Bị “tố” vẫn… bán chạy
Trần Tuấn Linh là một trong số hiếm hoi các nhà sưu tầm người Việt mua tranh Việt tại Sotheby’s. Theo các chuyên gia, việc người Việt mua đấu giá tranh Việt tại nước ngoài hứa hẹn phần nào hạn chế tranh Việt giả của các danh họa bị lưu hành tại nước ngoài. Thế nhưng, cả 3 bức tranh đều đang bị nghi vấn tranh giả của các danh họa Việt Nam vừa bán đấu giá thành công với giá cao tại phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đương đại (Modern and Contemporary Art) tại Sotheby’s vào lúc 17 giờ ngày 30/9 ở Hồng Kông.
Đó là bức Gia đình (Lê Phổ, mực và gouache trên lụa bồi, khoảng 1938- 1940) được bán với giá 534.288 USD. Bức sơn mài Gia đình nai ở bìa rừng (Phạm Hậu) bán giá 191.730 USD. Tác phẩm Phong cảnh (Nguyễn Gia Trí, 1940) bán 380.904 USD, lập kỷ lục tác phẩm bán đấu giá cao nhất của Nguyễn Gia Trí trên thị trường quốc tế.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long thì bức Gia đình vẽ người đàn bà có hai bàn tay trái được cho là của Lê Phổ vẽ năm 1938 - 1940 “là giả 100%”. Bởi lẽ, bức tranh đã vẽ sai hình họa, yếu kém về màu so với các tranh lụa của Lê Phổ nói chung. Nhà nghiên cứu Phạm Long cho rằng, sở dĩ những bức tranh đầy nghi vấn trên vẫn được tung ra đấu giá vì cơn khát tranh Đông Dương và nhu cầu muốn đầu tư kiếm lời nhanh của các nhà sưu tập Việt Nam (và có thể cả trong khu vực) sau khi tranh Lê Phổ vượt ngưỡng 1 triệu USD hồi tháng 4/2017.
Trước đó, ngày 28/5/2017, Christie’s Hồng Kông đã bán đấu giá thành công bức sơn dầu Mơ về một ngày mai (Tô Ngọc Vân) với giá 350.000 USD. Tuy nhiên, bức tranh này đã bị nhiều họa sĩ tố là tranh chép của tác phẩm Trẻ ăn mày (The Young Beggar) của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolome Esteban Murillo. Sau đó, ngày 30/7, tại Hà Nội, Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn tổ chức cuộc đấu giá dành cho 12 tác phẩm của 2 bộ tứ trụ hội họa Việt Nam Trí - Lân - Vân - Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn) và Nghiêm - Liêm -Sáng - Phái (Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái).
Sẽ không có gì đáng nói nếu như bức tranh “Phố cũ” của họa sĩ Bùi Xuân Phái được nhiều ý kiến bình luận cho rằng có nhiều khả năng đây là tranh chép, phỏng theo bức tranh bản gốc của tác giả.
Hiện ở Việt Nam, số lượng nhà đấu giá chưa nhiều, chỉ một vài tên tuổi như Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt, Nhà đấu giá mỹ thuật Lý Thị (Lythi Auction), Chọn Auction House, hai nhóm đấu giá tranh trên mạng hoạt động mạnh là Vietnam Art Space (VAS, hơn 9.400 thành viên) và Viet Art Now (VAN, hơn 4.200 thành viên).
Ngoài ra, còn có hoạt động đấu giá tranh do các quỹ tổ chức nhằm mục đích từ thiện. Những hoạt động đấu giá tranh diễn ra khá sôi động trong vòng hơn một năm qua, dù đem lại những dấu hiệu đáng mừng cho thị trường mỹ thuật nước nhà, song cũng đồng thời đặt ra không ít băn khoăn về sự non kém, thiếu chuyên nghiệp trong quy trình thực hiện. Hơn nữa, các đơn vị tổ chức cũng chưa có một đội ngũ chuyên gia có trình độ cao để thẩm định chất lượng, giám định tác phẩm, tránh thật giả lẫn lộn. Việc công khai danh tính các nhà thẩm định, giám định cũng là điều cần thiết nhằm đem lại niềm tin cho cả người bán và người mua; góp phần tạo dựng uy tín cho nhà đấu giá.
|
Các phiên đấu giá trong nước có làm “ấm” thị trường tranh Việt? Ảnh minh họa. |
Sẽ ra sao, khi lòng tin bị sụp đổ?
Nếu như tranh của các danh họa có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường quốc tế thì tranh của họa sỹ đương đại trong nước phần lớn khá ảm đạm. Mặc dù ở góc độ đời sống mỹ thuật đương đại trong nước, mỗi năm có hàng trăm cuộc triển lãm cá nhân, nhóm, hay tập thể..., nhưng rồi triển lãm qua đi, tác phẩm gần như của ai về nhà đó. Hoặc chúng chỉ có thể xao động chút ít trong đời sống văn hóa nghệ thuật nếu có một scandal nào như “sao chép”, “đạo” hay một sự khác biệt mang tính “nổi loạn”, “phản biện” các chuẩn mực thẩm mỹ mặc định xưa nay… Và nếu hỏi xem trong suốt thời gian đó có tác phẩm nào ghim vào trí nhớ người yêu hội hoạ hay không, có ai tạo nên một trường phái nào đó thì không ai hay…
Thực tế, phần đa công chúng chỉ có thể hiểu nghệ thuật hiện thực, cổ điển hoặc gần như vậy nên thị trường tác phẩm mỹ thuật phần lớn lại là sao chép. Ngoại trừ trong giới, chỉ có rất ít trí thức ở các ngành nghề khác am hiểu các trường phái mỹ thuật như một thú chơi tao nhã, lịch lãm. Ngoài ra có một xu hướng “trưởng giả” của giới doanh nhân Việt, chơi chủ yếu là tác phẩm sao chép, phiên bản các tác phẩm mẫu đã nổi tiếng thế giới và trong nước, thậm chí có người chơi các tác phẩm hàng chợ, lưu niệm...
