuật, tham gia thiết kế và xây lắp các nhà máy nhiệt điện, điện tử tại Pháp, Mỹ, Iran, Huy Lạp, Brasil...và các nhà máy khí hóa lỏng, lọc dầu tại Algeria, Mexico, Arab Saudi....

Từ năm 1982 ông làm việc cho tập đoàn Bureau Veritas với chức danh trưởng nhóm kỹ sư và chuyên gia cho những dự án công nghiệp lớn như: nhà máy lọc dầu, tổ hợp lọc dầu, nhà máy nhiệt điện, nguyên tử.

Năm 1995, ông quyết định gia nhập Ban lãnh đạo tập đoàn Apave của Cộng hoà Pháp với chức danh Tổng Giám đốc khu vực châu Á, bởi ông đã nhìn thấy khả năng có thể thuyết phục được tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam. Để thực hiện ước nguyện của mình, Tiến sĩ Nguyễn Công Phú nhận trọng trách thay mặt tập đoàn trực tiếp triển khai chiến lược phát triển dịch vụ giám định chất lượng và an toàn, hỗ trợ kỹ thuật tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Một mình về nước, ông dốc hết tâm huyết vào công việc trực tiếp tuyển dụng và đào tạo lại cho đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên đạt đến trình độ hàng đầu cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thử nghiệm không phá huỷ cho các công trình dầu khí trên bờ, trên biển và lĩnh vực tư vấn xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và nay là tư vấn giám sát và tư vấn quản lý cho các dự án xây dựng dân dụng và xây dựng công nghiệp, từ khâu thiết kế đến lắp ráp thi công. Năm 2004, TS Nguyễn Công Phú đã vinh dự nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt”

Đăng Bình - Thu Hồng (thực hiện)

Đọc thêm