Tranh luận cũng cần phải học

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần đây, khi trên diễn đàn chính thức có những ý kiến nhận xét, đánh giá hoặc kiến nghị, đề xuất một vấn đề nào đó thì ngay lập tức nhận được những phản biện, đa phần là trái chiều với ý kiến đó, còn sự ủng hộ thì chiếm một dư địa ít ỏi mà thôi!
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi chúng ta chủ trương “chấn hưng văn hóa” thì cũng phải quan tâm đến “văn hóa tranh luận”, lĩnh vực này còn có thêm “văn hóa tranh biện”, “văn hóa tranh tụng” và cả “văn hóa đối thoại” nữa. Làm sao để ứng xử có văn hóa trong lĩnh vực này là điều đáng quan tâm, đáng bàn.

Tuy nhiên, cái hiện tượng phản biện đang đề cập, điều đáng nói nhất là có nhiều biểu hiện thiếu văn hóa trong những ý kiến “góp ý” với người nêu ra luận điểm trở thành vấn đề tranh cãi.

Cái thiếu văn hóa nhất là khi đọc những ý kiến phản biện đó, người ta nhận ra rằng, người có ý kiến không hề đọc kỹ toàn bộ ý kiến mà mình tranh luận. Có khi họ chỉ đọc cái title của bài báo rồi phê phán nặng nề. Một câu nói mà tách khỏi văn cảnh, ngữ cảnh thì nó không còn là một phần của cái bánh mỳ mà nó chỉ là một phần sự thật và sự thật chỉ có một phần thì không còn là sự thật nữa.

Một biểu hiện khác là thói a dua, thấy người khác phê phán thì mình cũng hùa theo và không phân biệt được thật giả. Cái này rất phổ biến và không thể coi đây là sự tranh luận nghiêm túc, chính xác phải coi hiện tượng này là “hội chứng ném đá”, nói năng văng mạng, trúng đâu thì trúng. Tiếp tục, những lời lẽ cũng thể hiện một sự thiếu tôn trọng bằng các dè bỉu, chê bai, thậm chí xúc phạm đến người mình đang tranh luận.

Một cách biểu hiện khác nữa là nhân việc tranh luận là dịp để khoe kiến thức, thể hiện sự hiểu sâu, biết rộng của mình. Một số thì cao ngạo, đưa ra những phán xét mặc định đó là chân lý. Một số khác, không còn là sự tranh luận nữa mà là chửi đổng, xỏ xiên, thậm chí “gắp lửa bỏ tay người”. Cái mỹ tục “nói phải củ cải cũng nghe” đâu rồi?

Những biểu hiện đó trái với văn hóa tranh luận là tôn trọng sự khác biệt, trái chiều, phải đưa ra những luận cứ thuyết phục được diễn đạt bằng văn phong sáng sủa, lời lẽ khúc triết. Như vậy, không chỉ đạt được mục đích của sự tranh luận là tiếp cận sự thật, chân lý mà còn mang lại kiến thức bổ ích cho người nghe, người đọc, nâng tầm giá trị văn hóa.

Những hiệu ứng tích cực do văn hóa tranh luận mang lại thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, nếu khác đi, chỉ là cuộc cãi vã vô bổ, kẻ nói không có người nghe và cuối cùng, không thu được kết quả mong muốn đã đành, chỉ làm cho dư luận ngán ngẩm mà thôi!

Đọc thêm