Tuy nhiên trên thực tế, qua gần 5 năm đi vào hoạt động, số lượng bò được chăn nuôi tại đây không quá 500 con, nhiều hạng mục xây dựng thuộc dự án còn dang dở, đường vào khu vực trang trại rất khó khăn... Được biết, thời gian tới trang trại này còn có thể chuyển sang nuôi thử…lợn ?
“Vẽ dự án” trên đất thuê 50 năm?
Vừa qua, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam có mặt tại “Dự án Chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt” thuộc vùng Ỷ, xã Ngư Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Theo tìm hiểu, đây là dự án có diện tích 2.449.085m2 (244,9ha), quy mô xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với số lượng thường xuyên là 3.000 con bò giống sinh sản và 2.250 con bò thịt.
Dự án Chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt này có tổng vốn đầu tư là 20 tỷ đồng do Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân (trụ sở tại xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) làm chủ đầu tư. Thời hạn sử dụng đất hoạt động dự án là 50 năm kể từ ngày ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư (tức, 03/12/2015 đến hết ngày 03/12/2065).
Một khu trang trại đã được xây dựng nhưng không có bò nuôi nhốt. |
Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng công nghệ cao, tập trung, giảm chi phí, tăng hiệu quả; Xây dựng hệ thống sản xuất thức ăn hỗn hợp thô xanh khẩu phần hoàn chỉnh chất lượng cao. Góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo lợi nhuận doanh nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Nếu không nhìn vào hiệu quả thực tế và những gì đang diễn ra tại dự án này thì đây quả là một dự án ‘không thể chê’ tại một xã còn nhiều khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên với những gì đang có trên thực tế của dự án có thể không quá để nói thực sự rất đáng thất vọng.
Một công trình xây dựng dang dở trong khuôn viên dự án. |
Theo ghi nhận, trang trại của dự án Chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt có vị trí cách UBND xã Ngư Hóa khoảng hơn 5km nhưng để đi vào dự án rất khó khăn. Bởi, con đường cấp phối vào khu trang trại có độ dốc rất lớn, các phương tiện di chuyển tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Tại khu vực trang trại, chỉ có một ngôi nhà nhỏ cấp 4, một khu trang trại 'để không' sau khi xây dựng, một công trình đang xây dựng dở, không có hệ thống điện, hệ thống nước được lấy từ giếng khoan không đảm bảo, một số nhóm cây trồng không nằm trong quyết định quy hoạch chi tiết…
Ngoài ra, dù dự án có diện tích lên đến 249,9 ha nhưng số lượng công nhân, bảo vệ hiện tại chỉ có hai người, số lượng bò chăn nuôi tại đây theo lời bảo vệ thời điểm này chỉ có vỏn vẹn 6 con. Thậm chí, nếu theo lời bảo vệ thì thời gian tới chủ đầu tư còn có thể đầu tư nuôi lợn rừng?
Khu vực mà theo lời bác L. cho biết thời gian tới sẽ nuôi thử vài con lợn rừng. |
“Tui mới lên đây năm ni, giờ ở đây có hai người thôi. Năm ni dịch bệnh nên cũng chưa đầu tư nuôi mà đang còn tính mua ít con heo nuôi thử coi có hạp khí hậu không để biết đường mà mua chăn nuôi ngoài cái trang trại chộ đề bảng xây năm 2017 đó. Còn giờ đây có còn 6 con bò đang thả cho ăn, còn heo thì chưa mua. Nói chung ở đây cũng vất vả, đêm hôm thì không có điện rồi chợ búa thì xa quá” - bác L. (trú tại Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đang làm bảo vệ tại trang trại bò cho biết.
Kỳ vọng của chính quyền địa phương về dự án
Liên quan đến quá trình những gì đang diễn ra trong khuôn viên “Dự án Chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt” của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân, PV Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với chính quyền xã Ngư Hóa để nắm bắt thêm thông tin.
Theo ghi nhận, với đường cấp phối như hiện tại, để vào được khu vực trang trại chỉ có thể dùng xe máy số. |
Ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Ngư Hóa cho biết: “Từ năm 2016 sau khi triển khai cấp phép thì doanh nghiệp làm cũng rầm rộ, có xây dựng được hai cái khu trang trại, nhà điều hành rồi các thứ trong khoảng hai năm đầu. Bước đầu chúng tôi cũng thấy họ (Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân – PV) đưa lên khoảng 200-300 con bò nhưng sau đó khu vực đó nguồn nước không được đảm bảo, cỏ thì không trồng được, thấy có khoan giếng nhưng nước cũng không đáng kể.
Vì không có nguồn nước nên bò cũng không có thức ăn, vận chuyển thức ăn từ dưới này lên thì đường vào trang trại lại khó quá, cuối cùng sau rồi bò cũng chết hết với nhìn hắn rom quá (ốm yếu – PV) như thế là bắt đầu trở lại. Năm ngoái, anh em chúng tôi có vô kiểm tra thì nghe mô còn được khoảng 20 con, còn đến giờ thì không biết có con nào thì xã cũng không rõ.”
Rất nhiều đoạn trên đường vào khu vực trang trại có độ dốc khá lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. |
Ông Phong còn cho biết thêm: “Tâm lý xã cũng mong muốn có một doanh nghiệp nào tới hoạt động cho hiệu quả để góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm cho bà con nhưng thực tế thấy doanh nghiệp cũng còn khó khăn quá.
Về đầu tư hạ tầng cơ bản nói ra thì cũng làm cái đường cấp phối vào đó, chừ đường mới 2 năm hắn cũng xuống cấp, mưa xói hết cả không biết xe máy có vào được không. Nói chung doanh nghiệp chưa làm được mấy, đã đầu tư làm được mấy mô, chừ thì không biết có còn nuôi con bò nào trong không.”
Một dự án trang trại với quy mô hàng trăm héc-ta, mục tiêu chăn nuôi 5.250 con bò nhằm góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo lợi nhuận doanh nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.
Dự án "Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt” của Doanh nghiệp tư nhân Gia Hân sau gần 5 năm liệu có đang..."dậm chân" tại chỗ? |
Với những gì đang diễn ra tại một dự án đã đi vào hoạt động gần 5 năm như hiện tại với nhiều hạng mục xây dựng đến giờ còn dang dở không đúng cam kết, số lượng bò nuôi thời điểm cao nhất theo lời chính quyền xã chỉ chiếm chưa đến 10% so với quy mô theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, hệ thống đường sá, khu quản lý kinh doanh chưa đảm bảo…
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền có liên quan đến dự án cần xem xét năng lực của chủ đầu tư. Đồng thời, cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế vấn đề hoạt động của dự án nói trên để đưa ra phương án khai thác đạt hiệu quả đối với mô hình trang trại chăn nuôi trên diện tích đất 244,9ha tại xã Ngư Hóa.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về năng lực chủ đầu tư và dự án nói trên!