Ngày 9/10, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai mạc triển lãm “Bảo vật hoàng cung”. 13 bảo vật trưng bày đều có chất liệu chính bằng vàng khối và ngọc quý, được chọn ra từ hàng trăm bảo vật vương triều Nguyễn đang lưu giữ tại đây.
|
Kiếm vàng triều Nguyễn đúc vào TK 19, nặng 1,25 kg. |
Bảo vật triều Nguyễn
Trong số đó, đang chú ý nhất là 3 chiếc kim ấn bảo tỷ - vốn được gọi là bảo vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vương triều Nguyễn và được chuyển giao qua những triều đại khác nhau. Ngoài chiếc ấn ngọc Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ, 2 chiếc ấn còn lại đều bằng vàng ròng, được đúc vào tháng 10 năm Minh Mạng 8 (1827). Trong đó, chiếc kim ấn Sắc mệnh chi bảo nặng 8,5 kg, gồm hai cấp, có hình vuông, trên ấn có hình rồng đầu ngẩng, 2 sừng dài, đuôi xòe 9 dải hình ngọn lửa, lưng ấn khắc hai dòng chữ Hán: “Thập tuế hoàng kim nhị bách nhị thập tam lạng lục tiền - Minh Mạng bát niên thập nguyệt cát nhật tạo”. (Vàng 10 tuổi nặng 223 lạng 6 tiền - đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8, 1827).
|
Ấn vàng Hoàng đế tôn thân chi bảo nặng 8,7 kg. |
Chiếc kim ấn còn lại - Hoàng đế tôn thân chi bảo - có kích thước to hơn, nặng 8,7 kg, khắc hai dòng chữ: “Thập bát kim, trọng nhị bách tam thập tứ lạng tứ tiền tam phân - Minh Mệnh bát niên thập nguyệt cát nhật tạo” (Nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân, khoảng 8,7 kg) đúc vào ngày lành tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 8, năm 1827).
10 bảo vật còn lại bao gồm kiếm vàng (2 chiếc), mũ vàng (2 chiếc), sách vàng (1 chiếc), ấm chén vàng (2 bộ)... Trong số đó, chiếc mũ bình thiên bằng vàng khối, chế tác trong thế kỷ 19, có trọng lượng 0,66kg, chiếc kiếm vàng An dân bảo kiếm có trọng lượng 0,58 kg, cuốn sách vàng chế tác năm Gia Long thứ 5 (1806) có trọng lượng 2,1kg... Như nhận xét của các chuyên gia trong ngành, đây là những bảo vật chế tác rất tinh xảo và được các vua Nguyễn sử dụng khá thường xuyên.
|
Mũ bình thiên đúc trong TK 19, nặng 0, 66 kg. |
Cơ hội 50 năm mới trở lại
Đây không phải là lần đầu tiên các bảo vật triều Nguyễn được trưng bày tại Hà Nội. Năm 1961, nhân dịp Quốc khánh 2/9, một số ít trong số các bảo vật này cũng đã được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng thời gian gần 50 năm từ đó tới nay là quá lâu đối với sự háo hức của người dân Hà Nội. Đa phần, những thế hệ sinh ra sau đó chỉ được biết tới những bảo vật này qua sách vở và những câu chuyện đậm màu sắc kỳ bí.
|
Sách vàng thời Gia Long đúc năm 1806, nặng 2,1 kg. |
Được biết, số bảo vật triều Nguyễn được Bộ Tài chính của chính quyền cách mạng tiếp quản vào tháng 8/1945. Tiếp đó, kho bảo vật này được đưa về lưu giữ tại nhà Viễn Đông bác cổ (nay là Bảo tàng Lịch sử VN). Năm 1961, khi trưng bày tại Hà Nội, một chiếc ấn vàng đã bị kẻ gian lấy cắp. Mặc dù đã tìm ra và kịp thu hồi, BTLSVN vẫn chuyển kho bảo vật quốc gia này sang lưu trữ tại Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo an toàn. Những năm sau đó, kho bảo vật được đưa đi cất giữ lần lượt tại nhiều địa phương khác nhau, trước khi được Bảo tàng Lịch sử VN tiếp nhận lại.
Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử VN, trong thời gian tới, khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia hoàn thành, toàn bộ kho bảo vật này sẽ được trưng bày phục vụ công chúng.
Ra mắt cuốn sách Cổ vật Việt Nam
Trong dịp khai mạc triển lãm Bảo vật Hoàng cung, BTLSVN cũng sẽ giới thiệu cuốn sách Cổ vật Việt Nam. Đây là công trình nghiên cứu được thực hiện từ năm 2008 bởi BTLSVN và Bảo tàng Bắc Kinh (Trung Quốc), cung cấp những nghiên cứu và tư liệu về cổ vật tiêu biểu của Việt Nam qua nhiều thời kỳ, bao gồm đồ đá, đồ đồng, đồ gỗ, đồ gốm, đồ kim hoàn... Sách được in bằng hai thứ tiếng Trung - Việt.