Nhiễm giun, sán thường không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nếu không phát hiện và điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu sắt... Đó là chưa kể tình trạng sức đề kháng của cơ thể trẻ bị giảm, tạo điều kiện cho bệnh khác phát triển hay tình trạng tắc ruột, tắc ống mật do giun. Ai cũng có thể bị nhiễm giun, sán nếu chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh, ăn uống kém. Tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất vì trẻ em tiếp xúc nhiều với các yếu tố nguy cơ.
Trẻ nhiễm giun có biểu hiện gì?
Những trẻ nhiễm giun đũa thường gầy còm, chậm lớn, thỉnh thoảng kêu đau bụng, ăn không ngon miệng, ngủ không ngon, biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, hay buồn nôn, nôn ra thức ăn, có khi nôn ra cả giun... Trẻ hay bực tức, quấy khóc, tính tình thay đổi, lười vận động... Những trẻ nhiễm giun kim thì hậu môn bị ngứa, nhất là vào ban đêm nên trẻ ngủ không yên, hay nghiến răng và đái dầm. Giun có thể chui vào ống mật làm tắc ống mật và đi vào mạch máu, qua gan, phổi... Trẻ bị giun chui vào phổi làm cho bị ho kéo dài, gầy gò, mệt mỏi, có thể lầm với viêm phổi do nguyên nhân khác. Cũng cần lưu ý rằng rất nhiều người bị nhiễm giun sán giai đoạn đầu, hoặc nhiễm ít, thường không có triệu chứng.
Rửa tay trước khi ăn, một biện pháp tốt ngừa nhiễm giun sán |
Các loại giun sán thường gặp
Các loại giun phổ biến ở Việt Nam là giun đũa, giun móc, giun kim, giun lươn. Còn các loại sán phổ biến là: sán lá gan, sán phổi, sán lợn, sán bò... Tùy theo điều kiện vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân mà trẻ bị mắc bệnh hay không nên nguy cơ nhiễm giun của trẻ thành phố và nông thôn là như nhau. Chẳng hạn, trẻ ở thành phố thường bị mắc giun kim nhiều hơn so với trẻ ở nông thôn vì trứng giun kim bay theo bụi, mà thành phố thì nhiều bụi bặm hơn. Còn với giun đũa, trẻ có thể bị lây nhiễm qua trứng ở rau sống hoặc từ đất bẩn. Trẻ em nông thôn hay bò lê la trên đất nên khả năng bị nhiễm giun đũa cao hơn so với trẻ em ở thành phố.
Giun đũa: Trẻ em bị nhiễm giun đũa chiếm từ 80-90%. Giun đũa sống ở ruột non của người, giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài gây ô nhiễm đất, nước. Qua nước, thức ăn, tay bẩn ấu trùng vào cơ thể và trở thành giun trưởng thành. Giun có thể sinh sản tới hàng trăm con trong ruột gây tắc ruột hoặc di chuyển vào đường mật gây áp-xe gan. Trẻ bị nhiễm giun đũa thường đau bụng vùng quanh rốn, nôn ra giun, đi ngoài ra giun, bụng ỏng, gầy yếu. Nếu trẻ đau bụng dữ dội và kéo dài thường là biến chứng của giun như giun chui đường mật, tắc ruột...
Giun kim: Sống ở ruột già, giun cái đẻ trứng ngay ở hậu môn gây ngứa hậu môn, trẻ gãi giun qua tay lên miệng gây tái nhiễm giun rất nhanh. Khi trẻ bị nhiễm giun kim thường khó ngủ, hay quấy khóc do ngứa hậu môn, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, phân lỏng, có thể nhìn thấy giun kim ở hậu môn hoặc trong phân.
Giun móc: Trẻ em nhiễm giun móc chiếm khoảng 10%. Giun móc trưởng thành ký sinh ở ruột non, miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu, trung bình mỗi ngày, một con giun móc có thể hút từ 0,03 - 0,2ml máu. Ấu trùng giun móc xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da và qua đường miệng. Trẻ nhiễm giun móc thường đau bụng vùng trên rốn, có thể có phân đen, thiếu máu từ từ, da xanh niêm mạc nhợt. Trường hợp nhiễm nặng dễ gây thiếu máu nặng, suy tim và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các nguyên nhân gây nhiễm giun sán
Do điều kiện khí hậu Việt Nam rất thích hợp cho các loại ký sinh trùng phát triển, trong khi đó, trong thức ăn nấu chưa chín như thịt bò, cá, thịt cua, ếch hay rau sống... là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán; Ăn các loại rau và trái cây củ chưa được rửa sạch; Các loại thịt tái, trứng ốp lết còn sống... Theo quan niệm của nhiều người thì đó là những thức ăn bổ dưỡng cho trẻ em, nhưng thực ra nó chứa mầm bệnh giun sán rất cao, cũng không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 5 tuổi.
Nguồn: Sức khoẻ &Đời sống