Triển khai chế định Thừa phát lại

(PLO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Đây là kế hoạch nhằm xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Nghị quyết 107/2015/QH13 bảo đảm thống nhất và hiệu quả; xây dựng, vận hành cơ chế phối hợp hiệu quả, thông suốt giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện chế định Thừa phát lại trên phạm vi cả nước.
Trong quý I/2016, Bộ Tư pháp chủ trì hoàn thành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi bổ sung: Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh; Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn thi hành để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Thừa phát lại.
Cũng trong quý I và quý II/2016, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng chương trình, nội dung đào tạo nghề thừa phát lại; tổ chức đào tạo nghề thừa phát lại.
Từ quý I/2016, tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện chế định Thừa phát lại, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục triển khai Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại đã được Bộ Tư pháp phê duyệt và thành lập mới các Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương.
Quý II/2016, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện chế định Thừa phát lại, Bộ Tư pháp có văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chưa thực hiện để đề nghị đăng ký và xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại tại địa phương mình. Trên cơ sở đăng ký của các địa phương, căn cứ yêu cầu, tiêu chí do Chính phủ quy định, Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án sau khi thống nhất ý kiến với TANDTC , VKSNDTC./.

Đọc thêm