Chuyện quấy rối tình dục nơi công sở ngày càng diễn ra lộ liễu và mạnh mẽ. Thay vì nín nhịn cho qua, nhiều nạn nhân đã biết tìm cách giăng bẫy cho những kẻ trăng hoa sa lưới.
|
Hình minh họa |
"Bỏ qua" vì ngại đối đầu
Chị Lê Thị Mỹ Duyên, làm việc tại một công ty tư vấn xây dựng, văn phòng tại toà nhà ở quận 1 TP. HCM vừa nộp đơn xin nghỉ việc. Trong đơn xin nghỉ, chị chỉ nói là "lý do gia đình", thế nhưng, khi được sếp hứa hẹn sẽ tạo điều kiện giúp đỡ hết sức để giải quyết việc nhà mà vẫn có thể duy trì công việc, chị vẫn khăng khăng một mực đòi nghỉ.
Chẳng ai biết lý do rất riêng là chị đã phải chịu đựng áp lực lớn suốt ba năm trời. Công ty chỉ có hai người nữ, chị Duyên làm kế toán và một phó giám đốc đã gần 50. Bà phó giám đốc thường xuyên đi công tác nên chỉ có mình chị Duyên đối mặt với hơn chục người đàn ông trong văn phòng.
Những trò như tụ tập mở phim cấp ba xem và mở volum to hết cỡ để "tra tấn" chị lúc các sếp đi vắng là chuyện thường. Mỗi lần một người trong bọn sưu tập được phim, ảnh nóng hoặc những câu chuyện gợi dục, thông tin sẽ được chia sẻ đều cho các mail của cả bọn, trong đó có chị Duyên. Mỗi lần chị ăn mặc xinh xắn, đổi mới tí chút, lập tức đối mặt với hàng loạt lời chọc ghẹo, trêu đùa quá lố của đồng nghiệp.
Chưa chồng, tính bẽn lẽn, chị Duyên không dám tâm sự với ai. Lâu dần, mỗi lần lên công ty với chị như một gánh nặng. Chị còn sinh ra cảm giác sợ cả đàn ông, ra đường hay giao tiếp bên ngoài có người đàn ông nào có thái độ thân mật là chị sợ hãi, né tránh. Thấy tâm lý bất ổn, chị đành quyết tâm xin nghỉ dù tiếc chỗ làm nhàn hạ mà lương cao.
Những trường hợp như chị Duyên không hiếm tại các công sở hiện nay. Một chủ đề "quấy rối nơi công sở" vừa mở ra trên một diễn đàn dành cho phụ nữ, đã nhận được sự hưởng ứng, chia sẻ tràn ngập của những phụ nữ làm việc nơi công sở. Có người bị sếp quấy rối, có người bị đồng nghiệp nam chung quanh, có người còn bị cả... bảo vệ công ty sàm sỡ. Ứng xử chung của rất nhiều chị em là im lặng chịu đựng, vì cho là chuyện nhỏ, làm rùm beng sợ mất mặt, phiền phức, ảnh hưởng công việc.
Chị Lưu Thị Quỳnh Như, nhân viên truyền thông một công ty tại toà nhà ngay trung tâm thành phố, kể một câu chuyện rất đáng lưu tâm. Công ty chị có vị giám đốc thích "táy máy", dù bên ngoài trông rất đạo mạo. Với lý do công việc, vị sếp thường xuyên có những trao đổi riêng với các nhân viên công ty, và mỗi khi "gặp riêng" các nhân viên nữ, vị giám đốc này bao giờ cũng sàm sỡ.
Sợ bị đuổi việc, và vì sự việc cũng chưa đi quá xa, nên ai cũng im lặng "ngậm đắng nuốt cay". Nghĩ mình là nạn nhân duy nhất, vì vị giám đốc luôn một mực "em xinh nhất công ty, anh rất có cảm tình với em", nên các chị không ai dám tâm sự với ai. Chỉ khi một nhân viên nữ vì có xích mích với ông giám đốc này, bị sa thải, sự việc mới được tung hê ra ngay trước mặt cả giám đốc lẫn nhân viên, mọi người mới vỡ lẽ mình không phải là trường hợp duy nhất.
Từ đó, các chị em trong công ty của chị Như có một thoả thuận, là khi vào "nhận chỉ thị" của giám đốc thì không được khép cửa, nếu vào lâu chưa thấy ra thì các chị em khác phải vờ vào phòng xin ý kiến vì một việc vớ vẩn nào đó để "giải cứu".
