“Treo đầu sao, bán thịt nhái” trong "chợ nhạc"

Hoa cũng như “đồng nghiệp” khác luôn hy vọng vào lời hứa “trả lại tên cho em” của ông bầu trong các chương trình lớn. Tuy vậy, về sau các ca sĩ “nhái” đều phải thừa nhận, đó mãi mãi là “ước mơ xa tầm tay” của họ.

Hàng nhái, hàng giả có mặt khắp nơi và bây giờ nó còn len lỏi cả vào lĩnh vực nghệ thuật. Vấn nạn này gây bức xúc cho các tên tuổi trong làng ca nhạc Việt và các khán giả yêu âm nhạc.

Hai con đường thành “người nhái”

Việc các bầu sô lừa gạt tổ chức một chương trình biểu diễn nghệ thuật được quảng cáo là hoành tráng với các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng hai miền Nam Bắc nhưng rốt cục, xuất hiện trước công chúng chỉ là những “sao nhái” không còn là chuyện hiếm của làng âm nhạc. Những ca sĩ “nhái” ấy hàng ngày hàng giờ kiếm tiền trên nghệ danh người khác. Họ là ai?.

Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Hưng - hai “con mồi” ưa thích của đám bầu sô chụp giật.
Đàm Vĩnh Hưng và Tuấn Hưng - hai "thương hiệu" thường bị "bầu sô" lạm dụng.

Họ là những ca sĩ “vô danh tiểu tốt” chỉ "sở hữu bản lĩnh và tài năng" bậc trung bình. Để có đất diễn, không ít người nhận làm ca sĩ “đóng thế” theo yêu cầu của các bầu sô. Nam Quang - một ca sĩ chuyên" nhái" nghệ danh khoe khoang: “Có cầu, ắt có cung, tôi làm việc này đáp ứng “cung” đó. Đối với tôi, mượn tên ai không quan trọng. Quan trọng là mình có cơ hội lên sân khấu hát để “kiếm cơm”. Một tháng khoảng hơn chục sô là “sống” rồi!”.

Các ca sĩ “nhái” này thường được bầu sô trả cát-xê khoảng 500.000-5.000.000 đồng/sô diễn - mức thù lao thấp hơn rất nhiều so với ca sĩ “nguyên mẫu”. Tuy vậy, đối với các ca sĩ “nhái” chạy sô đều đặn, mức giá này đủ giúp họ kiếm được những khoản tiền kha khá.

Nhưng không phải ai cũng chủ động làm nghề “nhái”. Có rất nhiều ca sĩ trẻ, chập chững vào nghề đã bị bầu sô dụ dỗ: “Hát giúp anh theo nghệ danh này một vài lần, rồi sau này anh sẽ xếp lịch cho diễn những chương trình hoành tráng với đúng tên thật của mình”. Nghe lời đường mật đó, không ít ca sĩ trẻ có tài năng nhưng kém bản lĩnh đã gật đầu, đồng ý chui vào “vòng xoáy nhái” của các ông bầu không có đạo đức kinh doanh.

Hằng Hoa - một “cascadeur” nói trong nước mắt: “Quả thực, nếu ai chưa phải mạo danh nghệ sĩ thì chưa hiểu hết nỗi nhục của “nghề” này. Hơn một năm trong “nghề”, tôi thấy mình chẳng khác gì một... con rối! Mình phải hát luyến láy thế nào, ăn mặc thế nào, phong cách đưa tay, vẩy tay ra sao cho giống “nguyên mẫu” để đánh lừa khán giả. Nếu không giống ca sĩ nguyên mẫu là chúng tôi bị ông bầu cắt sô hoặc xù cát-xê ngay”.

Đi sâu vào tìm hiểu mới thấy hầu hết những “bản sao” ấy đều từng “gặp nạn” khi lên sàn diễn diễn. Việc họ bị la ó, chửi bới, thậm chí bị ném trứng thối, cà chua thối vào mặt diễn ra như “chuyện bình thường ở huyện”. Hoa ngậm ngùi kể: “Tháng trước, tôi đi diễn ở một tỉnh cách Hà Nội, mạo nghệ danh của một nữ ca sĩ Sao Mai Điểm hẹn. Dù tôi đã cố diễn cho thật giống nhưng vẫn bị khán giả phát hiện. Ngay lập tức, họ la ó, phản đối và đuổi tôi vào cánh gà. Nhục quá!”.

Hoa cũng như “đồng nghiệp” khác luôn hy vọng vào lời hứa “trả lại tên cho em” của ông bầu trong các chương trình lớn. Tuy vậy, về sau các ca sĩ “nhái” đều phải thừa nhận: Đó mãi mãi là “ước mơ xa tầm tay” của họ.

