Trong diễn biến căng thẳng mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, hôm qua (25/12), CHDCND Triều Tiên đã lên tiếng cảnh báo quan hệ hai miền Triều Tiên có thể phải đối mặt với “những hậu quả thảm khốc” nếu Chính phủ Hàn Quốc không nới lỏng các hạn chế đối với các công dân Hàn Quốc muốn viếng cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il.
|
Người dân Triều Tiên đi viếng cố lãnh đạo Kim Jong-il hôm 24/12. Ảnh: KCNA |
Bình Nhưỡng khẳng định thế giới đang thương tiếc “một nhân vật vĩ đại”, đồng thời tiếp tục lên án thái độ của Seoul đối với cái chết của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Trước đó, Triều Tiên đã công bố mở cửa biên giới cho mọi người dân Hàn Quốc muốn đến Bình Nhưỡng viếng và chia buồn trước mất mát của người dân Triều Tiên.
Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc chỉ cho phép hai đoàn cá nhân đi viếng ông Kim Jong-il, song không gửi một phái đoàn chính thức nào. Theo Đài phát thanh KBS, phái đoàn Hàn Quốc viếng ông Kim gồm 15 người, trong đó có những người thân của cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Chủ tịch tập đoàn Hyundai Hyun Jeong-eun, dự kiến sẽ tới Triều Tiên bằng đường bộ vào ngày hôm nay (26/12).
Theo quy định của pháp luật, Chính phủ Hàn Quốc là nơi cấp giấy phép cho những cá nhân và tổ chức muốn qua biên giới liên Triều cũng như bất cứ mối liên lạc nào với Bình Nhưỡng.
Kể từ hôm Bình Nhưỡng công bố tin cố lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, Hàn Quốc đã gửi lời chia buồn tới nhân dân Triều Tiên, bỏ kế hoạch thắp sáng cây thông Giáng sinh gần biên giới và cho phép người Hàn Quốc gửi email hoặc fax chia buồn với nhân dân Triều Tiên nhưng phải qua khâu kiểm duyệt.
Song cũng từ hôm đó, Hàn Quốc đã đặt quân đội trong tình trạng báo động, trong khi Triều Tiên hầu như chưa có bất kỳ động thái quân sự đáng kể nào. Truyền thông Triều Tiên tỏ thái độ tức giận dữ trước những phản ứng này từ phía Hàn Quốc.
Hãng tin AFP dẫn lời phát ngôn viên của Ủy ban tái thống nhất hòa bình Triều Tiên phát biểu với hãng thông tấn quốc gia nước này: “Chính quyền Hàn Quốc cần nhớ rằng sự cản trở của họ sẽ kéo theo những tai họa khôn lường cho mối quan hệ Bắc – Nam”.
Về tình hình bên trong CHDCND Triều Tiên, hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) đã gọi người con trai út Kim Jong-Un và được cho là người kế nhiệm cha là “nhà lãnh đạo tối cao các lực lượng vũ trang cách mạng” Triều Tiên.
Báo Rodong Sinmun, Cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng đăng xã luận nhan đề “Người chỉ huy tối cao của chúng ta”, trong đó viết ông Kim Jong-Un là “chỉ huy tối cao và vị tướng của chúng ta”.
Trong một diễn biến khác liên quan, theo hãng tin AFP, ngay sau khi thông tin Đại tướng Kim Jong-un đưa ra quân lệnh đầu tiên bị rò rỉ và lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng Hàn Quốc, Triều Tiên đã thay đổi tần số các kênh liên lạc bí mật hoặc mã hóa hệ thống nhằm ngăn chặn hoạt động của tình báo Hàn Quốc. Cũng theo AFP, Hàn Quốc đang tìm cách thu thập thông tin tình báo từ Triều Tiên sau những thay đổi này.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc hiện đang phải chịu nhiều chỉ trích sau khi hoàn toàn không biết gì về sự ra đi của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il trong suốt hơn 50 tiếng đồng hồ. Chỉ tới khi truyền thông Triều Tiên chính thức đưa tin, người Hàn Quốc mới hay biết.
Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak bảo vệ giám đốc cơ quan tình báo và từ chối những lời kêu gọi của phe đối lập về việc sa thải ông này.
Phúc Lợi (tổng hợp)
Phúc Lợi (Tổng hợp)