Bức xúc và lo lắng
Đó là tâm trạng chung của nhiều người khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT trong những ngày đầu năm. Ngoài những băn khoăn chung quanh một số điểm mới trong Luật BHYT như việc đồng chi trả (5-20%) và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh do tai nạn giao thông, điều khiến nhiều người bức xúc trước thời điểm “chuyển giao” giữa thẻ BHYT cũ và mới.
Sáng 7-1, ngay cửa phòng đón tiếp Bệnh viện đa khoa quận Ngô Quyền có dán giấy thông báo quy định mới: “Thẻ BHYT còn thời hạn, nhưng không có giá trị lưu hành phải chuyển đổi sang thẻ mới. Với đối tượng hưu trí, mất sức, chính sách, người dân phải đến UBND phường đổi lại thẻ BHYT”. Trong số những người đăng ký khám bệnh, có người được giới thiệu đến các phòng khám, có người phải ra về với thái độ hậm hực, khó chịu. Nguyên nhân chung quy lại cũng tại cái thẻ bảo hiểm!
Bà Nguyễn Thị Xuân ở nhà số 174 phố Lạch Tray, quận Ngô Quyền, cán bộ hưu trí, bị viêm phổi, sau thời gian điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa quận, bà đề nghị được giới thiệu lên tuyến trên, nhưng các nhân viên cho biết thẻ BHYT của bà không còn giá trị. Bà Xuân thắc mắc cho rằng, thẻ BHYT của bà còn thời hạn sử dụng đến tháng 12 năm 2010, tại sao không được áp dụng với bệnh viện tuyến trên. Sau một hồi được giải thích, bà Xuân mới hiểu quy định: từ 1-1-2010, thẻ BHYT cũ không còn giá trị lưu hành. Tất cả những thẻ BHYT còn thời hạn, phải đổi sang thẻ mới.
Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Lan ở tổ 4, phường Đông Khê, quận Ngô Quyền do chưa đến kỳ phát lương hưu, cán bộ phường chưa chuyển thẻ BHYT mẫu mới cho bà. Khi mang thẻ bảo hiểm cũ đến khám bệnh, bà phải “nói khó” mãi, nhân viên bệnh viện đồng ý để bà được khám bệnh với điều kiện xuất trình chứng minh nhân dân.
Tất cả các trường hợp khám chữa bệnh BHYT vì lý do nào đó chưa được thanh toán tại cơ sở khám chữa bệnh thì đem chứng từ về cơ quan BHXH quận, huyện để được thanh toán. *Mọi thắc mắc về khám chữa bệnh BHYT, thẻ BHYT mới gọi về đường dây nóng của cơ quan BHXH: 0313.842196; 0313.601602; 0913.531095 và 0313.746937. |
Hay như trường hợp ông Trần Viết K, có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện đa khoa quận Hồng Bàng nhưng do bệnh nặng, ông muốn được chuyển lên Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp để chuyển tiếp lên bệnh viện Bạch Mai khám và chữa bệnh. Từ 29-12-2009, ông gặp cán bộ LĐTB-XH của phường để đổi thẻ. Do phải chờ quá lâu, ông đến cơ quan BHXH thành phố để đổi thẻ, nhưng cũng phải đến ngày 7-1 mới nhận được thẻ mới để làm thủ tục chuyển viện.
Ông Mai Tùng Vĩnh ở gác 2, số nhà 136 Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An cho biết: “Hôm nay bệnh viện còn “thoáng” với những trường hợp thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng, nhưng chưa kịp đổi thẻ mới. Ngày 5-1, nhiều người đến đăng ký khám bệnh bằng thẻ BHYT cũ đều không được khám. Là một trong những người phải ra về hôm ấy, tôi thấy thủ tục phức tạp quá, quy định mới thì phải thông báo rộng rãi và linh động một chút. Bệnh có chờ được việc thay thẻ bảo hiểm đâu”.
Không được may mắn như bà Xuân, bà Lan, bà Nguyễn Thị Nhường ở phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền được cấp thẻ BHYT dành cho hộ nghèo, thẻ của bà có giá trị đến ngày 31-12-2009, nhưng đến ngày 7-1 chưa được nhận thẻ mới. Khi đến Bệnh viện đa khoa quận Ngô Quyền, bà không được đăng ký khám bệnh và các nhân viên ở đây nói rằng muốn được khám bệnh thì bà phải nộp tiền! Do bà Nhường không mang theo tiền, đành quay về…
Nhiều người chưa biết quy định mới
Do nhiều người vẫn chưa biết điểm mới trong Luật BHYT và chưa nhận được thẻ BHYT mới dẫn đến tâm lý bức xúc, lo lắng trước những vướng mắc trong vấn đề khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT sau 1-1-2010. Làm việc với cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố, chúng tôi được biết: Thực hiện Luật BHYT mới, ngành BHXH tích cực rà soát lại các đối tượng tham gia BHYT và tiến hành in thẻ mới. Đến ngày 31-12-2009, 100% thẻ BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT đã được in xong. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT mới vì còn 2 huyện chưa tập hợp danh sách gửi sang cơ quan BHXH, do đó việc in thẻ phải lùi lại. Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng quyền lợi BHYT, Giám đốc cơ quan BHXH thành phố quyết định: “Tất cả trẻ em dưới 6 tuổi chưa có thẻ BHYT mới được khám; chữa bệnh theo thẻ cũ. Với trường hợp trẻ chưa có thẻ thì chỉ cần có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh là được khám chữa bệnh và thanh toán BHYT”.
Vậy do đâu thẻ BHYT mới chậm đến tay người dân? Theo Trưởng phòng giám định BHYT Bảo hiểm xã hội thành phố Cao Đức Thoan, số thẻ BHYT mới được chuyển giao cho phòng lao động- thương binh và xã hội các quận, huyện và đại diện chi trả lương hưu ở địa phương. Do đó, nhiều địa phương đợi đến kỳ phát lương hưu hàng tháng (ngày mồng 5) mới chuyển toàn bộ số thẻ này. Còn các phòng lao động- thương binh - xã hội phải mất thời gian chuyển về các xã, thôn lại vướng vào mấy ngày nghỉ Tết dương lịch nên thẻ BHYT chậm đến tay người dân dẫn đến thực trạng trên.
Khắc phục tình trạng này, ngay trong ngày 7-1, BHXH thành phố có công văn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố thực hiện khám, chữa bệnh theo thẻ BHYT mới. Những trường hợp vì lý do khách quan người tham gia BHYT chưa nhận được thẻ BHYT mới, tạm thời sử dụng thẻ BHYT theo mẫu cũ (trong trường hợp còn giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2009) để khám chữa bệnh BHYT và quyền lợi của các đối tượng này được bảo đảm theo đúng quy định của Luật BHYT. Trường hợp thẻ BHYT hết hạn trước ngày 1-1-2010, nếu chưa nhận được thẻ mới, người bệnh tự thanh toán chi phí với cơ sở khám chữa bệnh sau đó mang chứng từ về cơ quan BHXH thanh toán trong trường hợp người bệnh tiếp tục tham gia BHYT.
Nhóm phóng viên xã hội