Tranh luận về tội danh vụ án có bị cáo là siêu mẫu

Tham gia vào đường dây buôn bán mặt hàng điện tử "lậu", chủ yếu là điện thoại di động cao cấp Iphone và máy tính xách tay Apple Macbook, các bị cáo có người là nhân viên ở sân bay, có người là siêu mẫu. Họ đã bị kết vào tội Buôn lậu và Kinh doanh trái phép. Tại phiên tòa đã có cuộc tranh luận về tội danh giữa đại diện VKS và luật sư của.

 Tham gia vào đường dây buôn bán mặt hàng điện tử "lậu", chủ yếu là điện thoại di động cao cấp Iphone và máy tính xách tay Apple Macbook, các bị cáo có người là nhân viên ở sân bay, có người là siêu mẫu. Họ đã bị kết vào tội  Buôn lậu và Kinh doanh trái phép. Tại phiên tòa đã có cuộc tranh luận về tội danh giữa đại diện VKS và luật sư của. 

Siêu mẫu Vĩnh Thụy.

Đường dây đưa hàng

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân TP.HCM, vụ án bắt nguồn từ công văn do Đại tá Richard Tery - Trưởng sỹ quan liên lạc Cảnh sát Liên bang Úc (viết tắt là AFP) tại Hà Nội gửi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm - Bộ Công an, cung cấp thông tin về việc AFP đang tiến hành điều tra "chuyên án trộm cắp" có liên quan đến đối tượng Đỗ Thanh Lâm (37 tuổi) và một số đối tượng là người Việt Nam, hiện sinh sống tại thành phố Sydney, có hành vi trộm cắp hơn 180 chiếc máy tính xách tay hiệu “Apple Macbook” tại sân bay Sydney sau đó đưa về Việt Nam tiêu thụ.

Qua điều tra xác minh, Cơ quan Công an Việt Nam đã xác định đối tượng Đỗ Thanh Lâm là một trong những "đầu nậu" băng đĩa lớn ở nước ngoài về Việt Nam. Chưa hết, Lâm còn đứng ra làm dịch vụ vận chuyển hàng thuê cho cộng đồng người Việt tại Sydney về TP.HCM. Việc giao dịch giữa Lâm và các “đối tác” - trong đó có nhiều tiếp viên hàng không được thực hiện ngay tại nơi ở của “đối tác” bên Sydney.

Tại Việt Nam, Lâm thiết lập một mạng lưới “chân rết” toàn là người nhà của mình để giao hàng cho “đối tác”, trong đó gồm: Nguyễn Đức Vũ (anh rể của Lâm, đồng thời là Tổ phó Tổ hành lý của Phòng dịch vụ hành khách, thuộc Trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất, TP.HCM). Toàn bộ số hàng vận chuyển qua đường hàng không nhưng Lâm đã móc nối với một số đối tượng của phi hành đoàn, trung tâm khai thác sân bay để thực hiện việc vận chuyển.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, sơ bộ các kiện hàng đã nhận vào khoảng trên 400 kiện, tương đương hơn 1,5 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý là toàn bộ số hàng này đều không nộp tiền cước theo quy định của ngành hàng không Việt Nam.

Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiện kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 5 bị can, trong đó, đề nghị truy tố Nguyễn Đức Vũ, Nguyễn Minh Hoàng về tội “Buôn lậu”; các bị cáo khác gồm: Phạm Tiến Trung; Thái Anh Tiến là tiếp viên hàng không; và Lê Xuân Vĩnh Thụy làm nghề người mẫu cùng về tội "Kinh doanh trái phép".

Cũng cần nói rằng, trong vụ án này, mặc dù không hề có giấy phép kinh doanh về những mặt hàng điện tử nhưng siêu mẫu Vĩnh Thụy đã “nhập hàng” của các đối tượng buôn lậu 75 thiết bị điện tử trị giá gần 900 triệu đồng, chủ yếu gồm 2 mặt hàng là điện thoại di động Iphone và máy tính xách tay hiệu Apple Macbook về nước để tiêu thụ.

Sau khi nhập về Việt Nam, Lê Xuân Vĩnh Thụy đã bán toàn bộ 75 thiết bị điện tử cho một cá nhân ở phường 11, quận 10 để bán cho khách hàng vãng lai. Khi bị công an mời đến làm việc, Lê Xuân Vĩnh Thụy đã tự nguyện giao nộp 6 triệu đồng và 150 USD, là số tiền lãi mà người mẫu này có được qua việc giao dịch trên. Cơ quan điều tra kết luận bị can Lê Xuân Vĩnh Thụy có hành vi kinh doanh trái phép, với số tiền thu nhập bất chính gần 8,8 triệu đồng.

Hiện tại, đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu qua đường hàng không là Đỗ Thanh Lâm đang bị truy nã, khi nào bắt được Cơ quan chức năng sẽ xử lý sau.

   Quan điểm Luật sư: "Buôn lậu" hay "Kinh doanh trái phép"?   

Bào chữa và bảo vệ cho Nguyễn Minh Hoàng, Luật sư P.T.H, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Qua nguồn lời khai của Nguyễn Đức Vũ, Thái Anh Tiến và Lê Xuân Vĩnh Thụy tại Cơ quan Điều tra cho thấy liên quan đến việc giao nhận tiền do Đỗ Thanh Lâm chuyển về, Nguyễn Minh Hoàng nhận từ các tiếp viên của Vietnam Airlines, địa điểm giao nhận được xác định đã qua khỏi sự kiểm soát của Hải quan Cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất. Đối với hành vi nhận hàng hóa do Lâm gửi về, Nguyễn Minh Hoàng thừa nhận có một số lần vào tận băng chuyền để lấy hàng sau đó mang qua máy soi kiểm soát của Hải quan sân bay.

