Điểm nhấn của ngày hội là phần giao lưu, trình diễn dân ca, ví giặm, quan họ, đờn ca tài tử... giúp khán giả, nhất là khán giả trẻ, hiểu hơn về các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Ngày hội di sản tôn vinh văn hóa Việt. |
Dịp này, Bảo tàng Áo dài cũng tổ chức tiếp nhận hiện vật là áo dài của các nhà giáo và nhà hoạt động văn hóa có nhiều đóng góp cho xã hội như áo dài của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Mã Thanh Cao - nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM...
Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài - cho biết đây là một hoạt động thiết thực góp phần cùng TP.HCM kích cầu du lịch nội địa. Các hoạt động được tổ chức riêng lẻ ở nhiều địa điểm tránh tập trung đông người, đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.
Bảo tàng Áo dài Việt Nam là một trong những địa điểm sở hữu không gian yên bình, xanh mát giữa chốn Sài thành náo nhiệt. Bảo tàng được ra đời từ những ý tưởng sáng tạo tâm huyết và công phu của nghệ sĩ Sĩ Hoàng – một nhà thiết kế, một họa sĩ tài ba. Ý tưởng xây dựng Bảo tàng Áo dài được ông nhen nhóm suốt 10 năm. Mục đích được ông xác định là nhằm tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa Việt, giúp cho du khách nước ngoài có thể hiểu hơn về trang phục cổ truyền của dân tộc. Bởi vậy, địa điểm này còn được người dân gọi với cái tên khác là Bảo tàng Áo dài Sĩ Hoàng.