Dũng cảm lật mặt "sếp thích táy máy"
Chị Hồ Thị Hạnh, nhân viên marketing một công ty sản xuất bánh kẹo chia sẻ: "Nói chị em không dám phản ứng mạnh, không dám đưa sự việc ra ánh sáng là nhu nhược, thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân thì tôi nghĩ chưa chính xác. Tôi biết có những người phụ nữ khá mạnh mẽ nhưng vẫn phải chấp nhận cảmh bị lạm dụng, bị quấy rối nơi công sở, đó là trường hợp khi họ ý thức được họ nói ra cái mất nhiều hơn cái được.
Một chị nhân viên thiết kế ở công ty cũ của tôi có lần đứng ra tố cáo sếp giám đốc bộ phận quấy rối, thậm chí suýt cưỡng hiếp chị. Nhưng ông giám đốc này là một chuẩn mực trong mắt mọi người về sự đàng hoàng, tư cách đạo đức tốt, yêu thương chung thuỷ vợ con... nên đa phần chẳng ai tin chị.
Đến khi chị nghỉ việc, chẳng biết có phải mối quan hệ ông này rộng quá hay không mà chị đi công ty nào cũng bị xì xầm, ghẻ lạnh vì cái tiếng "hay vu khống", một thời gian dài chẳng ổn định được công việc. Thử hỏi, với kết quả như vậy, những người còn lại, nếu có bị quấy rối thì cũng đành ngậm bồ hòn chứ làm sao ra mặt được?.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều ý kiến trái chiều với chị Hạnh. Chị Minh Nhi, kế toán công ty TNHH Lâm Hằng cho rằng: "Vẫn có những câu chuyện nhân viên bị đì, bị tẩy chay, đuổi việc khi công khai cai sự "dê cụ" của sếp, nhưng theo tôi, đó không phải là lý do để phụ nữ chúng ta có thể "chùn chân, ngậm miệng" trước những hành xử này. Vả lại, nếu xảy ra những trường hợp như vậy, cũng là do nạn nhân có ứng xử chưa được khéo lắm trong việc "vạch mặt" kẻ quấy rối.
Công ty cũ của tôi đã từng có một cuộc "cải cách lãnh đạo", khi hai ông sếp là giám đốc điều hành và phó giám đốc phụ trách nhân sự bị hội đồng quản trị hội ý và cho "ra đi" vì tật không đàng hoàng với chị em.
Khởi nguồn từ một chị văn thư. Hết bị ông này đến ông kia sàm sỡ, sờ soạng, thậm chí còn thường xuyên hỏi những câu đại loại "đồ lót em hôm nay màu gì", “tối nay chồng có nhà không, đi ăn rồi đi ngủ thân mật với anh”…, chị văn thư ức lắm nhưng không dám manh động vì chỉ một mình mà "chống" với cả hai ông thì không nổi.
Ứng xử của chị là lân la với các chị em, tâm sự, than thở, tìm sự đồng cảm. Sau khi tìm được một số không nhỏ chị em cùng chịu đựng cảnh như mình, chị tác động, thuyết phục họ cùng làm đơn tố cáo gửi lãnh đạo công ty. Sự việc nổ ra, cả công ty ai cũng ủng hộ chị, trước sức ép đó, hai "ông to" kia không thể tiếp tục làm việc".
Có thể thấy, không phải là không có những cách ứng phó với các “dê cụ” sao cho vừa vạch mặt được kẻ xấu, vừa không bị ảnh hưởng đến bản thân. Ngoài ra, lời khuyên của các chuyên gia đưa ra trong hoàn cảnh này là: Luôn nhận thức rõ được rằng người khác sẽ phản ứng như thế nào đối với những lời bình luận hay hành vi của bạn.
Hãy thông báo với mọi người biết khi phát hiện ra những người khác có liên quan tới quấy rối tình dục hay những hành vi bi coi là xúc phạm và không thích hợp nơi làm việc; Thẳng thắn và kiên định nói thẳng với những người có hành vi quấy rối tình dục.
Nếu như hành vi quấy rối tình dục vẫn cứ tiếp diễn, hãy đề nghị người khác giúp đỡ; Cuối cùng, đều cần nhất là phải tâm sự chia sẻ với ai đó.
Lê Phương Thảo