Tìm đến chuyên gia tâm lý, chị Lâm Thu Dung (ngụ phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) bày tỏ ý định muốn tìm cách thuyết phục mẹ mình “đi bước nữa”. Câu chuyện này hiện không còn là hiếm hoi nhưng hành trình tìm kiếm bạn đời cho cha mẹ vẫn chưa bao giờ dễ dàng.
|
Hình minh họa |
Rào cản vô hình
Chị Thu Dung kể, bố chị đã mất từ 10 năm nay, gia đình cũng khá giả nên mẹ chị không vất vả. Tuy vậy, bà chưa từng nghĩ đến chuyện “đi bước nữa” vì sợ hai anh em chị phải chịu cảnh “con anh, con tôi”. Đến nay, hai anh em Thu Dung đã lập gia đình ổn định, mẹ chị đã có tổng cộng 3 cháu nội ngoại. Đến lúc này, Thu Dung mới giật mình nhận ra rằng, lấy chồng sớm, mất chồng sớm, mẹ chị giờ mới hơn 50, vẫn còn xuân sắc, đôi lúc bà ăn diện ra ngoài, vẫn còn những người đàn ông trung niên ngoái nhìn.
Có chồng, những lúc chồng đi xa vài ngày đã thấy buồn nhớ, chị mới thông cảm và hiểu cho cảnh cô độc của mẹ mình bao năm. Thế nhưng, khi mấp mé ngỏ ý định, mẹ chị đã gạt thẳng thừng: “Mẹ già rồi, còn sống được bao năm nữa...”. Nhưng tự sâu thẳm trong lòng, bằng linh cảm của người đàn bà, chị hiểu rằng mẹ cũng khao khát có một người để tâm tình, chia sẻ, yêu thương, bằng thứ tình cảm mà con cái không thể bù đắp. Đôi lúc, chị bắt gặp ánh mắt mẹ đăm đắm dõi theo một cặp vợ chồng già dìu nhau qua ngõ... Đó là lý do khiến chị tìm đến chuyên gia tâm lý, quyết tâm tìm cách thuyết phục mẹ.
Phương Duyên, đang du học ở Úc cũng đau đầu không kém trong chuyện tìm bạn đời cho cha mình. Duyên gần 30, cũng ngần ấy năm, cha cô sống lẻ loi nuôi con, sau khi mẹ Duyên qua đời vì ca sinh khó. Làm giám đốc một doanh nghiệp làm ăn khấm khá, nhưng khác với những tay giám đốc hào hoa, cha Duyên một mực chỉn chu, chăm lo cho con, không nhìn ngang ngó dọc.
Cách đây gần 20 năm, một lần cha Duyên đã có ý định lâu dài với một người phụ nữ trông khá hiền hậu và tỏ ra rất yêu quý Duyên. Nhưng rồi mọi chuyện chẳng đến đâu khi tình cờ ông biết được ý định của người phụ nữ ấy là nhắm vào cái gia sản của ông. Từ đó, ông thôi hẳn ý định. Duyên đi du học, rồi yêu và chuẩn bị kết hôn với một người Úc, theo kế hoạch phải hơn 5 năm nữa mới về Việt Nam sống. Điều cô băn khoăn nhất là cha mình chỉ có một mình thui thủi.
Qua những người bạn của cha, Duyên biết ông, vẫn còn trẻ và phong độ, được khá nhiều phụ nữ thương yêu, tình nguyện chăm sóc, trong đó rất nhiều người đàng hoàng, đến với ông thật lòng, nhưng ông nhất mực từ chối. Nhiều cánh thư của Duyên từ Úc về, đã tha thiết xin cha nghĩ lại. Cô cũng đã thu xếp về Việt Nam một chuyến, tìm hiểu những người phụ nữ quanh cha, mời vài người đến nhà chơi, nhưng cha cô đều lạnh như băng.
Tình cảnh của Thu Dung và Phương Duyên đang là nỗi niềm chung của rất nhiều người con. Họ thực lòng lo lắng và yêu thương cha mẹ, muốn tìm cho cha mẹ một người bạn đời, nhưng đều vấp phải cái rào cản cố hữu, là thói quen sống một mình và sự ngại ngần con cái, ngại ngần dư luận của các bậc sinh thành.
Tình già - không dễ
Trái ngược với những câu chuyện kể trên, vợ chồng anh Lê Văn Chí, cán bộ ngân hàng ở quận 10, lại buồn rầu vì lý do: Bố quá đào hoa. Bố anh vốn là Phó Giám đốc một ngân hàng lớn tại TP.HCM đang hưu trí, gia đình rất khá giả, góa vợ 7 năm nay, còn khỏe mạnh, phong độ. Cái “lí lịch trích ngang” ấy khiến rất nhiều cô ngấp nghé đến với ông, trong đó nhiều cô gái trẻ hơn Chí vài tuổi.
Điều làm vợ chồng anh lo lắng là ông, chán cảnh cô đơn, muốn tìm cho mình người nâng khăn sửa túi, lại sẵn tính đào hoa nên mấy lượt sa vào bẫy của các nàng. Có lần, anh còn phát hiện bố lén mua cho một cô gái trẻ cả một chiếc xe máy đắt tiền. Anh đã nhiều lần đưa ông đi gặp những người phụ nữ trung niên mà anh biết là đàng hoàng tử tế, nhưng đều bị bố chê vì nào là già quá, nào là không đẹp, không thoáng...
Trên một diễn đàn về gia đình, chị Hoàng Thị Linh, chủ một cửa hàng bán xe máy ở Phú Nhuận đã chia sẻ kinh nghiệm “xắn tay chọn chồng cho mẹ” của mình: “Nói mãi mà mẹ không nghe, cứ đi lại với mấy tên “đào mỏ”, tôi quyết định cho mẹ tỉnh ra, bằng cách gọi tên “bồ trẻ” đang thề sống chết yêu mẹ tôi đến, nói là tôi sẵn sàng trả cho nó một số tiền lớn để nó bỏ mẹ tôi, nó vui vẻ đồng ý, lại còn đùa là lấy tiền kiếm bồ trẻ cho sướng. Tôi ghi âm hết và đưa cho mẹ tôi nghe, bà khóc mất mấy ngày. Cùng lúc đó, bà bạn mẹ cũng mới bị tay bồ trẻ lừa mất số tiền lớn. Từ đó mẹ tôi tỉnh ra, bây giờ thì đã “chịu” ông bác nhỏ bạn tôi, rất tử tế...”.
Nhận định về điều này, các chuyên gia tâm lý cũng cho biết tuy con cái thực lòng mong muốn cha mẹ có một mái ấm, nhưng còn rất nhiều rào cản. Bên cạnh đó, với người già, tâm sinh lý thay đổi, đôi khi cũng dẫn đến những trường hợp “đào hoa” như trên. Muốn cha mẹ bước qua rào cản và “đi đúng hướng” con cái phải khéo và “có cách” phù hợp. Con cái nên thường xuyên tâm sự để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ, đồng thời tìm hiểu ở những người bạn của cha mẹ xem cha mẹ mình cần gì.
Bên cạnh đó, nên giúp cha mẹ tăng cường các mối quan hệ, giao lưu, đăng ký cho cha mẹ các lớp thể dục, sinh hoạt tại địa phương. Ngoài ra, việc “tân trang” lại ngoại hình cho cha mẹ tươm tất, hiện đại hơn cũng là một điều cần thiết mà các chuyên gia tâm lý khuyên những người làm con nên chú ý để giúp cha mẹ tự tin để sẵn sàng mở lòng cho những cuộc gặp gỡ, hẹn hò...
Ngọc Mai