Những đứa trẻ là nạn nhân của người lớn
Ngày 4/8, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một bé trai khoảng 1 tuổi trong tình trạng bầm tím toàn thân. Toàn thân bé đều có vết bầm tím hoặc đỏ, nhiều nhất là vùng mặt, vùng lưng, vùng chân, vùng bìu. Các vết thương chằng chịt được nhận định là mới gây ra.
Bé trong tình trạng sốc, sợ hãi, ngủ cũng luôn giật mình và bám chặt lấy ngón tay của nhân viên y tế. Chẩn đoán cho thấy bé có máu bầm tụ ở màng cứng. Bệnh viện đã báo cho Công an phường Láng Thượng (quận Đống Đa) để điều tra, làm rõ vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng.
Qua điều tra sơ bộ, công an xác định, cháu bé tên Trần Tiến A, mẹ bé bị bắt vì buôn bán ma túy, gửi đứa con chưa đầy 1 tuổi cho bạn nuôi. Người bạn này lại chuyển cho người khác nuôi. Căn cứ tài liệu thu thập, cơ quan điều tra xác định, bé trai có dấu hiệu bị bạo hành với tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên đã khởi tố để điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến những vết thương trên người cháu bé.
Mới đây, mạng xã hội cũng lên án mạnh mẽ “hot girl ăn quỵt” Bella đã không xứng đáng là một bà mẹ khi ôm con sơ sinh đi lang thang khắp nơi, thậm chí Bella còn hút thuốc, phả vào mặt đứa con mới hơn 1 tháng tuổi, khiến dân mạng phẫn nộ.
Trước tình cảnh của đứa bé, nhiều cá nhân đã tài trợ tiền hoặc đứng ra quyên góp ủng hộ. Nhưng cũng có nhiều quan điểm cho rằng ủng hộ Bella bằng tiền không phải là giải pháp tốt, vì không ai có thể đảm bảo số tiền đó sẽ được Bella sử dụng để nuôi con. Nên chăng là các cơ quan đoàn thể gặp gỡ, động viên, thuyết phục Bella tạm giao con cho cá nhân, tổ chức nào có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé để Bella chữa bệnh về tâm thần (nếu có) hoặc để Bella có đủ khả năng nuôi con thì giao lại cho Bella.
Thời gian gần đây, tình trạng người lớn, cha mẹ bạo lực với trẻ em chưa bao giờ thôi làm nóng dư luận xã hội. Trẻ em dễ phải đối mặt với các hình thức xâm hại khác nhau, ở nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Đáng lo ngại hơn cả là việc trẻ có thể bị xâm hại ngay trong chính gia đình.
Nguyên nhân được cho là do nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em còn chưa đầy đủ và có phần bị xem nhẹ. Nhiều bậc cha mẹ coi việc đánh con là “bình thường”, là quyền của cha mẹ để dạy con. Sự dồn nén tâm lý của người lớn, ảnh hưởng từ các chất kích thích như rượu, thuốc hoặc những khó khăn về kinh tế... đều dẫn đến bạo hành, xâm hại trẻ em. Bất bình đẳng giới tính cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo một khảo sát khác của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho thấy, 73,9% số trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ/người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. 23,7% số phụ nữ đã lập gia đình và có con dưới 15 tuổi cho biết họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực đối với con cái trong suốt cả cuộc đời. 11% trong số các vụ bạo lực đó là dưới dạng đấm, đá, đánh; 15,7% dưới dạng tát, đẩy ngã hoặc ném đồ vật vào người; 56,6% dưới dạng dọa dẫm hoặc đe dọa.
Theo báo cáo điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (báo cáo MICS) năm 2014 do Tổng cục Thống kê thực hiện, hơn 68% trẻ em dưới 15 tuổi đã phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt về thể chất hoặc tâm lý, 3% phụ nữ đã bị xâm hại tình dục trước năm 15 tuổi. Còn theo số liệu của Bộ Công an, mỗi năm có khoảng 1.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em được tố cáo…
Bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ
Điều đáng nói là hầu hết tình trạng bạo lực với trẻ em đều diễn ra trong một thời gian dài và đi liền với việc dọa nạt, dụ dỗ trẻ em, làm cho trẻ không dám tố cáo. Thực tế này đòi hỏi cần có một cơ chế bảo vệ trẻ em thật hiệu quả, để khi xảy ra sự việc hoặc nhìn thấy trước sự việc, các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể có thể bảo vệ trẻ em ngay, thay vì “thúc thủ” đợi luật. Được đánh giá là công cụ pháp luật bảo vệ trẻ em hiệu quả, từ ngày 1/6/2017 Luật Trẻ em đã có hiệu lực.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh: “Luật quy định rất rõ các quy trình bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp), từ khi phát hiện các vấn đề, tố cáo hành vi xâm hại trẻ em tới các quy trình hỗ trợ can thiệp; trách nhiệm của các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan tới trẻ em... Những quy định này là công cụ hữu hiệu giúp giảm thiểu tình trạng xâm hại trẻ em. Với những quy định rõ ràng, các đơn vị chức năng sẽ nắm được công việc cụ thể, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tạo tính tự giác trong việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp khi có sự việc xâm hại trẻ em xảy ra”.
Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Luật Trẻ em là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Trẻ em có quyền được sống trong môi trường không bạo lực, xâm hại và bóc lột. Để làm được điều đó, ngoài củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em, các cấp, các ngành cần đầu tư nhiều hơn vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn chứ không chỉ xử lý sau khi điều xấu đã xảy ra.
Đội ngũ cán bộ bảo vệ trẻ em ở các cấp cần được nâng cao năng lực, xây dựng các dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như tư vấn tâm lý, bảo vệ trẻ em trong tố tụng... Quan trọng hơn cả là các bậc cha mẹ, những người chứng kiến hoặc nghi ngờ có hành vi xâm hại trẻ em cần mạnh dạn tố cáo và hướng dẫn các em tố cáo tới các cơ quan chức năng hoặc qua tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em để tổng đài tiếp nhận, kết hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý, hỗ trợ các em.