Tranh luận thẳng thắn

Công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu thì có ai yên tâm đầu tư; đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH có cần “bảo vệ” hay không; bồi dưỡng công nhân trực tiếp sản xuất thành nhà lãnh đạo; trí thức hóa giai cấp công nhân; “trẻ” phải “giỏi”; người dân có được thông tin về tham nhũng... là những vấn đề nổi cộm trong tham luận, tranh luận cũng như đề xuất, kiến nghị tại phiên thảo luận Đại hội lần thứ XI của Đảng 

Công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu thì có ai yên tâm đầu tư; đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH có cần “bảo vệ” hay không; bồi dưỡng công nhân trực tiếp sản xuất thành nhà lãnh đạo; trí thức hóa giai cấp công nhân; “trẻ” phải “giỏi”; người dân có được thông tin về tham nhũng... là những vấn đề nổi cộm trong tham luận, tranh luận cũng như đề xuất, kiến nghị tại phiên thảo luận Đại hội lần thứ XI của Đảng, dưới sự điều hành của các Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước và Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ vào ngày 14-1. 

Mô tả ảnh.
Các đại biểu Đoàn Đà Nẵng cùng với các đại biểu dự Đại hội Đảng XI trao đổi bên lề Đại hội.

Tranh luận những vấn đề còn tranh cãi

Ngay ở tên gọi của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), mặc dù đã có sự chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, cẩn thận với hàng triệu ý kiến đóng góp, nhưng trong phần thảo luận của mình, đồng chí Võ Đức Huy, đại biểu Đoàn Đảng bộ khối Doanh nghiệp Trung ương tiếp tục đề xuất cần đưa cụm từ “bảo vệ” vào dự thảo tên gọi, thành “Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”.

Trong phiên thảo luận trước đó, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam Ngô Xuân Lịch đã nêu vấn đề này sau khi phân tích những thách thức đối với quá trình phát triển đất nước, tầm quan trọng của việc bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta. Không những thế, đồng chí Võ Đức Huy đề nghị cần bỏ cụm từ “từng bước” trong phương châm xây dựng lực lượng vũ trang “cách mạng, tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại”.

Thế nhưng, trong các phiên thảo luận, không phải ý kiến nào cũng nhận được sự đồng tình, nhất trí cao như vậy. Ý kiến đầu tiên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nêu lên trong tham luận tại hội trường ngày 13-1 đã nhận những  ý kiến phản hồi mang tính tranh luận, bởi đây là vấn đề động chạm đến sở hữu – một trong những đặc trưng cơ bản của thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.

“Đại hội VI của Đảng đã quyết định thay đổi chế độ công hữu sang chế độ đa sở hữu. Đảng vẫn xác định chế độ đa sở hữu, có công, có tư. Vậy bây giờ chỉ nói “công hữu tư liệu sản xuất” thì ai yên tâm đầu tư cho chúng ta… Tôi rất mong các đồng chí thảo luận, làm rõ”-Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu vấn đề.

Phản hồi ý kiến này, về mặt lý luận, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh Lê Hữu Nghĩa cho rằng: “Trong thời kỳ quá độ lên CNXH phải dựa trên chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu là một trong những yếu tố bảo đảm định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế”.  Theo ông, thì đây chính là đặc trưng thứ 3 trong 8 đặc trưng thể hiện tính ưu việt của CNXH mà nhân dân ta đang xây dựng.

Trong khi đó, T.S Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh) thì cho rằng đó là trên lý luận, còn trong thực tiễn, có nhiều vấn đề chưa được làm rõ. “Trong thời đại kinh tế tri thức, những sáng tạo trong tư duy kinh tế tri thức, giải pháp công nghệ... thì có phải là tư liệu sản xuất chủ yếu hay không? Những vấn đề này chưa được làm rõ” - Ông Trần Du Lịch nêu ví dụ. Rồi những vấn đề còn thắc mắc như chế độ công hữu trong mô hình XHCN tương lai thì có còn sản xuất hàng hóa, thị trường hay không. Từ những vấn đề đó, ông Trần Du Lịch đề nghị: “Nếu vấn đề gì chưa rõ về lý luận và thực tiễn chưa yêu cầu giải quyết thì tôi nghĩ rằng chưa nên đưa vào văn kiện lớn của Đảng”. Đồng thời với việc giữ quan điểm “tiếp tục hoàn thiện thể chế”, chuyên gia kinh tế này cho rằng, quan hệ sở hữu phải được gọi đúng  bản chất của nó, vì nếu kéo dài sẽ làm thất thoát tài nguyên đất đai và không quản lý được nguồn lực này.

