Khai mạc ngày 21/12/2021, triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” tái hiện bằng 110 bài thơ của nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung, người có cơ duyên gặp gỡ, viết nhiều bài báo, nhiều bài thơ về vị tướng tài ba trong suốt hơn 20 năm qua; là dấu mốc ghi lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như cuộc sống đời thường của vị Tổng tư lệnh toàn quyền Võ Nguyên Giáp và tình cảm nhân dân dành cho ông, đặc biệt là sau khi Đại tướng qua đời ở tuổi 103
Trình bày quy mô trên 92 tấm panô in lụa và khung tre ngà, với hình ảnh minh hoạ do Thông tấn xã Việt Nam và nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng cung cấp, triển lãm là món quà ý nghĩa và lời tri ân, tưởng nhớ vị tướng nhân hậu của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một thiên tài quân sự của thế giới với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lần đầu tiên một cuộc triển lãm thơ diễn ca lịch sử và nhân vật lịch sử mang tên “Theo dấu chân Đại tướng” tri ân Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Tướng Peter McDonald, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh, đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn nhất thời đại. Với 30 năm làm Tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ người dân Việt Nam, hay giới sử học trong nước đều một lòng tôn kính và khâm phục mà ngay cả những học giả nước ngoài cũng dành rất nhiều sự sự kính trọng, ngưỡng mộ cho Đại tướng khi nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vị Tổng tư lệnh toàn quyền đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nhà sử học quân đội Mỹ Cecil Currey, trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá” đã nhận xét: “Trong suốt thời gian đó, ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20 và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại… Ông Giáp là vị tướng quân duy nhất trong lịch sự hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà vẫn liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)… Ông Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân… là một vị tướng hậu cần vĩ đại nhất của mọi thời đại”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh, tháng 1/1954. |
Các tài liệu tại triển lãm “Theo dấu chân Đại tướng” xuyên suốt theo 3 chủ đề:
Làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Giới thiệu về toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng đối sách chiến đấu, từng trận chiến giằng co trên chiến trường Điện Biên Phủ gắn với những địa danh huyền thoại: Đồi A1, đồi C1, đồi E1, Cánh đồng Mường Thanh, Hồng Cúm, đồi Độc lập, đồi Him Lam, hầm Đờ cát... ;
Vị tướng trong lòng dân: Giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về một vị Tướng huyền thoại, một nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Đó là những phút giây bình dị an nhiên giữa đời thường, hay những khoảnh khắc phiêu bồng của một tâm hồn nghệ sĩ, hoặc giản đơn là nụ cười ấm áp với những người thân trong cuộc sống thường nhật. Bên cạnh đó chủ đề cũng giới thiệu tình yêu, sự trân trọng và cảm phục của Đại tướng dành cho những bà mẹ Việt Nam, các nữ chiến sĩ...; Sự quan tâm, cổ vũ dành cho các chiến sĩ trên mọi mặt trận và tình yêu của nhân dân, đồng đội dành cho vị Đại tướng anh hùng;
Sáng mãi ngàn năm: Khẳng định tình yêu, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tình yêu và sự kính trọng dành cho Đại tướng qua những khoảnh khắc xúc động trong ngày lễ quốc tang, tiễn đưa Đại tướng về quê nhà Quảng Bình).
Bữa cơm gia đình của Đại tướng và phu nhân trong ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, tháng 10.1994. Ảnh Trần Hồng |
Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung sinh năm 1939 ở Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, bà về công tác tại Trường trung học phổ thông Hải Hậu (Nam Định); Nguyễn Trãi, Đoàn Kết (Hà Nội). Bà còn là Ủy viên Ủy ban Hành chính huyện Hải Hậu, Nam Định rồi cán bộ chỉ đạo của Vụ cấp 3 Bộ Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Hơn 30 năm cầm bút, bà có 10 tập thơ, 3 tác phẩm tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, 7 tập bút ký xuất bản riêng và gần 100 tác phẩm in chung.
