Tranh cãi quanh quy định quản lý xe hợp đồng

(PLVN) - Các ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận được quanh một số quy định được đề xuất trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (bản ngày 9/4/2019) cho thấy, có nhiều vấn đề mà tư duy quản lý còn chưa theo kịp thực tiễn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cơ quan quản lý cần “phương thức tính tiền” để làm gì?

Điều 6 của Dự thảo quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, trong đó tại điểm a và b khoản 3 Điều 6 yêu cầu “trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến” và “Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số và báo cho hành khách biết trước khi thực hiện chuyến đi”. 

Các quy định về taxi sử dụng phần mềm tính tiền này được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đề nghị bãi bỏ, bởi đây chỉ là các mô tả về kỹ thuật của phần mềm, trong khi phần mềm có thể được thay đổi theo thời gian khi công nghệ được cải thiện. Vì thế, quy định cứng có thể bó buộc doanh nghiệp trong khi không nhằm mục đích quản lý nào.

Tương tự, nhiều ý kiến đề nghị bỏ  quy định về việc thông báo phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi cho Sở Giao thông Vận tải được nêu tại khoản 4 Điều 6, do không rõ “phương thức tính tiền” có nghĩa là gì. Hơn nữa, việc phải thông báo về vấn đề này trước khi thực hiện kinh doanh có nghĩa là sau này đơn vị không thể thay đổi “phương thức tính tiền” hay không? Nếu đúng, thì đây có được coi là việc can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?

Các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp cũng nhận định, quy định này không nhằm mục tiêu quản lý nào: Không rõ cơ quan quản lý Nhà nước cần thông tin này để làm gì trong khi bản thân cơ quan quản lý Nhà nước không có quyền can thiệp vào quyết định của doanh nghiệp về phương thức tính tiền, hơn nữa tùy thuộc vào tình hình kinh doanh, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền thay đổi phương thức tính tiền trong quá trình kinh doanh (theo Điều 7 Luật Doanh nghiệp), và khi đó thông tin mà doanh nghiệp đã thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước trước khi được cấp Giấy phép kinh doanh không còn ý nghĩa thực tiễn nào.

Hộp đèn, danh sách hành khách… không có ý nghĩa quản lý?

Nhiều quy định về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng nêu tại Điều 7 cũng được đề nghị bãi bỏ. Ví dụ, quy định về hộp đèn đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi (điểm c khoản 1) được cho là không nhằm mục đích quản lý nào, bởi nếu để quản lý loại hình kinh doanh thì đã có phù hiệu. Hộp đèn cũng không phục vụ mục đích nhận diện của khách hàng, bởi xe hợp đồng không giống xe taxi, khách hàng không cần nhận biết ở trên đường. Trong khi đó, quy định này lại gây tốn kém chi phí không cần thiết cho người kinh doanh (chi phí làm hộp đèn) đồng thời hạn chế đáng kể thị trường kinh doanh (ví dụ các xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng trong đám cưới, đám ma…).

Bên cạnh đó, quy định về việc phải có danh sách hành khách tại khoản 4 cũng được đề nghị bãi bỏ, do quy định này bất hợp lý về mặt pháp lý. Theo VCCI tổng hợp, về mặt nguyên tắc, các chủ thể của hợp đồng vận tải là bên vận tải và bên thuê vận tải, còn bên thuê vận tải có thể là một cá nhân, một nhóm cá nhân hoặc một tổ chức. Trong trường hợp này, hành khách cụ thể có thể không phải bên thuê vận tải (không phải là một bên của hợp đồng) mà chỉ là bên thụ hưởng, không nhất thiết phải được nêu tên mà chỉ cần nêu số lượng tối đa. Ví dụ, trong hợp đồng vận tải ký giữa công ty vận tải X với công ty thương mại dịch vụ Y để vận chuyển các nhân viên và người nhà của nhân viên của công ty Y đi dã ngoại thì X và Y mới là hai bên của hợp đồng, nhân viên của Y và người nhà của họ không phải là một bên của hợp đồng.

Nguyên nhân thứ hai được chỉ ra là, quy định này hạn chế quyền tự do hợp đồng của người sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn như trong ví dụ nêu trên, quy định này sẽ hạn chế quyền của công ty Y trong việc thay đổi danh sách người thụ hưởng. Hoặc trong trường hợp thuê xe hợp đồng điện tử, chẳng lẽ sẽ chỉ có một hành khách (người đặt xe qua phần mềm – bên thuê vận tải) được phép lên xe, còn những người khác đi cùng hành khách đó thì thế nào?

Quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý, do danh sách tên của từng hành khách đi xe hợp đồng phục vụ mục tiêu quản lý nào của Nhà nước? Chưa kể, quy định này tạo ra bất bình đẳng trong đối xử với các chủ thể kinh doanh vận tải bằng ô tô (các hình thức kinh doanh khác không phải nêu tên hành khách).

Đọc thêm