Trào lưu ca sĩ trẻ “làm mới” nhạc cách mạng

 Dòng nhạc cách mạng gần đây tưng bừng hơn với sự trở lại của hàng loạt ca sĩ trẻ, trong đó đặc biệt phải kể đến sự sáng tạo, tìm tòi... Các ca sĩ trẻ mơ giấc mơ thật đẹp, dòng nhạc “đỏ” sẽ luôn vang lên hào hùng ở tất cả những chương trình ca nhạc chứ không phải là như một thứ gia vị cho chương trình, hầu như chỉ xuất hiện trên sân khấu, trên truyền hình và một ít chương trình đĩa nhạc trong những dịp lễ.

Dòng nhạc cách mạng gần đây tưng bừng hơn với sự trở lại của hàng loạt ca sĩ trẻ, trong đó đặc biệt phải kể đến sự sáng tạo, tìm tòi... Các ca sĩ trẻ mơ giấc mơ thật đẹp, dòng nhạc “đỏ” sẽ luôn vang lên hào hùng ở tất cả những chương trình ca nhạc chứ không phải là như một thứ gia vị cho chương trình, hầu như chỉ xuất hiện trên sân khấu, trên truyền hình và một ít chương trình đĩa nhạc trong những dịp lễ.

Bìa album nhạc đỏ của Thái Thùy Linh ..
Bìa album nhạc đỏ của Thái Thùy Linh...
Cảm xúc được thăng hoa

Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, nhạc đỏ phản ánh đúng tâm tư tình cảm của tuyệt đại đa số người dân miền Bắc và hàng triệu người ở miền Nam, cùng với chất lượng giai điệu cao của nhiều ca khúc nên được ưa thích rộng rãi.

Từ năm 1975, với chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và việc hai miền Nam - Bắc thống nhất, nhạc đỏ càng được phổ biến rộng rãi hơn trên phạm vi cả nước. Sau thời kỳ đổi mới, dù bị cạnh tranh bởi các dòng nhạc khác như nhạc tiền chiến, nhạc vàng, nhạc hải ngoại, nhạc nước ngoài, nhạc trẻ..., nhạc đỏ vẫn là một trong những dòng ca khúc được ưa thích nhất.

Bởi các ca khúc được lựa chọn đều đã đi sâu vào lòng khán giả, đã từng được nhiều ca sỹ nổi tiếng thể hiện rất thành công. Bởi thế, thể hiện ca khúc làm sao cho không giống với những thế hệ đi trước nhưng cũng phải làm nên sắc thái mới cho ca khúc là điều không dễ dàng.

Sở hữu chất giọng ngọt ngào phù hợp với những bản tình ca quê hương và dòng nhạc cách mạng truyền thống, ca sĩ Long Nhật có một vị trí riêng trong lòng công chúng yêu nhạc. Với sự quyết tâm và niềm đam mê nghề, anh đã không ngừng vươn lên để hát hay hơn và ra mắt nhiều album mới, DVD “Quê hương, mẹ và người lính” do Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng phát hành chào mừng hai ngày lễ lớn 30-4 và 1-5/2011 là ấn phẩm như vậy.

Với 14 bài hát: “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Bài ca tạm biệt”, “Ngày mai anh lên đường”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Ngày trở về”, “Tình biển”, “Đường làng năm ấy”, “Ơi con sông Dinh”, “Gần lắm Trường Sa”, “Biển hẹn Nha Trang”...

Những bài hát vượt thời gian ấy, được quay tại vùng núi phía Bắc của Tổ quốc và Nha Trang - Khánh Hòa. Với rất nhiều bộ đội, chiến sỹ hải quân, công nhân và diễn viên quần chúng đóng vai các bà mẹ, cô giáo và dân làng...

Tình yêu người lính, tình yêu với dòng nhạc truyền thống đã ăn sâu vào tâm trí Long Nhật. Trước “Quê hương - Mẹ - Người Lính”, Long Nhật đã ra mắt album  “Tình yêu và người lính 1 - Cánh diều kỷ niệm” và “Tình yêu và người lính 2 -Mùa xuân bên cửa sổ”.

