Phường Hòa Quý là địa phương có số lượng người nghèo đông nhất quận Ngũ Hành Sơn, vì thế, tạo việc làm tại chỗ cho người nghèo hoặc nông dân sau giải tỏa là nhiệm vụ rất quan trọng. Qua đó, không chỉ mang lại thu nhập mà còn tạo điều kiện để họ có thời gian chăm sóc gia đình, ổn định cuộc sống.
Kết hợp đào tạo và giải quyết việc làm
|
Cơ sở may công nghiệp dành cho những phụ nữ nghèo ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. |
Trăn trở với cảnh nghèo của nhiều gia đình, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn và phường Hòa Quý đã kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và trích kinh phí từ ngân sách của địa phương để hình thành nên Cơ sở học nghề và thực hành may công nghiệp ngay tại khu vực Khái Tây. Mục đích chính của cơ sở này là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho những chị em thuộc diện hộ nghèo ở Hòa Quý và các vùng lân cận. Sau khi thành lập, phường Hòa Quý bao cấp tất cả các kinh phí hoạt động của cơ sở này, từ chuyện lo cơ sở vật chất để làm việc đến kinh phí điện nước, thuê bảo vệ, thuê nhân công kỹ thuật, bảo dưỡng máy móc… đều do phường “chủ chi”.
Anh Nguyễn Kim, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý nhận định: “Chúng tôi rất tâm đắc với mô hình này vì đây là cách làm hay để tạo việc làm cho những người nghèo của phường. Một số máy móc, thiết bị của cơ sở là do các nhà hảo tâm ủng hộ, còn lại phường đứng ra quản lý, điều hành, đầu tư không lấy lợi nhuận, chủ yếu là làm sao để chị em vừa có thu nhập nhưng cũng có thời gian chăm sóc gia đình, không phải đi các địa phương khác để tìm việc làm”.
Sau khi hình thành, cơ sở may công nghiệp này đã thu hút khá đông những chị em diện nghèo ở phường Hòa Quý đến làm. Ban đầu, có chị chưa hề biết đến đường kim mũi chỉ theo cách hoạt động của máy may công nghiệp, do vậy, phường đã tổ chức đào tạo nghề ngay tại cơ sở này để giúp họ nắm bắt cách làm một cách nhanh nhất. Khi các bước chuẩn bị về máy móc, thiết bị phụ trợ và nhân công hoàn tất, cơ sở đã mạnh dạn nhận hàng gia công từ các công ty bên ngoài.
Anh Nguyễn Nhị, chuyên viên Văn phòng UBND phường Hòa Quý, Tổ phó tổ quản lý cơ sở may công nghiệp này cho biết: “Từ tháng 7 năm 2010, sau khi đào tạo nghề may cho một số chị, chúng tôi bắt đầu nhận hàng về gia công. Đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn thành 3 đơn hàng, chủ yếu là gia công quần thể thao”. Mặc dù chỉ mới đưa vào hoạt động từ giữa năm 2010 nhưng đến nay, cơ sở này đã thành công bước đầu trong việc tạo thu nhập ổn định cho người nghèo ở phường Hòa Quý, nhất là những chị em xuất thân từ gia đình làm nông hoặc thuộc diện di dời, giải tỏa.
Vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình
Chị Nguyễn Thị Tường Vi, tổ 14 phường Hòa Quý đến với Cơ sở học nghề và thực hành may công nghiệp này ngay từ ngày đầu thành lập. Nhà nghèo, lại đông con, sau khi bị tai nạn giao thông làm tổn thương một bên chân, chị không còn khỏe mạnh để làm phụ hồ như trước. Trong khi đó, thu nhập chủ yếu từ nghề phụ hồ của chồng không đủ để chị xoay xở chăm lo cho 4 đứa con ăn học. Đối với chị, vào học và làm nghề may thực sự đã giúp giải quyết nhiều vấn đề, bởi ở cơ sở này, công việc của chị vừa phù hợp với sức khỏe, vừa mang lại thu nhập ổn định và quan trọng không kém là chị vẫn có thời gian để chăm sóc gia đình. Chị Vi tâm sự: “Thu nhập ở đây không cao bằng ở các công ty may trong khu công nghiệp nhưng vừa với sức của mình, lại không phải chịu áp lực gì, làm nhiều hưởng nhiều, ít hưởng ít.
