Trắng đêm đóng tàu cho ngư dân bám biển

(PLO) - Bất chấp cái nóng như thiêu như đốt của miền Trung tháng 6, hàng trăm công nhân lành nghề của Hợp tác xã (HTX) Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) vẫn ngày đêm làm việc để những con tàu công suất lớn kịp hoàn thành, thẳng hướng ra Hoàng Sa. Ai cũng tha thiết muốn góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển, khẳng định chủ quyền.
Nhờ sự lao động miệt mài của những người thợ, những con tàu công suất lớn này sắp được hạ thủy
Nhờ sự lao động miệt mài của những người thợ, những con tàu công suất lớn này sắp được hạ thủy
Thương tàu bị tàu Trung Quốc đâm như thương con 
Ông Lê Khoan, người 40 năm đóng tàu, thành viên HTX Trục vớt, đóng sửa tàu thuyền Bắc Mỹ An những ngày này vẫn thường thẫn thờ nhìn về chiếc tàu cá ĐNa 90152 nằm chơ vơ trên đà với thương tích chằng chịt. Ông Khoan cho biết, ông là thợ cả cùng 10 công nhân khác đóng con tàu này cho bà Huỳnh Thị Như Hoa (trú phường Xuân Hà, Thanh Khê, Đà Nẵng) vào năm 2012. 
“Khi đó, ngư dân miền Trung ít đóng tàu lớn lắm. Nhận được đơn đặt hàng của bà Hoa, chúng tôi làm cả ngày lẫn đêm suốt mấy tháng mới xong. Tàu này từng vượt qua bao sóng gió, từng bị cơn bão Chanchu tấn công nhưng vẫn đứng vững. Thế mà bị tàu vỏ sắt Trung Quốc tông một đòn chí mạng, nó thành tàn phế, tôi cầm lòng sao được”. - Ông Khoan cho biết.
Cũng như chủ tàu, khi nhận hung tin tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc tông chìm giữa mênh mông sóng nước, ông Khoan trằn trọc, thở dài suốt đêm. Ông chết lặng khi thấy con tàu tơi tả được lai dắt về âu thuyền… “Đóng được con tàu như sinh thêm một đứa con. Giờ nhìn thấy nó thương tật như thế, những người thợ chúng tôi đứt từng khúc ruột. ĐNa 90152 sẽ trưng bày ở Viện Bảo tàng để tố cáo hành vi vô nhân đạo của phía Trung Quốc”.
Ông Lê Khoan xót xa khi thấy tàu ĐNa 90152 - “đứa con tinh thần” của mình đầy thương tích do bị tàu Trung Quốc tông
Ông Lê Khoan xót xa khi thấy tàu ĐNa 90152 - “đứa con tinh thần”
của mình đầy thương tích do bị tàu Trung Quốc tông
 
“Chạy nước rút” để tham gia bảo vệ chủ quyền
Ở khu đà của HTX Trục vớt, đóng sửa tàu Bắc Mỹ An và Công ty Bảo Duy, những người thợ đang khẩn trương đóng mới các con tàu. Từng tốp thợ miệt mài xẻ gỗ, kéo triền đà, uốn be, khoan chốt. Ông Lê Khoan tiết lộ: “Dù bây giờ có nhiều thiết bị hiện đại hỗ trợ, nghề đóng tàu không làm hoàn toàn thủ công như trước, tuy nhiên do đặc thù của tàu cá, thợ vẫn phải nắm được những kỹ thuật truyền thống. Chẳng hạn, công đoạn hơ ván gỗ trên lửa để uốn cho vừa với khung sườn tàu, chỉ có những thợ có kinh nghiệm mới làm được...”. 
Cũng theo ông Khoan, trong quá trình thi công, các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật được thợ cả giám sát rất khắt khe. Từng chi tiết dù nhỏ nhất trên thân, vỏ tàu đều  phải  được chú trọng  để sau khi hạ thủy, tàu phải đảm bảo mức độ an toàn, cân bằng, lướt nước nhẹ nhàng. 
Từ ngoài Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đến nay, việc đánh bắt khơi xa hiệu quả cao. Kể cả khi Trung Quốc đưa giàn khoan hạ đặt trái phép trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam, ngư dân vẫn nườm nượp đầu tư đóng tàu mới để làm ăn, kết hợp bảo vệ ngư trường truyền thống. “Chúng tôi cũng rất tự hào vì được góp sức cùng ngư dân giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Lê Khoan chia sẻ.
Sau bữa cơm trưa ngay tại xưởng, công nhân lại bắt tay vào công việc để những con tàu sớm ra Hoàng Sa
Sau bữa cơm trưa ngay tại xưởng, công nhân lại bắt tay
vào công việc để những con tàu sớm ra Hoàng Sa
Hàng loạt tàu lớn sẽ thẳng tiến Hoàng Sa
Ông Phạm Trực, Quản đốc của Công ty Bảo Duy cho biết, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 6 tàu cá công suất lớn được các công nhân công ty hoàn thành và cho hạ thủy. 6 con tàu đó đã thẳng hướng tới Hoàng Sa đánh bắt thủy sản, bám ngư trường, khẳng định chủ quyền và giữ gìn biển đảo quê hương. Trong đó, phải kể đến hai con tàu “khủng” mang số hiệu  ĐNa-90604TS và ĐNa-90603TS của ông Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Hai con tàu này có chiều dài mỗi chiếc 25m, khi đánh bắt có thể chở được trên 320 tấn hải sản. Công suất máy mỗi chiếc lên tới 1.150CV. 
Tại các xưởng sửa chữa ở Đà Nẵng hiện có khoảng 350 chiếc tàu đang được gấp rút sửa chữa. Dự kiến, giữa tháng 6 này hơn 150 chiếc sẽ được sửa xong, tiếp tục ra khơi. Theo ông Ngô Văn Sỹ, Phó Chủ nhiệm HTX Trục vớt, đóng sửa tàu Bắc Mỹ An, mới đây có trên 20 tàu hoàn tất việc sửa chữa và đã ra khơi. “Không thể vì bất cứ lý do nào mà mình lơi là vùng biển mà cha ông để lại được” - ông Sỹ nhấn mạnh.
Bãi đà bên Âu thuyền Thọ Quang về đêm, ánh điện từ xưởng đóng tàu hắt loang loáng trên mặt nước. Tiếng máy cưa, tiếng đục, tiếng hò kéo tàu hạ thủy xua tan bóng tối cô quạnh ở một vùng cửa biển. Đêm nay, ngày mai, nhiều con tàu công suất lớn sẽ được bàn giao cho ngư dân. Rồi những con tàu ấy sẽ thẳng tiến Hoàng Sa, bất chấp biển cả, sóng to và sự đe dọa từ phía Trung Quốc, bảo vệ ngư trường, khẳng định chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Đọc thêm