Hôm qua (13/2), Athens đã bị “sốc” trước những thiệt hại vật chất quá lớn sau một ngày biểu tình bạo lực phản đối các biện pháp giải cứu đất nước của chính quyền Hy Lạp. Để có thể tránh vỡ nợ và ở lại khu vực đồng Euro, Hy Lạp hôm 12/2 đã phải chấp nhận thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới do các chủ nợ áp đặt.
|
Athens chìm trong bạo lực hôm 12/2. |
Sau cuộc tranh luận về thủ tục khẩn cấp tại Quốc hội, các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới đã được 199 nghị sĩ trong tổng số 300 nghị sĩ Hy Lạp thông qua, theo đó Hy Lạp giảm 20% mức lương cơ bản, sa thải 15.000 công chức, nới lỏng luật lao động.
Các thành viên Chính phủ Hy Lạp trước đó đã cảnh giác trước những kịch bản về ngày “tận thế” hoặc tình huống “hỗn loạn” đối với Hy Lạp, nếu các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại chương trình này, đồng thời khẳng định đất nước khi đó sẽ nhanh chóng tuyên bố ngừng chi trả và dần rút khỏi khu vực đồng Euro.
Trong ngày Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu, nhiều cuộc biểu tình bạo lực tập hợp khoảng 80.000 người đã khiến Athens chìm trong khói lửa với khoảng 40 vụ hỏa hoạn tại các tòa nhà cao tầng hoặc cơ sở vật chất ở ngay trung tâm thành phố, Bộ Bảo vệ công dân cho biết. Hàng loạt rạp chiếu bóng, quán cà phê, cửa hàng, ngân hàng bị đốt tại thành phố Athens. Nhiều công trình mang tính lịch sử, được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 đã bị hư hại.
Riêng tại Athens, Bộ Y tế đã thống kê 54 dân thường và 68 cảnh sát bị thương, trong khi đó cảnh sát thông báo ít nhất 67 người bị bắt giữ. Theo số liệu chính thức, 45 tòa nhà đã bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần sau những đám cháy. Ngoài ra, tại Salonica, các cuộc biểu tình tập trung 20.000 người và cảnh sát thống kê thấy 6 ngân hàng bị thiệt hại.
Cuộc biểu tình chống kế hoạch trình lên các nghị sĩ vừa mới bắt đầu vào lúc 15h00 GMT, thì những vụ bạo lực đầu tiên đã xảy ra khi một nhóm phản đối tập hợp trước Quốc hội gây sức ép đối với hàng rào cảnh sát xung quanh tòa nhà. Ngay lập tức, cảnh sát phải phản ứng bằng cách sử dụng hơi cay. Người biểu tình sau đó rút sang các đường phố lân cận, rồi gây ẩu đả: ném đá, ném nhiều tảng đá cẩm thạch, bom xăng vào cảnh sát chống bạo động đang làm việc. Nhiều người còn ném vỡ cửa kính của nhiều cửa hàng trên những đại lộ lớn trong trung tâm thành phố. Đài truyền hình quốc gia Hy Lạp đưa tin bạo loạn lan sang hai đảo du lịch Corfu, Crete và nhiều đô thị ở miền Trung.
Thủ tướng Lucas Papademos đã lên án bạo lực và các vụ phá hủy tài sản, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của phương án mà các nghị sĩ lựa chọn: “tiến lên cùng châu Âu và đồng tiền chung” hoặc “nhanh chóng đưa đất nước thoát khỏi sự khốn cùng, phá sản, bị gạt ra ngoài lề và bị loại khỏi khu vực đồng Euro”. Nếu không làm được điều đó, Hy Lạp không có bất cứ cơ hội nhận được một xu trợ giúp nào để tránh vỡ nợ khi mà nợ đáo hạn đã ở mức 14,5 tỉ Euro.
Hy Lạp đã vay Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 110 tỷ Euro do thâm hụt ngân sách. Khoản tiền này không đủ để cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ vỡ nợ. Vì vậy, nếu muốn được vay thêm 130 tỷ Euro nữa thì Hy Lạp cần phải thông qua các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới.
Tuy nhiên, chính Thủ tướng Papademos cũng thừa nhận việc thực thi những biện pháp mới này sẽ không hề dễ dàng, bởi đời sống của người dân Hy Lạp đã chịu tác động tiêu cực của những biện pháp cũ. Dù vậy, kế hoạch đó cũng mở đường cho sự sụt giảm mạnh tiền lương trong lĩnh vực tư nhân, được xem như nhằm khôi phục lại khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nước này.
Quang Minh (Theo AFP, BBC)