Trăm lẻ một cách lừa đảo

Đã mang chất chụp giật, đương nhiên các ông bầu rất có tài biến hóa từ “không thể thành có thể”. Không mời được các “sao xịn” (hoặc không muốn mời vì kinh phí)?. Không sao cả. Họ sẽ nhào nặn ra các... “sao phẩy”.

Trên blog cá nhân của một nam ca sĩ nổi tiếng, anh này bày tỏ: “Kết thúc một tuần hát ở ngoài Bắc, tôi thấy được nhiều điều kinh khủng. Mấy bác bầu sô tỉnh đua nhau lừa khán giả, quảng cáo tên mà có thấy mặt ca sĩ đâu? Khổ thân những người yêu mến âm nhạc, cứ chờ dài cổ, rồi một ca sĩ lạ hoắc lên tự xưng “nghệ danh” giống tên ca sĩ”.

Mới đầu năm nay, nhiều khán giả ngoài Bắc đã mừng hụt khi thấy tên ca sĩ Tuấn Hưng được quảng cáo trên băng-rôn với hàng chữ to và in đậm, nổi bật trong một chương trình ca nhạc. Tuy vậy, sau khi móc hầu bao mua vé, khán giả chưng hửng khi thấy đứng trên sân khấu là một anh chàng... Tuấn Hùng lạ hoắc. Thì ra, trên tờ bạt quảng cáo, bầu sô đã cố tình đánh dấu huyền thành cái “ngoắc” bên cạnh khiến chữ “Hùng” thành ra chữ “Hưng”. Khi có người hỏi chuyện này với bên tổ chức, ông bầu giải thích đây là một sự cố đáng tiếc do... lỗi chính tả.

Một kiểu “biến hóa” khác mà các bầu sô “chụp giật” hay sử dụng đó là in đậm dòng, in to dòng chữ đề tên các “sao”, còn ở dưới có dòng chữ phụ li ti in ở dưới. Khán giả Hải Phòng đã được phen chết ngất khi họ phải “nhai” một giọng ca mạo danh Đàm Vĩnh Hưng. Không phải Đàm Vĩnh Hưng, mọi ngưòi la ó dữ dội. Trước tình cảnh đó, ông bầu lên sân khấu với khuôn mặt tỉnh bơ nói: “Các vị không xem băng rôn à, tôi ghi Đàm Vĩnh Hưng, ở dưới ghi chữ “em” vào đó. Có nghĩa là, giọng của ca sĩ này đáng là “em” của Đàm Vĩnh Hưng thôi!!!”.

Nhật Kim Anh, Akira Phan cũng bị đưa tên, hình ảnh lên trong phần giới thiệu một số cuộc biểu diễn trong khi họ không hề biết có sô diễn đó. Một số ca sĩ khác, khi có fan hâm mộ gọi điện thông báo thấy hình ảnh và tên trên băng-rôn quảng cáo, đã gọi cho bầu sô và nhận được câu trả lời tỉnh queo: “Ơ, chết, in nhầm rồi. Chắc mầy thằng em anh nó in nhầm. Thế hôm đó có giúp được anh không?. Giúp nhá!”.

Nhà quản lý ở đâu?

Những cảnh “treo đầu sao, bán thịt nhái” diễn ra ở không ít các tụ điểm âm nhạc tại các tỉnh thành gây bất bình cho những khán giả. Để xảy ra những hành vi lừa đảo này, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các nhà quản lý.

Ca sĩ Duy Khoa kể, tháng vừa rồi, một tụ điểm biểu diễn ở vùng ven Hà Nội đã treo biển có tên Duy Khoa. Khi các fan gọi điện hỏi, Khoa mới tá hỏa vì mình không nhận được lời mời nào từ bầu sô nơi đó. Để khán giả không bị “mắc lừa”, Khoa đã gọi điện thoại thông báo cho bộ phận chức năng phụ trách văn hóa - thể thao - du lịch ở đó. Tuy vậy, nam ca sĩ này chỉ nhận được câu trả lời qua quýt và còn bị vặn lại: “Liệu anh có dám chắc trong làng âm nhạc này chỉ mình anh tên là Duy Khoa không?”. Và thế là, sự việc rơi vào im lặng.

Câu chuyện trên đây chỉ là một ví dụ đơn cử cho thấy việc bảo vệ quyền lợi của khán giả, nghệ sĩ tại nhiều tỉnh, địa phương còn chưa được chú ý. Phản ứng của không ít cơ quan chức năng còn chậm chạp, thậm chí hờ hững. Từ đó, từng ngày từng giờ, các bầu sô vẫn mặc sức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Đến bao giờ trò lừa đảo ấy mới hết hoành hành?.

Thùy Dương

Đọc thêm