Tuy nhiên, liên quan đến số hàng hóa là thiết bị điện tử mà Cơ quan Điều tra đề nghị truy tố đối với Nguyễn Minh Hoàng, phần lớn thực tế việc giao dịch, mua bán đã được Lâm trực tiếp thực hiện, giao dịch với các đối tượng cần mua trong nước. Việc vận chuyển hàng từ Úc về Việt Nam cũng được Lâm bàn bạc, thỏa thuận về cách thức với Vũ. Hàng hóa đã được Vũ nhận và mang ra khỏi phạm vi kiểm tra, giám sát của Hải quan cửa khẩu sân bay hàng không Tân Sơn Nhất, Nguyễn Minh Hoàng hoàn toàn không biết sự thỏa thuận, bàn bạc cụ thể giữa Lâm và Vũ.

Luật sư H. khẳng định Nguyễn Minh Hoàng chỉ nhận hàng hóa sau khi hàng hóa đã được Vũ đưa ra bên ngoài phạm vi soát của Hải quan cửa khẩu. Do đó, Nguyễn Minh Hoàng chỉ thực hiện công việc nhận hàng và giao hàng khi hành vi buôn lậu đã hoàn thành. Từ đó Luật sư P.T.H kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cân nhắc xem xét lại việc truy tố đối với Nguyễn Minh Hoàng về hành vi ”Buôn lậu”. Hành vi của Nguyễn Minh Hoàng chỉ có dấu hiệu của hành vi “Kinh doanh trái phép” như trường hợp một số bị can khác như Thái Anh Tiến, Lê Xuân Vĩnh Thụy...

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, Nguyễn Minh Hoàng đã có thái độ khai báo rất trung thực về diễn biến sự việc đã xảy ra, ý thức đã nhận thức được trách nhiệm của bản thân về hậu quả của vụ án, giúp  Cơ quan Điều tra nhanh chóng làm rõ các tình tiết của vụ án. Bản thân chưa có tiền án, tiền sự, vai trò của Nguyễn Minh Hoàng trong vụ án chỉ giới hạn là người thực hiện công việc theo chỉ đạo của Lâm. Vì vậy, Luật sư H. đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét lại việc đề nghị truy tố Hoàng về hành vi “Buôn lậu".

Quan điểm của Viện kiểm sát

Thừa ủy quyền của VKSND Tối cao thực hành quyền công tố tại tòa, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị mức án với các bị cáo: Nguyễn Minh Hoàng (49 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) và Nguyễn Đức Vũ (38 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) từ 5 đến 7 năm tù cùng về tội “buôn lậu”. Đối với ba bị cáo còn lại, Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Thái Anh Tiến (31 tuổi, Q.Tân Bình), bị cáo Phạm Tiến Trung (30 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp) mức án từ 1 đến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Lê Xuân Vĩnh Thụy (24 tuổi, Q.Bình Thạnh) bị đề nghị mức án từ 6 đến 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “kinh doanh trái phép”.

Theo Viện kiểm sát, căn cứ vào kết quả của quá trình điều tra và hồ sơ  vụ án, có đủ cơ sở kết luận: Từ ngày 20/2/2010 đến ngày 3/6/2010, Đỗ Thanh Lâm cùng một số đối tượng khác đã lợi dụng hình thức ký gửi hành lý của hành khách đi trên các chuyến bay của Vietnam Airline để thực hiện việc vận chuyển các kiện hàng chứa thiết bị điện tử từ Australia về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Tính đến khi bị phát hiện, Lâm đã thực hiện 43 lần vận chuyển với 997 thiết bị điện tử có tổng trị giá hơn 6,5 tỷ đồng để đem về tiêu thụ tại Việt Nam. Trong vụ án, Vũ là người nhận hành lý từ băng chuyền hành lý ga quốc tế đến, vận chuyển ra ngoài giao cho Hoàng nhưng không khai báo Hải quan và nộp thuế nhập khẩu theo quy định. Sau khi nhận hàng từ Vũ, Hoàng là người trực tiếp tổ chức tiêu thụ và quản lý số tiền thu được cho Lâm.

Tòa tuyên án

TAND TP.HCM tuyên phạt bị cáo Nguyễn  Đức Vũ , nguyên tổ phó tổ hành khách - phòng dịch vụ khách hàng, trung tâm khai thác Tân Sơn Nhất và Nguyễn Minh Hoàng cùng bị phạt 5 năm tù  về tội: “Buôn lậu”. Các bị cáo Phạm Tiến Trung bị phạt 1 năm tù treo; Thái Anh Tiến, là tiếp viên hàng không bị phạt 1 năm 6 tháng tù treo và Lê Xuân Vĩnh Thụy làm nghề người mẫu bị phạt 6 tháng tù treo cùng về tội: “Kinh doanh trái phép” (Điều 159 – BLHS).

Hội đồng xét xử nhận định, tại phiên tòa, các bị cáo không hề thay đổi lời khai của mình đã khai tại Cơ quan Điều tra. Hành vi của các bị cáo làm lũng đoạn thị trường, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hành vi phạm tội của Thụy, Tiến, Trung có tính chất cơ hội…

Nhóm Phóng viên

Đọc thêm