Tráng ca về Mẹ Anh hùng

Họa sĩ Đinh Gia Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật và Xây dựng Đà Nẵng 2 - đã gửi gắm ý tưởng và tâm huyết khi phác thảo công trình văn hóa cấp quốc gia: Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

Họa sĩ Đinh Gia Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ thuật và Xây dựng Đà Nẵng 2 - đã gửi gắm ý tưởng và tâm huyết khi phác thảo công trình văn hóa cấp quốc gia: Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) tại Núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

Mô tả ảnh.
Họa sĩ Đinh Gia Thắng bên mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ.

- P.V: Vì sao ông lại có cảm hứng sáng tác Tượng đài Bà mẹ VNAH xuất phát từ ý tưởng và hình tượng Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ?

- Họa sĩ Đinh Gia Thắng: Nguồn cảm hứng sáng tạo của tôi xuất phát từ ý tưởng và hình tượng Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ như sự tri ân những người mẹ có con ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tượng đài được đặt tại tỉnh Quảng Nam - địa phương có nhiều Mẹ VNAH nhất cả nước với gần 7.000 mẹ, nơi đây có Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn) với 9 người con hy sinh.

- Toàn cảnh của công trình tượng đài Mẹ VNAH như thế nào, thưa ông?

- Vùng đất được chọn để xây dựng Tượng đài Mẹ VNAH là nơi “sơn thủy hội tụ” giữa vùng đồng bằng ven biển. Khu vực này có núi Cấm, núi Quảng Phú, đồi An Hà, xa hơn về phía tây có vùng núi đồi Trà Cai - những địa danh vừa có vẻ đẹp thiên nhiên, vừa mang tính lịch sử, văn hóa. Từ phía tây nam, sông Kỳ Phú chảy hòa với một nhánh của dòng Trường Giang ở phía nam. Phía đông là dòng chính Trường Giang chảy dọc ven biển, nối liền từ cửa An Hòa (huyện Núi Thành) ở phía nam và Cửa Đại (Hội An) ở phía bắc; hướng tây có núi đồi Trà Cai. Đây là thế đất “long chầu, hổ phục”.

 Địa hình đặt tượng đài có dáng nét mềm mại, gợi lên hình ảnh hùng vĩ của non sông, đất nước. Do nền đất tự nhiên cao hơn so với mặt đường phía trước tượng đài và địa hình xung quanh là 8,15m, nên điểm nhìn từ đường quốc lộ cũng như các khu vực xung quanh đến tượng đài đều rất rộng, tầm nhìn rõ. Trong tương lai, khi tuyến đường du lịch ven biển từ Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) đến Núi Thành, Quảng Nam được xây dựng, kết nối với đường An Hà - Quảng Phú thì một trong những điểm tham quan du lịch hấp dẫn là Tượng đài Mẹ VNAH.

 Hướng mẹ nhìn phía trước là hướng đông bắc có sông Trường Giang, xa hơn là biển Đông. Sau lưng tượng là dãy núi Cấm nhấp nhô như ôm lấy tượng Mẹ, tạo thế dựa lưng như sự gắn kết tình cảm thắm thiết của quê hương, đất nước với mẹ hiền.

- Trong quá trình thi công, giữa phác thảo tỷ lệ 1/10 ban đầu và tượng thạch cao tỷ lệ 1/1 hiện nay có điều chỉnh nào đáng kể?

- Chúng tôi đã điều chỉnh để thể hiện hình tượng Mẹ VNAH trong toàn khối tượng đài có chiều cao 18m, chiều rộng theo đường thẳng 86,5m, đường cong 120m, bề dày khối tượng chỗ lớn nhất là 21m, chỗ mỏng nhất ở 2 đầu vách đá là 8m với chất liệu bằng đá granit. Bên trong khối tượng là nhà tưởng niệm Mẹ VNAH ghi danh gần 50.000 Mẹ, giới thiệu hình ảnh, cuộc đời và cống hiến của các Mẹ đối với đất nước. Vị trí cửa ra vào chính ở 2 đầu vách đá, mặt sau lưng tượng có 2 cửa ra vào phụ.

TuongDaiMeVNAnhHung.jpg
Ngày 16-11-2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định đưa công trình Tượng đài Mẹ VNAH vào danh sách các công trình văn hóa cấp quốc gia. Tượng đài được khởi công ngày 27-7-2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2011 sau khoảng 1.100 ngày khởi công. (Nguồn: wikipedia)

Khối tượng đài chính gắn kết với hồ nước lớn hình bán nguyệt khoảng 981m2. Toàn khối tượng đài như ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Chính giữa là chân dung bán thân Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Chân dung Mẹ là vẻ đẹp của sự nhân hậu, bao dung, nén đau thương, mất mát, tiếp thêm nguồn sống mạnh mẽ cho thế hệ con cháu hôm nay và mai sau. Hai bên khối tượng Mẹ là hai vách đá được tạo hình như những khối đá tự nhiên kết nối với nhau, nhưng được cách điệu khéo léo bằng những hình khối đa dạng, đa chiều theo nhịp điệu uyển chuyển, với các cung bậc của tiết tấu và giai điệu từ thấp đến cao. Hai bên vách đá thể hiện gương mặt những người con thấp thoáng nhằm tôn vinh thêm hình tượng Mẹ và gợi mở cho người xem nhiều suy tưởng sâu sắc về Mẹ cũng như về đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai - một đất nước luôn hòa bình, thống nhất, con cháu mọi miền Bắc - Trung - Nam sum vầy quanh Mẹ.

Tiếp cận công viên tượng đài là quảng trường tiền môn với 30 ô thảm cỏ tượng trưng cho 30 năm kháng chiến trường kỳ. Tại quảng trường này có 8 trụ biểu, cao 9m, đường kính 1,65m - hình thức kiến trúc như một “cổng ảo” cho công viên tượng đài. Các trụ biểu khắc chạm các huyền thoại về Mẹ VNAH, những hình ảnh về bà mẹ Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ, và Tây Nguyên, huyền thoại về những cô gái thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn. Đan xen với những biểu tượng đó còn là những chạm khắc huyền thoại về suối nguồn, về lời ru của mẹ phảng phất câu dân ca Bắc bộ, điệu hò Trung bộ, điệu lý Nam bộ cùng với những nét văn hóa đặc trưng của vùng, miền. Phía sau 8 trụ là hai hồ lớn, hai bên đường dẫn chính là 2 suối nước cùng 30 ngọn đèn bằng đá, tượng trưng cho 30 năm mẹ đợi ngày đất nước hòa bình, thống nhất, Bắc - Trung - Nam sum họp một nhà. 2 khu vườn truyền thống và hiện đại thể hiện sự giao hòa giữa bản sắc văn hóa dân tộc với xu thế hiện đại…

Cuối đường dẫn chính là quảng trường nghi lễ - nơi tổ chức các lễ hội để tưởng nhớ và tôn vinh Mẹ. Hai thảm hoa lớn ở 2 bên tượng đài với diện tích 600m2 được trang trí với nhiều họa tiết, với sắc thái  tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam. Phía sau tượng đài là một vườn đá với những tảng đá lớn khắc những bài thơ về mẹ như vần kết về khúc tráng ca Mẹ VNAH.

Xin cảm ơn họa sĩ!       

ĐINH VĂN DŨNG (thực hiện)

Đọc thêm