Trẻ bị nhiễm rubella- Cách phát hiện và chăm sóc

Trong những ngày đầu năm mới, nhiều trẻ em có biểu hiện sốt phát ban (bệnh rubella). Bệnh do vi-rút rubella (không phải là vi-rút sởi) chủ yếu lây qua dịch tiết ra từ mũi, họng.

Trong những ngày đầu năm mới, nhiều trẻ em có biểu hiện sốt phát ban (bệnh rubella). Bệnh do vi-rút rubella (không phải là vi-rút sởi) chủ yếu lây qua dịch tiết ra từ mũi, họng. Vi-rút có thể qua máu của người mẹ nhiễm vào thai nhi. Vì vậy, bệnh rất nguy hiểm cho phụ nữ có thai do có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh cho trẻ. Vi-rút rubella có đường kính 60-70 mm, thuộc nhóm ARN có hình cầu và được phân loại thuộc nhóm Toga vi-rút.

 

Chăm sóc trẻ tại khoa hô hấp Bệnh viện Trẻ em thành phố

Ảnh: Đỗ Thu

Trước khi sản xuất được vắc-xin rubella vào năm 1969, dịch rubella xảy ra theo chu kỳ 6 - 9 năm. Những trẻ em từ 5 - 9 tuổi là đối tượng dễ bị bệnh và cũng có nhiều trường hợp bị rubella bẩm sinh. Hiện nay, nhờ việc tiêm chủng ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, số trường hợp mắc bệnh rubella bẩm sinh giảm nhiều.

 

Hầu hết người trẻ tuổi chưa tiêm vắc-xin miễn dịch dễ bị nhiễm rubella hơn  trẻ em. Trên thực tế, các chuyên gia ước tính có khoảng 10% số người trẻ tuổi mẫn cảm với rubella, có thể gây nguy hiểm cho những đứa con sau này.

 

Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm rubella: 1 - 2 ngày đầu, trẻ bị sốt nhẹ (37,2 - 37,8oC) và sưng đau hạch, thường ở mé sau cổ hoặc cạnh tai. Vào ngày thứ hai hoặc thứ ba, bắt đầu phát ban trên mặt và lan xuống dưới. Khi phát ban lan xuống người, thì ở vùng mặt hết. Đây là những dấu hiệu đầu tiên để các gia đình nhận biết trẻ có bị nhiễm rubella hay không. Phát ban rubella giống như nhiều loại phát ban do vi-rút khác. Ban biểu hiện thành những chấm hồng hoặc đỏ nhạt, có thể liên kết với nhau tạo thành những mảng phẳng đổi màu. Ban có thể ngứa và kéo dài tới 3 ngày. Khi ban lặn, da có khi bị bong vảy như tuyết.

 

- Sau khi tiêm vắc-xin sẽ phòng được bệnh trong 10 năm.

- 3 tháng sau khi tiêm ngừa vắc-xin mới được phép mang thai.

- Đối với người lớn, có thể làm xét nghiệm huyết thanh. Nếu đã có miễn dịch thì không cần tiêm chủng.

- Phụ nữ mang thai mà bị nhiễm vi-rút rubella hoặc sống trong vùng có dịch rubella nên làm xét nghiệm tìm kháng thể đặc hiệu của vi-rút để chẩn đoán xác định bệnh, sau đó đến khám tại các phòng khám sản phụ khoa để được điều trị và xử trí phù hợp.

 

Các triệu chứng khác của rubella hay gặp hơn ở trẻ vị thành niên và người lớn như: đau đầu, chán ăn, viêm kết mạc nhẹ (viêm lớp màng lót mí mắt và nhãn cầu), hắt hơi hoặc chảy nước mũi, sưng hạch ở các vùng khác của cơ thể, đau và sưng khớp (nhất là ở phụ nữ trẻ). Có những trường hợp người bị nhiễm rubella có rất ít hoặc hoàn toàn không có triệu chứng.

 

Với phụ nữ có thai bị nhiễm rubella có thể gây hội chứng rubella bẩm sinh, để lại những hậu quả nặng nề ở thai nhi. Trẻ bị nhiễm rubella trước khi sinh có nguy cơ như chậm tăng trưởng, chậm phát triển, tâm thần, dị tật tim và mặt, điếc và nhiều vấn đề ở gan, lá lách và tủy xương.

 

Vi-rút rubella lây từ người sang người qua dịch tiết bắn ra từ mũi và họng. Người nhiễm rubella dễ lây bệnh cho người khác ở thời điểm 1 tuần trước đến 1 tuần sau khi phát ban. Người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng vẫn có thể lây truyền bệnh. Trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh có thể gieo rắc vi-rút qua nước tiểu hoặc dịch tiết mũi họng trong năm đầu.

 

Phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc-xin rubella. Loại vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR) được tiêm cho trẻ từ 12 - 15 tháng tuổi. Liều MMR thứ hai được tiêm khi trẻ lên 4 - 6 tuổi, nhưng không nên quá 11-12 tuổi. Không nên tiêm vắc-xin rubella cho phụ nữ có thai hoặc phụ nữ có thể sẽ thụ thai trong vòng một tháng sau khi tiêm. Nếu bạn đang dự định có thai, hãy bảo đảm là bạn có miễn dịch với rubella thông qua xét nghiệm máu hoặc tiêm chủng. Nếu không, bạn nên tiêm vắc-xin ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.

 

Phụ nữ có thai chưa có miễn dịch nên tránh tiếp xúc với người bị bệnh và nên tiêm vắc-xin sau đẻ để có miễn dịch cho lần mang thai sau.

 

Rubella là bệnh nhẹ, nhất là ở trẻ em nên có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Nên thường xuyên theo dõi nhiệt độ và đưa trẻ đi khám bác sĩ trong trường hợp sốt quá cao. Để làm giảm khó chịu, bạn có thể cho trẻ uống thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen. Không được dùng thuốc aspirin cho trẻ bị bệnh do vi-rút vì sử dụng aspirin ở những trường hợp này có thể gây ra hội chứng Reye, dẫn đến suy gan và tử vong.

 

Phát ban rubella điển hình kéo dài 3 ngày. Hạch có thể vẫn sưng trong 1 tuần hoặc lâu hơn và đau khớp có thể kéo dài hơn 2 tuần. Trẻ mắc rubella thường hồi phục trong 1 tuần, nhưng người lớn có thể lâu hơn. Không thể điều trị rubella bằng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng chống lại các nhiễm vi-rút. Phụ nữ có thai tiếp xúc với rubella nên đi khám sản khoa sớm.

 

Tiến sĩ Trần Văn Nam

Phó giám đốc Bệnh viện Trẻ em

Đọc thêm