Tranh cãi quanh con tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản

Nhật Bản vừa công bố khu trục hạm lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên chiến hạm này đã thu hút cả sự chú ý lẫn sự phê phán của không ít nước trên thế giới, do nó quá giống một chiếc tàu sân bay.

Nhật Bản vừa công bố khu trục hạm lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên chiến hạm này đã thu hút cả sự chú ý lẫn sự phê phán của không ít nước trên thế giới, do nó quá giống một chiếc tàu sân bay.

Chiến hạm Izumo lớn nhất Nhật Bản vừa ra mắt thế giới vào đầu tuần này

Tàu sân bay trá hình?

Đầu tuần này, Nhật Bản đã giới thiệu mẫu tàu chiến lớn nhất mang tên Izumo, ở Yokohama, phía Nam Tokyo. Con tàu nặng 19.500 tấn, có giá tới 1,2 tỷ USD, được Nhật Bản gọi là khu trục hạm.

Tuy nhiên nó có khả năng chở theo 14 chiếc máy bay trực thăng trên sàn tàu, thực tế là một đường băng, dài tới 250 mét. Giới chức Nhật Bản nói rằng nó sẽ được sử dụng trong hoạt động bảo vệ quốc phòng, đặc biệt là chống tàu ngầm và giám sát biên giới.

Ngoài ra, con tàu cũng dùng để tăng cường khả năng vận chuyển binh lính và nhu yếu phẩm tới các khu vực xảy ra thảm họa, như trong trận động đất sóng thần hồi năm 2011.

Tuy nhiên việc con tàu có đường băng lớn đã khiến không ít chuyên gia quân sự nhướn mày. Theo họ, con tàu mới chính là tàu sân bay trá hình, có khả năng sẽ được sử dụng trong tương lai để phóng máy bay chiến đấu hoặc các loại máy bay khác với khả năng cất cánh thẳng đứng, như F-35 và V22 Osprey.

Trong tình huống đó, chiến hạm này sẽ chính thức trở thành tàu sân bay và đó sẽ là một sự phát triển mới của Nhật Bản, nước hiện đã có lực lượng hải quân được huấn luyện và trang bị tốt nhất ở Thái Bình Dương. Trước đó Nhật Bản không đóng tàu sân bay, bởi hiến pháp quy định quân đội nước này chỉ được phép trang bị các lực lượng đủ để tự vệ, chứ không thể đi tấn công nước khác.

Chạy đua vũ trang

Phía Nhật Bản tuyên bố Izumo không có khả năng trở thành tàu sân bay như người ta nghĩ. Họ chỉ ra rằng nó không có máy phóng hơi nước như tàu sân bay Mỹ để phóng máy bay chiến đấu cánh cố định. Nó cũng không có phần dốc lên như tàu sân bay của Trung Quốc và Anh để phục vụ việc phóng máy bay và không có cáp hãm tốc.

Nhưng những lời giải thích đó không đủ để dập tắt sự chỉ trích. Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo Nhật Bản không nên tăng cường sức mạnh quân sự. "Chúng tôi quan ngại về việc Nhật Bản thường xuyên tăng cường các trang thiết bị quân sự của mình" - tờ Thời báo Hoàn cầu viết - "Các nước láng giềng của Nhật Bản và châu Á cần cảnh giác với xu hướng này. Nhật Bản cần nhớ lấy bài học từ lịch sử và gắn chính sách của mình với hoạt động phòng vệ, tuân thủ lời hứa sẽ đi theo con đường phát triển hòa bình".

Những chỉ trích xuất hiện bởi, dù việc đóng Izumo được tiến hành từ năm 2009 và thông tin về nó xuất hiện khá nhiều trên báo chí, lễ ra mắt lại không hề đúng thời điểm. Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ liên quan tới một quần đảo nhỏ nằm giữa phía Nam Nhật Bản. Trong nhiều tháng trời, tàu từ cả hai nước đã tiến hành các cuộc tuần tra quanh quần đảo, được Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Đã có quan ngại rằng Izumo là một con tàu sân bay trá hình dướp lớp vỏ khu trục hạm

Căng thẳng liên quan tới quần đảo, cùng việc Trung Quốc chi tiêu mạnh tay vào việc hiện đại hóa quân sự, quốc phòng, đã làm dấy lên những lời kêu gọi ở Nhật Bản về việc phải tăng cường sức mạnh trên không và trên biển.

Những lo ngại đó không phải không có căn cứ. Trung Quốc gần đây đã bắt đầu điều hành một chiếc tàu sân bay sau khi mua lại nó từ trạng thái sắt vụn ở Ukraina. Trung Quốc cũng đang tiến tới chỗ tự đóng một chiếc tàu sân bay và họ còn công khai ý định đóng một chiếm hạm khổng lồ để đối phó với Izumo.

Con bài chiến lược

Kể từ năm 2010, các chính sách quân sự của Nhật Bản đã thay đổi để chống lại ảnh hưởng tăng lên của Trung Quốc trong khu vực. Tokyo dự kiến sẽ công bố việc đánh giá lại chính sách của nước này vào cuối năm nay nhằm giải quyết các thay đổi gần đây trong cán cân sức mạnh quân sự khu vực.

Đặc biệt, Tokyo muốn tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và có thể bổ sung khả năng quốc phòng nhằm giúp nước này tấn công một số căn cứ quân sự của các nước khác.

Theo nhiều nhà quan sát, việc Nhật Bản sử dụng Izumo ra sao sẽ phụ thuộc vào việc tình hình an ninh ở khu vực Đông Bắc Á tiến triển thế nào. Với con tàu này và đội tàu chiến cực kỳ mạnh, hiện đại đã có, Tokyo đã nắm trong tay con bài tàu sân bay. Một số người tin rằng Tokyo có thể giảm thiểu thời gian luyện tập để làm chủ tàu sân bay bằng cách tập cất cánh và hạ cánh trên các siêu tàu sân bay của Mỹ.

Tường Linh

Đọc thêm