Nhiều kiến nghị mới

Đối với việc xây dựng những giai cấp, tầng lớp trong xã hội thời đại CNH, HĐH, nhiều ý kiến tập trung đề nghị có những tư duy mới, cách làm mới, nhằm vào tính hiệu quả.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị: “Cần triển khai một cách có hiệu quả chủ trương từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân; đầu tư mạnh hơn cho đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề cho công nhân, đặc biệt là công nhân trẻ, công nhân xuất thân từ nông dân, công nhân nữ, nhằm phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu”. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần tuyển chọn, sử dụng những cán bộ ưu tú xuất thân từ công nhân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất, tăng dần tỷ lệ cán bộ xuất thân từ công nhân trong bộ máy lãnh đạo các cấp, góp phần tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Nhằm tăng cường các giải pháp thực hiện chủ trương bình đẳng giới, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, về giải pháp hoàn thiện các chính sách, luật pháp thì “Cơ bản và quan trọng nhất là sửa Điều 145 của Bộ luật Lao động về quy định chế độ hưởng hưu trí hằng tháng đối với người lao động và một số chính sách khác bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới như quy chế cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài bằng nguồn ngân sách Nhà nước, hướng dẫn về độ tuổi cán bộ đưa vào quy hoạch, tuổi bổ nhiệm, quy định luân chuyển cán bộ...”.

Trong khi đó, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng thể hiện rõ cam kết thực hiện các giải pháp tích cực hơn nhằm xây dựng tiêu chuẩn những người “trẻ phải gắn với giỏi” như: những cán bộ quản lý trẻ giỏi, nhà khoa học trẻ giỏi, doanh nhân trẻ giỏi, người công nhân trẻ giỏi, nông dân trẻ giỏi, sĩ quan trẻ giỏi…, để họ “đóng vai trò đầu tàu để thúc đẩy đông đảo thanh niên hành động có hiệu quả, thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020”.

Những vấn đề trong công tác xây dựng Đảng cũng được các đại biểu dành sự quan tâm lớn; bởi có tạo ra được chuyển biến từ trong Đảng thì mới có được những đổi mới toàn diện về kinh tế-xã hội. Trong đó, nổi cộm nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác tư tưởng của Đảng; đến cán bộ, công chức, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trịnh Long Biên cho rằng, cần khắc phục cơ bản tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức trong Đảng. Trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; kịp thời nêu gương cán bộ và tổ chức Đảng làm tốt; giúp đỡ cán bộ và tổ chức Đảng gặp khó khăn, ngăn chặn những biểu hiện lệch lạc, thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ và công tác cán bộ.

Một lĩnh vực cũng liên quan đến kiểm tra, giám sát của Đảng được đồng chí Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Thường trực, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng  đề nghị: Cần lựa chọn, bố trí những cán bộ có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức làm công tác phòng, chống tham nhũng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình công tác tháng, quý, năm; đưa kết quả công tác phòng chống tham nhũng  trở thành một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

“Cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định về thuế tài sản và việc bắt buộc đăng ký bất động sản; cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức; thực hiện chính sách tiền lương hợp lý trong một số lĩnh vực đặc thù, nghiên cứu, quy định việc cán bộ, công chức cơ bản thanh toán tiền qua tài khoản thay thế hình thức thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay” - Để kiểm soát việc tham nhũng, đồng chí Vũ Tiến Chiến kiến nghị cụ thể. Đồng thời, ông cũng đề nghị sớm xây dựng, ban hành Luật về quyền được thông tin của người dân.

Nhằm chuyển hóa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thành công việc và hoạt động thường xuyên của các tổ chức Đảng,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương  Vũ Văn Phúc đề nghị không duy trì Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; Ban Thường vụ cấp ủy các cấp xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo Cuộc vận động là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên. Để hiệu lực Cuộc vận động được nâng cao hơn nữa, đồng chí Vũ Văn Phúc cho rằng, cần kết hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ trong Cuộc vận động, đặc biệt trong việc đánh giá, nhận xét, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ và đảng viên.   

Bài và ảnh: NGUYỄN THÀNH

Đọc thêm