Tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 38.000 cơ sở chăn nuôi, trong đó 7/13 địa phương có lợn nhiễm bệnh với trên 2.000 con. Số lượng tiêu huỷ lên tới gần 100 tấn. Nguyên nhân phát sinh dịch bệnh tả lợn Châu Phi phần lớn do chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học. Tại thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất chăn nuôi khi tỉ lệ chết gần như là 100%
Căn cứ Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Căn cứ Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025”; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về Về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành phố Móng Cái được lựa chọn triển khai thí điểm tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi.
Ngay từ sáng sớm 29/7, lực lượng cán bộ thú y thuộc các Tổ công tác của hai xã Hải Xuân và Hải Tiến đã có mặt tại các hộ chăn nuôi để triển khai thực hiện tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn đảm bảo theo kế hoạch của Thành phố.
Cán bộ thú y tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi tại hai xã Hải Xuân và Hải Tiến |
Vắc xin được sử dụng là AVAC ASF LIVE của Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất theo Kế hoạch số 4165/KH - SNN & PTNT ngày 24/7/2024 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trong đợt này, 3000 liều vắc xin được sử dụng để tiêm thực nghiệm trên địa bàn 2 xã Hải Tiến và Hải Xuân (thành phố Móng Cái).
Hiện nay trên địa bàn thành phố Móng Cái có khoảng 15.000 con lợn. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp, thành phố đã được tỉnh chọn là địa phương tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi.
Sau khi tiêm phòng, chủ hộ chăn nuôi cùng cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp theo dõi, giám sát trong 21 ngày, thực hiện các biện pháp kỹ thuật và xử lý rủi ro sau tiêm phòng.
Thông qua việc triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Móng Cái nhằm đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắc xin trên đàn lợn tại thực địa, góp phần đảm bảo an toàn chăn nuôi, phát triển sản xuất trên địa bàn.
Chủ hộ chăn nuôi cùng cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp theo dõi. |