Đứng đầu thứ tự ưu tiên trong rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp là các văn bản để các cơ quan Nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp. Như việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán các tòa án khác; việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền, quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như Luật Báo chí, Luật về hội, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình... dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2020.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, mặc dù thời gian gấp gáp để triển khai Hiến pháp nhưng cần phải rà soát, sắp xếp có thứ tự ưu tiên từng việc đảm bảo tính hợp lý và khoa học. Theo đó, ông đề nghị ưu tiên sửa ngay những quy phạm hiện hành trái với Hiến pháp, tiếp đến là đến những quy phạm hiện hành không trái song chưa đầy đủ so với Hiến pháp thì cần bổ sung, cuối cùng là nghiên cứu xây dựng pháp luật mới để lấp vào “khoảng trống” những quy định được quy định trong Hiến pháp mà pháp luật hiện hành chưa quy định.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm này bởi việc để luật có quy định trái Hiến pháp là điều cấm kỵ, tuy nhiên, phải làm sao để hoạt động xã hội diễn ra bình thường. Điều đó có nghĩa là không nên quá suốt ruột mà cần phải rà soát lại hệ thống pháp luật và thực hiện sửa theo đúng trình tự ưu tiên.
Về rà soát lại các luật, văn bản pháp luật trái với Hiến pháp thì Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu đề nghị Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ban soạn thảo Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các cơ quan liên quan thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên: Tổng rà soát các văn bản pháp luật có liên quan
|
Về tổng thể, chúng ta phải tổng rà soát các văn bản pháp luật có liên quan để có sự điều chỉnh phù hợp. Trong đó, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước phải được ưu tiên rà soát để sửa đổi sớm và có hiệu lực như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật về HĐND và UBND; đồng thời cũng phải rà soát hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vì vấn đề mới nhất của Hiến pháp sửa đổi lần này là vấn đề quyền con người và được cộng đồng quốc tế, nhân dân rất hoan nghênh.
Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung nhận được nhiều góp ý nhất trong quá trình lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức đối với Hiến pháp sửa đổi là quy định về chính quyền địa phương. Nhiệm vụ đặt ra tới đây là cần tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Quốc hội.
Trên cơ sở này, cùng với các nghiên cứu khác, sẽ xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần xác định cấp chính quyền địa phương để tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với tinh thần mới. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng luật về chính quyền địa phương và luật về phân cấp; xây dựng luật về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập mới, giải thể, chia, tách địa giới hành chính.