Đề nghị bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân
Trong thời gian qua, ở Việt Nam ngày càng có nhiều người đã thực hiện việc chuyển giới ở nước ngoài về nước, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý, xã hội liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của những người này. Vì thế, có ý kiến cho rằng cần bổ sung quyền được chuyển giới của cá nhân vào trong Bộ luật Dân sự (BLDS).
Theo quan điểm của Chính phủ, việc nghiên cứu, xem xét giải quyết vấn đề thực tiễn này là cần thiết, nhưng đây là vấn đề lớn, phức tạp nên cần phải có thời gian để nghiên cứu một cách thấu đáo. Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.
Nhưng trước mắt, để quy định của BLDS có tính bao quát, tạo điều kiện thuận lợi cho pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể về những vấn đề liên quan, Điều 41 Dự thảo Bộ luật về quyền xác định lại giới tính, thay vì quy định cụ thể các trường hợp được xác định lại giới tính như BLDS hiện hành thì chỉ ghi nhận một nguyên tắc chung.
Theo đó: Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định; người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định; việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
Không lẫn lộn giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu
Đó là quan điểm được UBTVQH lưu ý với Ban soạn thảo Dự thảo BLDS (sửa đổi) liên quan đến việc qui định các hình thức sở hữu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cần làm rõ ràng giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu mới xác định được có bao nhiêu hình thức sở hữu được qui định trong BLDS vì chế độ sở hữu và hình thức sở hữu là khác nhau. Thực tế, sở hữu toàn dân thì cũng là sở hữu chung.
“Nói sở hữu toàn dân thì cũng phải có chủ thể thực hiện, đó là Nhà nước, nên phải qui định là “sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện” theo đúng Hiến pháp và Luật Đất đai” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng nhận xét, theo qui định của Dự thảo, dường như “đang có sự lẫn lộn giữa hình thức sở hữu và chế độ sở hữu”, cần làm rõ sự “lẫn lộn” này và có sự tiếp thu quy định tại luật hiện hành, phù hợp với hội nhập quốc tế. Nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về qui định ba hình thức sở hữu là: sở hữu nhà nước, sở hữu chung (có thể bao gồm cả sở hữu tập thể) và sở hữu tư nhân trong Dự thảo.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Dự thảo nên cân nhắc về qui định các hình thức sở hữu trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) thể hiện được định hướng và bản chất của Nhà nước ta trong vấn đề sở hữu. Vì thế, “dùng khái niệm “sở hữu riêng” để nổi bật được tuyên bố của Nhà nước về vấn đề bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân” – ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
BLDS hiện hành quy định 6 hình thức sở hữu. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất qui định hình thức sở hữu bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý các tài sản thuộc sở hữu toàn dân nên cần có chế độ pháp lý riêng biệt về hình thức sở hữu này trong BLDS để Nhà nước thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt các tài sản này.
Nhưng quá trình góp ý Dự thảo vẫn có ý kiến cho rằng chỉ nên qui định sở hữu riêng và sở hữu chung vì sở hữu toàn dân thuộc hình thức sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Các ý kiến này cũng lưu ý, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân có sự khác biệt với các hình thức sở hữu chung khác nên dù sở hữu toàn dân không phải là một hình thức sở hữu độc lập nhưng cần quy định thành một mục riêng trong chế định về sở hữu chung.
Lấy ý kiến nhân dân phải thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí
Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung Dự thảo BLDS (sửa đổi), Chính phủ dự kiến 10 vấn đề trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) cần tập trung lấy ý kiến nhân dân.
Tại phiên họp sáng qua (23/12), tán thành đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, UBTVQH đề nghị thời gian lấy ý kiến từ ngày 1/01/2015 và đến ngày 5/04/2015 thông qua 3 đầu mối là Chính phủ, UBND; Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và TANDTC, VKSNDTC với yêu cầu “thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí, tạo điều kiện cho nhân dân đóng góp ý kiến thuận lợi”. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến góp ý, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo BLDS (sửa đổi), báo cáo UBTVQH và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.