Triệt tiêu “mầm độc” giải trí trên ứng dụng mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, các nền tảng Internet lớn của Trung Quốc đã cam kết làm sạch không gian mạng và không trao cho những nghệ sĩ vi phạm pháp luật hoặc vô đạo đức cơ hội nhận được sự chú ý.
Hình minh hoa.
Hình minh hoa.

Có tổng cộng 14 nền tảng gồm Weibo (được so sánh như mạng xã hội Twitter của Trung Quốc), các trang phát nhạc và video như iQiYi, Tencent Video, QQ, nền tảng video ngắn Douyin (phiên bản tại Trung Quốc của TikTok) và ứng dụng tin tức Toutiao.

Động thái này gây nên sự quan tâm của làng giải trí châu Á. Ở Việt Nam, nhiều người liên tưởng đến sự “phát triển tự do” của thị trường giải trí Việt trên các nền tảng ứng dụng thời gian qua. Có thể thấy, nhờ Facebook, Tik Tok, Instagram hay Youtube, hàng loạt người từ vô danh đã thành sao nổi đình nổi đám, được mệnh danh “nghệ sĩ” dù chưa có một ngày hoạt động nghệ thuật.

Trong số đó, có không ít cá nhân không đem lại điều gì hữu ích cho khán giả ngoài những “trò ruồi” nhằm “câu view” trên mạng. Có nam thanh niên, được hâm mộ bởi những trò giả gái đến mức quá lố, thô kệch. Có thanh niên khác, nhờ thường xuyên lên tik tok… khoe những hình ảnh sống ảo, ăn chơi mà được nhiều người theo dõi. Có cả những trường hợp khoe thân, làm trò lố, hành vi phản cảm… để thu hút sự quan tâm của cư dân mạng và trở nên nổi tiếng.

Các nền tảng giải trí trực tuyến cũng là nơi để nhiều “sao” đã nổi hoặc mới nổi kinh doanh, kiếm thêm thu nhập bằng những màn bán hàng phản cảm. Đơn cử như có cặp đôi ca sỹ thường xuyên lên Facebook, Youtube livestream bán hàng với ngôn ngữ, hành vi không đứng đắn, ăn mặc “thiếu vải”, vuốt ve nhau trong khi đang phát trực tuyến trước hàng ngàn người xem. Hay như một nữ người mẫu vừa livestream bán mỹ phẩm, vừa nói tục, chửi thề và chửi nhau với khách hàng bằng những ngôn từ khiến người nghe phải… đỏ mặt.

Cạnh đó, không ít nghệ sĩ dùng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm giả, kém chất lượng, độc hại, hoặc chính bản thân kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Cơ quan quản lý đã không ít lần cảnh báo, xử phạt nhưng trước mối lợi lớn, một số nghệ sĩ vẫn tiếp tục.

Có thể thấy, việc “dẹp loạn” ngành giải trí trên các ứng dụng mạng xã hội thời gian qua vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa”. Và nhiều người khoác tấm áo nghệ sĩ vẫn tận dụng sự lỏng lẻo ấy để “rải” mầm độc hại đến khán giả, với mục đích không gì khác là thu hút càng nhiều khán giả, người hâm mộ thì độ nổi tiếng càng tăng, lợi nhuận càng nhiều.

Có lẽ, cuộc siết chặt của cơ quan quản lý ngành giải trí các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là bài học đáng tham khảo cho ngành giải trí trong nước. Một khi cơ quản lý chưa thể kiểm soát hết trước sự đa dạng của mạng xã hội, thì nên chăng cân nhắc đến việc bắt tay với chính các nền tảng để chính các nền tảng ấy siết chặt hành vi nghệ sĩ nói riêng và người dùng nền tảng nói chung. Cần phải có cuộc “tấn công” từ nhiều hướng, nhiều cách thì mới có thể phần nào loại bỏ bớt những mầm độc đang tràn lan trên không gian mạng thời gian qua.

Đọc thêm