Triều Tiên trục xuất quan chức Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong

Hôm qua, Triều Tiên đã quyết định trục xuất các quan chức Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong, cắt đứt đường dây truyền thông hàng hải và văn phòng liên lạc tại Panmunchon, sau khi dọa cắt nốt đường giao thông cuối cùng nối hai miền.

Hôm qua, Triều Tiên đã quyết định trục xuất các quan chức Hàn Quốc tại khu công nghiệp Kaesong, cắt đứt đường dây truyền thông hàng hải và văn phòng liên lạc tại Panmunchon, sau khi dọa cắt nốt đường giao thông cuối cùng nối hai miền.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Cheon Hae-sung cho biết Triều Tiên đã thông báo cho Hàn Quốc những động thái trên. 8 quan chức Hàn Quốc của văn phòng hợp tác kinh tế liên Triều tại Kaesong bắt đầu làm thủ tục ra khỏi khu công nghiệp Kaesong.

Động thái trên xuất hiện ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng bác bỏ cáo buộc nước này đứng sau vụ chiến hạm Cheonan bị chìm và tuyên bố "sẽ trục xuất ngay lập tức" tất cả các nhân viên người Hàn Quốc tại khu công nghiệp chung giữa hai miền.

Cũng hôm qua, hãng tin chính thức của Triều Tiên KCNA đăng tuyên bố cảnh báo phong tỏa tuyến giao thông dẫn tới Kaesong nếu Hàn Quốc tiếp tục hoạt động tuyên truyền qua biên giới. Quyết định này, nếu được thực hiện, sẽ đồng nghĩa với việc hoạt động vận chuyển hàng hóa và qua lại khu vực này sẽ bị đình trệ. Trước đó, các giao thông chủ yếu trên biển giữa hai miền đã bị cắt đứt.

Kaesong, từng là biểu tượng của quan hệ ấm lên giữa hai miền, là nơi có 110 công ty Hàn Quốc hoạt động và 42.000 nhân công Triều Tiên làm việc, mang lại một nguồn thu quan trọng cho Triều Tiên. Theo dự đoán của nhà nghiên cứu Jang Cheol-Hyon, thành viên Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia về an ninh của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng sẽ không đóng cửa ngay lập tức khu công nghiệp này. Ngoài khu Kaesong, hai miền Triều Tiên không có trao đổi kinh tế quan trọng nào khác. Phần lớn đã bị ngưng lại sau khi Tổng thống Lee-Myung Bak lên nắm quyền năm 2008.

Trong khi đó, Seoul đã báo động và huy động mọi phương tiện trên biển để cố dõi theo bốn tàu ngầm lớp Sang-O trọng tải 300 tấn của Triều Tiên. Những phương tiện này đã biến khỏi màn hình rađa sau khi rời căn cứ hải quân Chaho ở tỉnh Bắc Hamkyong thuộc khu vực đông bắc Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton trong cuộc họp tại Seoul hôm qua

“Thế giới phải phản ứng”

Đó là tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà đến thăm Seoul ngày hôm qua, nơi bà đã có các cuộc hội đàm ngắn với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Ngoại trưởng Yu Myung-hwa tại chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 6 ngày ở 3 nước Đông Á.

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng thế giới có “một nhiệm vụ phải phản ứng” về vụ tàu chiến Cheonan bị chìm, “mà Triều Tiên bị qui trách nhiệm”. Bà gọi vụ tấn công này là một “sự khiêu khích” đòi hỏi phải có một “sự đáp trả mạnh mẽ nhưng thận trọng”.

46 thủy thủ Hàn Quốc đã thiệt mạng khi tàu Cheonan phát nổ và chìm hôm 26/3. Một cuộc điều tra quốc tế đã kết luận rằng con tàu bị bắn bằng một quả ngư lôi từ một tàu ngầm của Triều Tiên.

Bà Hillary đã yêu cầu Triều Tiên ngừng các hành động mà bà gọi là khiêu khích và đe dọa. Theo bà, Mỹ sẽ tham vấn Hàn Quốc và các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đưa ra hành động thích hợp. Washington cũng đang cân nhắc các lựa chọn bổ sung để buộc Triều Tiên chịu trách nhiệm về vụ việc.

Cùng ngày hôm qua, phát biểu sau cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung tại Bắc Kinh, các quan chức cấp cao Mỹ dự đoán rằng Trung Quốc “rồi cũng sẽ tán thành quan điểm rằng Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công chiến hạm ngày 26/3”.

Theo Nguyễn Viết
Dân Trí

Đọc thêm