Vui mừng chào đón ngài Đại sứ cùng đoàn tham dự Phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhắc lại, Phiên họp lần thứ 2 hồi đầu năm 2019 đã kết thúc tốt đẹp với kế hoạch hoạt động đầy tham vọng được thông qua. Tại Phiên họp này, các bên cùng ngồi lại đánh giá về những kết quả rất tích cực đã đạt được bằng sự nỗ lực, cố gắng hết sức mình của cả Việt Nam, EU, Liên hợp quốc và các tổ chức tham gia Dự án. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, quá trình thực hiện kế hoạch năm 2019 không thể tránh được những tồn tại, thiếu sót.
Theo Thứ trưởng, năm 2020, đối với đất nước Việt Nam là 1 năm rất đặc biệt - là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020. Hơn nữa, năm 2019 vừa qua, các cơ quan Việt Nam đã tổ chức đánh giá nhiều văn bản, chiến lược về cải cách tư pháp, pháp luật để kỳ vọng 2020 sẽ có định hướng, giải pháp thực hiện tốt hơn công tác cải cách pháp luật, tư pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 3 |
Vì vậy, với sứ mệnh của Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng nhấn mạnh: Ngoài việc đánh giá lại kế hoạch thực hiện từ đầu năm 2019, nhìn nhận những tồn tại, những việc chưa thực hiện được, tìm ra nguyên nhân của các hoạt động năm 2019 với mục tiêu khắc phục tốt hơn trong năm 2020 thì cần tập trung thảo luận thông qua kế hoạch hoạt động năm 2020 của Dự án sao cho Phiên họp 3 đạt kết quả tốt đẹp.
Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định, trong suốt 20 năm qua, EU đã hỗ trợ Việt Nam về lĩnh vực quản trị công và đối thoại Nhà nước pháp quyền. Trọng tâm ưu tiên trong hợp tác 2 bên này chính là hỗ trợ cho quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Đại sứ EU đánh giá cao những kết quả đã đạt được |
Cũng trong năm qua, EU đã đưa ra nghị quyết cải cách tư pháp trong bối cảnh phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Ngoài ra, để thực thi Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị, tháng 8/2019, EU đã có báo cáo định kỳ về Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước của Việt Nam, liên quan đến tăng cường hệ thống xét xử độc lập, công bằng. Với những nội dung này, Đại sứ EU bày tỏ sự vui mừng được hỗ trợ cho Bộ Tư pháp.
Đối với nội dung về nhân quyền, Đại sứ EU đánh giá, trong cơ chế đối thoại Nhà nước pháp quyền thì Việt Nam đã tích cực thực hiện quyền của nhóm yếu thế như người khuyết tật, người bị bạo lực trên cơ sở giới… và đề nghị đưa vào nội dung hợp tác giữa hai bên thời gian tới.
Toàn cảnh Phiên họp Ban Chỉ đạo Dự án EU JULE |
Tuy có sự chậm trễ ở giai đoạn đầu nhưng năm 2019, Dự án đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng như Hợp phần Pagoda với khoảng 30 hoạt động. Mặc dù mối quan hệ giữa 2 bên phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có thách thức cần lưu ý, nhất là chương trình năm 2020 còn có nhiều tham vọng hơn nữa so với năm 2019. Với sự tích cực của Bộ Tư pháp và các cơ quan tham gia, Đại sứ EU hy vọng các mục tiêu đề ra đều sẽ đạt được.
Cảm ơn sự hợp tác hiệu quả của các đối tác Việt Nam trong các dự án của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Kamal Mahotra khuyến nghị các hoạt động cần dựa trên những nền tảng đã hoàn thành năm trước, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả hơn nữa, trong đó có tiếp cận tư pháp cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Ông cũng nhận định, EU JULE là một trong những dự án quan trọng nhất của Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Ông Kamal Mahotra khẳng định Dự án EU JULE là một dự án quan trọng ở Việt Nam của Liên hợp quốc |
Các đại biểu dự Phiên họp lần thứ 3 đã nghe báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2019 của Hợp phần Pagoda, Hợp phần JIFF; đánh giá khái quát tình hình thực hiện Dự án năm 2019, đề xuất các định hướng triển khai Dự án, dự kiến Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Dự án.
Ban Chỉ đạo Dự án cũng đã trao đổi, thống nhất về định hướng triển khai thực hiện Dự án, kế hoạch hoạt động năm 2020 của Dự án, cách thức triển khai thực hiện Dự án năm 2020.