Trong ngày, gia đình có việc cũng có thể về để lo chứ làm nơi khác xa xôi, sức khỏe tôi không đảm đương được”. Chị Nguyễn Thị Kim Yến, 25 tuổi, đang có con nhỏ nên không dám đi làm xa nhà, nghe tin phường thành lập cơ sở may công nghiệp này, chị đăng ký ngay. Vì đã biết nghề may từ trước nên chị Yến nhanh chóng thích nghi và làm việc khá hiệu quả. Chị Yến vui vẻ nói: “Công việc ở đây thoải mái hơn, với lại em đang có con nhỏ, con đau ốm gì thì xin nghỉ về lo được, chứ nếu làm ở công ty lớn trong khu công nghiệp muốn nghỉ sẽ bị trừ lương, lại phải đi xa nhà thu nhập có cao hơn nhưng trừ chi phi đi lại, ăn uống cũng không hơn đây bao nhiêu”.
Hiện nay, cơ sở may công nghiệp này đã thu hút 29 chị thuộc diện hộ nghèo của phường Hòa Quý tham gia. Thu nhập mỗi người trả theo năng suất làm việc, trung bình từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. Theo anh Nguyễn Nhị, bước đầu thu nhập như vậy vẫn chưa cao nhưng quan trọng là giải quyết được việc làm tại chỗ cho các chị. “Phần lớn chị em làm việc ở đây không thể hòa nhập với môi trường làm việc công nghiệp ở các công ty lớn.
Tại cơ sở này, họ làm và hưởng theo sản phẩm, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Những ai tay nghề yếu thì làm từ từ, không phải chịu áp lực gì cả. So với nơi khác thì lượng hàng ở đây có thể ra chậm hơn nhưng chúng tôi bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng của đơn đặt hàng. Có chị thấy thu nhập cũng ổn nên làm việc tích cực lắm, mỗi ngày chúng tôi chỉ quy định sáng tới 11 giờ và chiều 17 giờ nghỉ nhưng họ vẫn ở lại làm thêm để tăng sản phẩm, kiếm thêm tiền”, anh Nguyễn Nhị cho biết thêm.
Từ hiệu quả ban đầu mang lại, quận Ngũ Hành Sơn đã vận động được nguồn tài trợ để trang bị thêm máy móc nhằm mở rộng quy mô hoạt động của cơ sở may công nghiệp này. Ngoài ra, thông qua chương trình hỗ trợ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Trung tâm Dạy nghề và hướng nghiệp quận Ngũ Hành Sơn sẽ phối hợp với phường Hòa Quý để đào tạo nghề may cho những phụ nữ nghèo nơi đây. Những ai có nhu cầu, có thể tham gia một khóa đào tạo nghề may công nghiệp và sau đó tiếp tục làm việc tại cơ sở may này, nếu không muốn, họ vẫn có thể đến nơi khác làm sau khi đã được đào tạo bài bản.
Anh Nguyễn Kim khẳng định: “Mô hình này mặc dù chưa đi vào hoạt động bài bản với những chế độ, chính sách đầy đủ cho công nhân nhưng trong thời gian đến, sau khi đã ổn định, chúng tôi nghĩ có thể duy trì lâu, nhất là khi có cơ sở pháp lý và sự tài trợ kinh phí để bảo đảm cơ sở hoạt động thường xuyên, liên tục”. Với mô hình này, quận Ngũ Hành Sơn và phường Hòa Quý đã giải tỏa phần nào nỗi lo việc làm của người nghèo, tạo cho họ nguồn thu nhập ổn định và điều đáng ghi nhận là giúp người nghèo tự nỗ lực vươn lên bằng chính sức lao động của mình.
Bài và ảnh: Mỹ Hạnh