Trị bệnh “cáo mượn oai hùm”

(PLVN) - Phải đến khi Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội công bố thông tin phạt cơ sở sản xuất gốm tự ý in dòng chữ “Chủ tịch nước tặng”, “Thủ tướng Chính phủ tặng”, “Văn phòng Chính phủ kính tặng” lên những bộ ấm chén uống nước; dư luận mới nhận ra căn bệnh sĩ diện, thích “oai oách” trong xã hội vẫn còn trầm kha. Phải có nhu cầu lớn thì mới hình thành một thị trường đồ quà tặng mạo danh như thế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người mắc bệnh “cáo mượn oai hùm”, chắc ai cũng đã từng gặp. Không có trình độ, thực lực, hay quan hệ; nhưng cứ bịa đặt “quen thân thứ dữ”. Trong nhà phải gắng kiếm những món đồ gắn thông tin một vài cơ quan “cỡ bự” để chưng. Gần Tết phải kiếm tấm thiệp “Chúc mừng năm mới” đề tên lãnh đạo nào đó khoe trên bàn…

Cố gắng chứng tỏ “oai oách”, “bố đời” để làm gì? Có thể chỉ để thỏa mãn tâm lý muốn chứng tỏ cái tôi của mình một cách bệnh hoạn. Nhưng rất nhiều trường hợp “cáo mượn oai hùm” nhằm mục đích vụ lợi. Bịa chuyện mình “quan hệ rộng” để gạ gẫm “làm ăn” đẩy thua thiệt cho người; rồi “chạy chọt”, vay mượn, làm tiền, lừa đảo… Mâu thuẫn, tệ nạn, rắc rối, tội phạm cũng từ đó mà ra.

Lường được những nguy cơ trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lập tức đã có ý kiến đề nghị xử lý nghiêm vấn nạn này và nêu rõ: “Việc giả danh gắn tên Thủ tướng, cơ quan nhà nước vào sản phẩm để phục vụ mục đích kinh doanh, mục đích tạo quan hệ, ngoại giao có thể gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng uy tín, hình ảnh lãnh đạo, cơ quan Nhà nước và những bên liên quan”.

Có điều băn khoăn ở chỗ, theo cơ quan QLTT, việc sử dụng hình ảnh Quốc huy hay logo của các cơ quan nhà nước trong các sản phẩm quà tặng chưa được pháp luật hiện hành quy định cụ thể. Thế nên hành vi trên chỉ có thể bị phạt 6 triệu vì “kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi chữ viết, biểu tượng không đúng sự thật”.

Băn khoăn trên chắc chắn sẽ sớm được giải tỏa khi cơ quan pháp luật sẽ bổ sung quy định xử lý những đối tượng sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm mạo danh lãnh đạo và cơ quan nhà nước. Nhưng cái gốc của vấn đề, còn từ tâm lý cả nể, e ngại của nhiều người trong xã hội. Và khi pháp luật còn kẽ hở như trên, hai yếu tố đó đã “song kiếm hợp bích” tạo đất sống cho những đối tượng “cuồng oai” lợi dụng kiếm chác.

Còn một điểm mấu chốt nữa, nếu người dân ai cũng thượng tôn pháp luật, ai cũng hiểu nguyên tắc cán bộ là công bộc của dân mà bỏ đi tâm lý “sợ” cán bộ  thì những đối tượng “cáo mượn oai hùm” không còn đất diễn. Không còn “khán giả”, cũng không còn vụ lợi được gì từ cái sự ra oai, những “con cáo” ấy chắc chắn phải lo chuyện đi kiếm ăn chân chính, không còn màng đến những trò diễn kịch lố lăng. 

Đọc thêm