Và ở Việt Nam, người ta chơi tranh do thích một bức tranh hay do yêu quý một tác giả, còn với các nước có đời sống hội họa phát triển thì tranh cũng được ví như một món hàng có giá trị. Người ta mua tranh để cất như giữ một tài sản quý, để đến lúc cần có thể bán đi bất cứ lúc nào và không sợ mất giá.
Theo nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Như Huy, tại các nước phát triển, với đội ngũ giám định đa dạng, máy móc hiện đại, chuyên sâu, nhưng việc xác định cũng gặp không ít khó khăn. Đôi khi phải chấp nhận kết quả 50/50; thậm chí nhiều trường hợp giả tinh vi còn qua mặt được các hội đồng và máy móc. Chẳng hạn, nếu người làm tranh giả sống cùng thời với họa sĩ gốc, nghiên cứu kỹ bút pháp và vật liệu, việc làm giả sẽ rất tinh vi. Sinh thời, theo lời họa sĩ Ngô Minh Cầu, ông chép tranh lụa để đoàn ngoại giao đi tặng các nước, khi mang đến nhà cho danh họa Nguyễn Phan Chánh xem và ký tên, ông Chánh tưởng bức tranh thất lạc của mình vừa tìm lại được.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, ở thế kỷ 20, ở Hà Nội có nhà sưu tập Đức Minh, (ông là một trong những nhà tư sản yêu tranh và hầu hết các danh họa ở Mỹ thuật Đông Dương đều biết tới ông)… Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, ông Đức Minh xứng đáng là nhà sưu tầm mỹ thuật hàng đầu của Việt Nam với một tư chất văn hóa lớn, có thể cảm nhận được nét bút của các bậc danh họa. Sau này, khi bộ sưu tập tranh của ông Đức Minh bị con trai phá sản, xuất hiện nhiều nhà sưu tầm biến tướng, tranh giả cũng từ đó tuồn ra…
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn cho biết, cách đây khoảng 10 năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã thành lập một trung tâm kiểm định tranh như vậy. Nhưng tiếc là trung tâm lập ra nhưng không có bất cứ ai lai vãng… Cuối cùng trung tâm đã đóng cửa. Lý do đóng cửa này, một số người cho rằng, do việc lâu nay giao dịch ngầm vẫn đang thắng thế. Bởi lẽ, thành viên tham gia trung tâm chưa hẳn chuyên nghiệp, uy tín và xuất sắc nhất, phần lớn đều là quân số của bảo tàng, vì vậy cũng dễ hiểu khi trung tâm không giành được niềm tin của các nghệ sĩ và người mua tác phẩm mỹ thuật.
Và hơn cả, để tranh giả, tranh nhái không phát triển, trước tiên phải nói tới ý thức tự thân của mỗi nghệ sĩ trước những đứa con tinh thần của mình, có trường hợp, họa sĩ vẽ đi vẽ lại một số bức được cho là ăn khách. Việc làm này cũng dẫn tới một vài tình huống dở khóc, dở cười khi họa sĩ bị trả lại tranh do người mua thấy tác phẩm khác giống hệt. Đó là cá nhân, còn một số phòng tranh tuy ký hợp đồng độc quyền với họa sĩ, nhưng cũng bị nghi ngờ làm giả tranh để đi cửa sau. Tranh gốc có thể vẫn còn nguyên nhưng những phiên bản thì được giao dịch. Những ngón nghề buôn bán nghệ thuật thật khó xác định, bởi không có vật chứng cụ thể.
Nhà sưu tầm Tira Vanichtheeranont, vốn có nhiều cay đắng với mỹ thuật Việt Nam, cảnh báo trên Facebook của mình: “Không nên dễ dàng mua tranh vì nhà môi giới nổi tiếng. Vì chữ ký. Vì giấy chứng nhận. Vì được trưng bày, triển lãm đâu đó. Và cũng không nên mua từ sở hữu của ai đó quen biết. Hãy tìm hiểu, học hỏi thật kỹ trước khi mua”.
Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Như Huy cho hay, trong thế giới mua bán nghệ thuật có một quy tắc quan trọng, đó là, không phải giá tiền quyết định giá trị tác phẩm, mà chính người mua hay người sở hữu nó mới quyết định điều ấy. Ví dụ, bất kì khi nào phòng tranh Gagoisian tại New York (Mỹ) mua tác phẩm của nghệ sĩ nào, giá nghệ sĩ đó sẽ tăng gấp đôi ngay lập tức. Tuy nhiên, bởi dựa trên lòng tin, thế giới nghệ thuật cũng rất dễ sụp đổ khi lòng tin bị sụp đổ. Lòng tin sụp đổ khi có sự lừa đảo xảy ra, khi có sự bất tín xảy ra, là cảnh báo của ông Nguyễn Như Huy…
Theo họa sỹ Lương Xuân Đoàn, để thay đổi, chúng ta cần phải dọn sạch thị trường tranh giả Việt Nam, xây dựng lại từ đầu thị trường tranh nội địa sạch sẽ và chuyên nghiệp. Các nhà sưu tầm thế hệ mới, các chuyên gia có tiềm lực kinh tế cần vào cuộc để hình thành nên những bộ sưu tập mới của các họa sĩ đương thời Việt Nam. “Từ đó, tôi tin với sự tiếp cận đời sống mỹ thuật đương đại, phát hiện những tác giả mới, chắc chắn một thời đại thị trường mỹ thuật Việt Nam mới sẽ hình thành”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn hi vọng.