Bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh, Bệnh viện Từ Dũ, cho biết có đến 25-50% trẻ sơ sinh đủ tháng và 80% trẻ non tháng bị vàng da theo một nghiên cứu ở Mỹ. Ở các nước phát triển, con số này cao hơn hẳn.
Vàng da ở trẻ xảy ra khi các hồng cầu chết đi, vỡ ra tạo chất bilirubin, chất này được vận chuyển đến gan để biến đổi thành chất thải ra phân và nước tiểu. Nếu gan hoạt động không tốt, chất bilirubin bị ứ trong máu sẽ gây ra hiện tượng vàng da.
Trẻ bị vàng da có thể do các nguyên nhân sau:
- Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, dẫn đến hồng cầu của con bị vỡ nhiều hơn bình thường. Trường hợp thường gặp là mẹ nhóm máu O và con là nhóm máu A hoặc B.
- Trẻ bị đa hồng cầu do mẹ bị đái tháo đường.
- Trẻ bị những vết bầm máu và tụ máu.
- Do non tháng, nhẹ cân hay nhiễm cầu huyết sơ sinh.
Theo bác sĩ Từ Anh, vàng da ở trẻ sơ sinh có 2 loại: vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý.
Vàng da sinh lý là loại vàng da nhẹ, mức độ bilirubin ứ trong máu ít. Trẻ sau khi sinh từ 2-3 ngày sẽ xuất hiện vàng da ở mắt, mặt và ngực. Vàng da sẽ tự hết sau khoảng một tuần đối với trẻ đủ tháng và khoảng 2 tuần đối với trẻ non tháng nếu trẻ được bú đủ sữa.
Vàng da bệnh lý xảy ra do bilirubin ứ nhiều trong máu, không kịp thải qua phân và nước tiểu. Đây là loại vàng da ở mức độ nặng, xuất hiện sớm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Bệnh tiến triển nhanh và kéo dài. Vàng da sẽ lan dần xuống chân, lòng bàn tay và bàn chân. Trẻ bị vàng da bệnh lý có triệu chứng bú kém, lừ đừ, gan lách to, thậm chí co gồng và ngưng thở khi vàng da đã quá nặng, có thể ảnh hưởng đến não.
Vàng da bệnh lý do bệnh lý gan mật xuất hiện muộn hơn, khoảng sau 2 tuần tuổi sau sinh. Bệnh do dị dạng bẩm sinh đường dẫn mật hoặc do bệnh lý bẩm sinh ở gan, viêm gan. Phân của trẻ thường nhạt màu, nước tiểu vàng sậm, gan to. Trẻ thường bú kém, lên cân ít.
Cách điều trị vàng da bệnh lý thường dùng là rọi đèn ánh sáng xanh, cường độ ánh sáng mạnh sẽ giúp chuyển chất bilirubin độc hại thành dạng không gây độc cho não. Nếu mức độ vàng da quá nặng, bilirubin có thể thấm vào não thì phải thay máu cho trẻ.
Vàng da bệnh lý nếu không được điều trị sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Trường hợp nhẹ nhất là ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Trẻ có thể bị những di chứng thần kinh vận động vĩnh viễn, không thể phục hồi như nói ngọng, câm, điếc, lé hoặc mù mắt, liệt một hoặc nhiều chi, bại não. Trường hợp nặng nhất, trẻ có thể bị tử vong.
Các biện pháp phòng ngừa vàng da bệnh lý cho trẻ sơ sinh:
- Chăm sóc sức khỏe tốt khi mang thai, khám thai đầy đủ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý trong thai kỳ, tránh được sinh non, sinh nhẹ cân, quá cân hay nhiễm trùng mẹ sang con.
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi B và chủng ngừa trước khi mang thai.
- Cho trẻ bú sữa non sớm, giữ ấm để giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, hạ đường huyết và đi phân su sớm ngay sau sinh.
- Cho trẻ bú đủ sữa.
- Phòng trẻ phải có đủ ánh sáng để dễ theo dõi màu sắc da của trẻ.