Triển khai Luật Ban hành VBQPPL mới: Chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết

(PLO) - Đây là một trong những nhiệm vụ chủ yếu những tháng cuối năm 2015 được Bộ Tư pháp xác định trong công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.
Toàn cảnh Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Toàn cảnh Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Chất lượng văn bản được nâng cao
Bộ Tư pháp cho biết, công tác xây dựng, ban hành văn bản, đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được thực hiện nghiêm túc hơn, việc điều chỉnh tiến độ trình các văn bản, đề án cơ bản được khắc phục. 
Trong 7 tháng đầu năm, các bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 120 văn bản (65 nghị định, 33 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 22 thông tư), trong đó có 53 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. 
Chất lượng các văn bản, đề án nhìn chung được nâng lên, có tác động tích cực tới đời sống xã hội. Riêng Bộ Tư pháp đã trình 14/17 văn bản, đề án có thời hạn phải trình trong 7 tháng đầu năm 2015, đạt tỷ lệ 82,3%; hoàn thành 05/05 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đạt tỷ lệ 100%.
Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 7 tháng đầu năm 2015 đã ban hành 1.612 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014; việc ban hành VBQPPL cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ và quy trình soạn thảo, đáp ứng kịp thời yêu cầu chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn. 
Công tác thẩm định VBQPPL ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng và gắn kết chặt chẽ hơn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Tính đến tháng 7/2015, toàn ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 4.391 dự thảo VBQPPL, trong đó có 3.903 dự thảo VBQPPL do các cơ quan tư pháp địa phương thẩm định; riêng Bộ Tư pháp đã thẩm định 147 văn bản (trong đó có 48 điều ước quốc tế); Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ đã thẩm định 368 văn bản. Nhìn chung, các ý kiến thẩm định dự thảo VBQPPL đã được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trước khi hoàn chỉnh và là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Việc góp ý VBQPPL được toàn Ngành chú trọng thực hiện, ngày càng đi sâu vào chất lượng, nhất là bảo đảm tính khả thi của văn bản. 
Tính đến tháng 7/2015, các bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 22.616 VBQPPL (tăng 354 văn bản so với cùng kỳ năm 2014); qua kiểm tra, phát hiện 441 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền (giảm 312 văn bản so cùng kỳ năm 2014). 
Riêng Bộ Tư pháp, trong 7 tháng đầu năm đã kiểm tra 1.703 văn bản, bước đầu phát hiện 14 văn bản sai về thẩm quyền ban hành văn bản và về nội dung văn bản, 321 văn bản sai sót về hình thức, hiệu lực, căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình. 
Trên cơ sở 14 văn bản sai về nội dung và thẩm quyền được phát hiện nêu trên, Bộ đã chỉ đạo tiến hành xem xét, xử lý và đã có 14 Thông báo kiểm tra văn bản (gồm 08 văn bản cấp bộ, 06 văn bản địa phương)­­­­. Tính đến nay, đã có 07 văn bản được xử lý, 02 văn bản đã nhận được thông tin về hướng xử lý, 05 văn bản đang trong thời hạn xử lý.
Hoàn thành tốt việc lấy ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận số lượng các dự án luật, pháp lệnh xin lùi thời hạn trình Chính phủ tương đối nhiều, với 11 dự án. Vẫn còn dự án luật phải xin rút khỏi Chương trình, xin lùi thời hạn trình Quốc hội như Luật Biểu tình, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Dân số. 
Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được giải quyết vững chắc, số lượng văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng là rất lớn, với 101 văn bản, tăng 51 văn bản so với cùng kỳ năm 2014 (50 văn bản). Việc ban hành các thông tư, thông tư liên tịch còn chậm tiến độ, ít có chuyển biến. 
Chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện một bước nhưng vẫn còn để lọt nội dung thiếu tính khả thi, chưa hợp lý. Việc xử lý các VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật còn chậm hoặc chưa đạt yêu cầu, có trường hợp văn bản trái pháp luật vẫn được áp dụng dẫn đến tác động tiêu cực, thậm chí gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Bên cạnh hoàn thành tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo Kế hoạch của Chính phủ; chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL mới được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2015 này là tổng kết 10 năm thi hành Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; tổng kết công tác cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2011 - 2015 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 

Đọc thêm