Long Nhật tâm sự: “Khi hát những ca khúc truyền thống cách mạng, tôi luôn hát bằng sự trân trọng và cả niềm vinh dự, vì mình có khả năng để thể hiện lại cảm xúc thiêng liêng, những câu chuyện xúc động của nhiều thế hệ đã ngã xuống...

Những sáng tác này vốn đã rất hay, và đều được thể hiện rất đỉnh bởi các thế hệ đàn anh đi trước, nên khi hát lại, tôi cũng thấy đôi chút áp lực.Nhưng khi vào phòng thu, tự dưng cảm xúc lại trỗi lên, rồi hát say sưa. Lúc đó, dường như mình cảm nhận được rõ nét nhất cái hồn của bài hát, cũng không hiểu vì sao nữa, và chính ca từ, giai điệu của nó đã tạo cho cảm xúc của mình thăng hoa”.

Làm mới những bản phối xưa

Cuộc đổ bộ vào dòng nhạc “đỏ” còn có ca sĩ trẻ Thái Thuỳ Linh. Khi Thái Thùy Linh chính thức phát hành album vol.3 của mình mang tên “Bộ đội”, album này ngay lập tức được nhiều người nghe nhạc hưởng ứng. Cô ca sĩ cá tính đã hát các ca khúc cách mạng trang nghiêm, hào hùng theo phong cách pop-rock vì muốn làm mới nhạc cách mạng.

 Album “Bộ đội” có 9 bài, là những bài hát cách mạng “đi cùng năm tháng” như “Hò kéo pháo” của Hoàng Vân, “Dậy mà đi” của Nguyễn Xuân Tân, “Lì và Sáo” của Văn Chung. Những bài hát “nhạc đỏ” này được phối và hát theo một phong cách pop-rock hoàn toàn mới lạ. Đặc biệt, điểm nhấn của album là bài “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” của Chu Minh, thơ Hoàng Trung Thông. Đây là bài hát mà từ trước tới giờ chưa có một giọng nữ nào thể hiện, thường được mọi người biết đến với giọng hát của NSND Quang Thọ và dàn hợp xướng.

Nói về ý tưởng thực hiện album này, Thái Thùy Linh chia sẻ, rằng từ bé chị đã tích cực tham gia các phong trào của đoàn, đội, lớn lên thì tham gia các hoạt động sinh viên, thanh niên. Tinh thần “cách mạng”, những bài hát cách mạng đã "ngấm vào trong máu" Thái Thùy Linh.

Chị yêu nước, yêu người lính, yêu luôn những ca khúc cách mạng hào hùng, những tác phẩm gắn liền với một thời kỳ oanh liệt. “Bài hát cách mạng có nhiều tác phẩm hay, nhưng gặp phải vấn đề là các bản phối quá cũ kỹ.

Bao năm liền vẫn hát một kiểu như nhau, kể cả nhiều người thuộc thế hệ sau này cũng hát bản phối như thế hệ trước. Mà một khi thế hệ trước đã hát hay, có những nghệ sĩ hát những ca khúc tưởng đã thành chuẩn mực, thì thế hệ sau có hát giống cũng khó mà bằng được những tượng đài sừng sững ấy nữa”.

...Những ca sỹ trẻ muốn hát những ca khúc nhạc “đỏ”, khác với những gì đã là mô thức, với mong muốn nhạc cách mạng đến gần hơn với giới trẻ. Và họ mơ giấc mơ thật đẹp rằng, dòng nhạc “đỏ” sẽ luôn vang lên hào hùng ở tất cả những chương trình ca nhạc chứ không phải là như một thứ gia vị cho chương trình, hầu như chỉ xuất hiện trên sân khấu, trên truyền hình và một ít chương trình đĩa nhạc trong những dịp lễ.

Thùy Dương

Đọc thêm