Bà đã viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng mưu lược dũng mãnh và đầy bản lĩnh trên chiến trường nhưng vô cùng bình dị, ấm áp trong đời thường. Với lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu nặng Đại tướng, bà đã xuất bản sách “Tri ân Đại tướng – Người hiền” nhân 100 ngày mất của Đại tướng.
Nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Đặc biệt, bà đã dốc tâm huyết và trí tuệ sáng tác hàng trăm bài thơ – diễn ca “Theo dấu chân Đại tướng”, với lòng luôn ấp ủ, canh cánh, khát khao muốn tổ chức một cuộc triển lãm nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp để hòa trong tiếng lòng tri ân và ngưỡng mộ của toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với vị Đại tướng huyền thoại.
“Tôi được vinh dự gặp Đại tướng lần đầu tiên vào mùa xuân 1998,” bà Nguyễn Thị Mỹ Dung tâm sự. “Xúc cảm với câu chuyện Đại tướng với cây đàn piano của nhà văn Đào Vũ, tôi đã có một bài báo đăng trên Thể thao & Văn hoá. Nhờ đó, tôi đã có cơ hội đến thăm Đại tướng ở nhà riêng. Những câu chuyện giản dị, chân tình của nhiều lần gặp gỡ sau đó là nguồn cảm hứng cho những bài báo, những khúc diễn ca bằng thơ của tôi trong nhiều năm tháng sau này, kể cả sau khi Đại tướng đã ra đi”.
Trong lễ khai mạc triển lãm, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết, bà rất vui sướng khi triển lãm ra mắt công chúng. Chia sẻ về lý do thực hiện triển lãm, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung cho hay bà đã nghiên cứu rất nhiều sách báo, tài liệu về Đại tướng để hiểu rõ về sự nghiệp và cuộc đời vị Tổng tư lệnh. Sau đó, bà lên Điện Biên, thăm lại chiến trường xưa, những địa danh nổi tiếng và cả nghĩa trang nơi các chiến sỹ nằm xuống.
“Đi đến đâu tôi cũng hình dung ra bóng dáng Đại tướng đang làm việc, đang chỉ huy chiến dịch. Theo dấu chân Đại tướng, những tứ thơ bắt đầu xuất hiện trong tôi,” bà tâm sự.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thân tình trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mỹ Dung tại nhà riêng, 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, năm 2005. |
“Một đời cầm bút, hôm nay tâm huyết và trí tuệ của tôi thể hiện qua 110 bài thơ viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giới thiệu với công chúng khiến tôi rất hạnh phúc. Tôi vô cùng tri ân và ngưỡng mộ Đại tướng. Tiếng lòng của tôi cũng là tiếng lòng của toàn dân và bạn bè trong, ngoài nước hướng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi không chỉ nói cho mình, mà còn nói cho nhiều người khác. Đại tướng tuy đã ra đi nhưng tài năng và cốt cách của người vẫn còn mãi trong lòng dân", bà chia sẻ.
Cùng ngày, UBND tỉnh, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên cùng nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng thành phố Điện Biên Phủ đã tổ chức trọng thể lễ rước, an vị Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu tưởng niệm thuộc di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên cho biết, việc chọn khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ là nơi an vị Tượng thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa rất quan trọng bởi nơi đây là nơi ghi đậm dấu ấn vị tướng của lòng dân, nơi vị Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu.
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911-25/8/2021) diễn ra vào ngày mai 22/12 tại tỉnh Quảng Bình và được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia với nhiều hoạt động ý nghĩa, trang trọng. Theo kế hoạch trước đó, lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức đúng vào ngày 25/8. Vì điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo lùi thời gian tổ chức vào thời điểm thích hợp. Hiện tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, Trung ương và tỉnh Quảng Bình nhất trí tổ chức lễ kỷ niệm vào ngày 22/12, đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.