“Trẻ nghiện game online cần có gia đình bên cạnh”

Số vụ việc tiêu cực trong xã hội liên quan đến game online đang làm dấy lên nỗi lo về một nhóm trẻ hư hỏng. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - trong chuyện này, gia đình mới đóng vai trò nền tảng.
Số vụ việc tiêu cực trong xã hội liên quan đến game online đang làm dấy lên nỗi lo về một nhóm trẻ hư hỏng. Tuy nhiên, theo bà Phạm Chi Lan - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ - trong chuyện này, gia đình mới đóng vai trò nền tảng.Game online làm nên lối sống?  Trong một nghiên cứu nhằm tìm hiểu thực trạng định hướng giá trị nhân cách của các em thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên (tuổi teen), chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu con người, TS Nguyễn Thị Mai Lan đã phát hiện ra rằng, chính gia đình có tác động mạnh nhất đến định hướng giá trị nhân cách của lớp trẻ. Điều này cũng được TS XHH Trịnh Hòa Bình, người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu các vấn đề xã hội, thừa nhận “giáo dục giới trẻ có nghĩa là phải làm gương”. Phần lớn học sinh THPT đều mong được khẳng định cái tôi của mình trong quan hệ với bố mẹ và những người thân trong gia đình. Các em muốn được khẳng định quan điểm của mình trong học tập, sinh hoạt, chọn bạn và quan điểm về tình yêu. Tuy nhiên, bố mẹ và người lớn dường như ít dành thời gian dạy các em những kỹ năng cần thiết, ngay cả những kỹ năng tự chăm sóc và phục vụ bản thân. Khi không hình thành được chuẩn mực trong ý thức hệ, lớp trẻ sẽ có những phản ứng lệch lạc trong quá trình tiếp cận thế giới xung quanh, nơi mang đến những làn gió mát lành song cũng tiềm tàng nhiều gió “độc”.
Xã hội lo ngại trước một bộ phận thanh niên đang bị ảnh hưởng xấu từ game online. (Ảnh minh họa)
Xưa nay, chuyện xây “tường lửa” nhằm bảo vệ giới trẻ trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu dường như chưa bao giờ vượt qua được giai đoạn “thai nghén” bởi thiếu sự định hướng của chính gia đình và người lớn. Trong khi các em không ngừng tìm tòi, học hỏi, khám phá bản thân và thế giới xung quanh để thỏa mãn tâm lý lứa tuổi thì câu chuyện sân chơi cho trẻ vẫn chỉ là những đề án giấy và “phi thực tế”. “ Bây giờ, có được bao nhiêu công viên, bao nhiêu bể bơi, bao nhiêu nơi để trẻ em có thể vui chơi giải trí như chúng thích? Thậm chí, có đến bể bơi cũng chỉ để “đứng ngâm mình”- TS Trịnh Hòa Bình nhìn nhận. Trên thực tế, khi không có nơi nào để giải trí ngoài đời thực; khi cha mẹ luôn đầu tắt mặt tối với cuộc sống mưu sinh cơm áo, gạo tiền, những đứa trẻ chỉ còn biết tìm đến game, đơn giản là để giải trí. Và ngay sau đó, cái thế giới ảo đã mê hoặc các em. Xét từ góc độ xã hội, đó là lỗi của thế giới thực, nơi không đáp ứng được những mong muốn, khát khao của lớp trẻ. Đặc biệt, những đứa trẻ vốn thiếu thốn sự chăm sóc giáo dục, hướng dẫn và sẻ chia của gia đình, nhà trường, nay có cơ hội thể hiện mình trong thế giới ảo mà nó vừa tìm được. Không khó lý giải khi game online nhanh chóng trở thành vấn đề bức xúc của nhiều gia đình. Ngay lập tức, vấn đề quản lý game online tạo áp lực lớn lên toàn xã hội. Nói như Cục trưởng Cục quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, “chưa khi nào game online lại được nhắc đến như một vấn đề lớn trong xã hội như bây giờ”.Gia đình là nền tảng Trao đổi với báo chí, Giáo sư, tiến sĩ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Lân Dũng đã thẳng thắn “Gia đình cũng phải giáo dục con cái thay vì chỉ biết đổ lỗi cho game". Theo Giáo sư, thanh thiếu niên là lứa tuổi rất dễ đam mê game vì trò chơi trực tuyến cũng có yếu tố kích thích tâm lý, vì thế, các bậc phụ huynh không nên chăm chăm chỉ trích mà nên xem lại phương pháp giáo dục con em mình. Cách tốt nhất là gây được lòng tự trọng cho trẻ và hướng cho các em hiểu, tương lai của các em là ở chính bản thân các em. “Nếu không phải là game, chúng cũng tham gia vào các hoạt động xấu khác như cờ bạc, rượu chè, trai gái, ma túy...”Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan ngại. Định hướng giá trị nhân cách tuổi teen luôn gắn với môi trường sống, với nền văn hóa mà con người sống và hoạt động thực tiễn. Vì thế, định hướng giá trị nhân cách bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các yếu tố trước hết là gia đình, trường học và các quan hệ xã hội. “Tôi cho rằng gia đình mới đóng vai trò nền tảng. Gia đình cần có sự giáo dục trẻ em ngay từ ban đầu về nhận thức” - bà Phạm Chi Lan nói. Bà nêu ví dụ “Ở các xã hội phương Tây, tự do cá nhân rất được đề cao nhưng cha mẹ cũng rất quan tâm để giám sát, quản lý để trẻ em tránh sa vào những trò chơi bạo lực”. Nói như ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: "Chúng ta phải hình dung Internet như không khí. Tốt nhất là khi gặp khí lạnh thì quàng khăn, gặp bụi thì phải đeo khẩu trang chứ không ai có thể ngăn gió, bụi được..." Trong nghiên cứu của mình, TS Mai Lan đã kết luận, để hình thành định hướng giá trị nhân cách đúng đắn của các em thì việc xây dựng một lối sống, sự quan tâm đúng mực của gia đình và sự gương mẫu của bố mẹ là điều kiện cần thiết
Theo Hải Linh
Đất Việt

Đọc thêm