Trĩu nỗi đau phiên tòa xử nghịch tử giết mẹ già

Quá trưa phiên tòa mới kết thúc, nước mắt vẫn đọng trên gương mặt đứa cháu gái. Người anh đôi mắt cũng đỏ hoe, hai cha con dắt nhau về trước giờ. Dường như đối với những người thân của bị cáo, không bản án nào bằng “bản án lương tâm”, họ không tha thứ cho đứa em tội lỗi đã giết mẹ. Chỉ còn lại Cư cúi gằm mặt nhận mức án chung thân.

Người cha chết trong một tai nạn tàu hỏa khi đang trên đường đi thăm con trai ở tù. Hơn 10 năm sau, đứa con ra tù, ấm ức vì việc chia nhà đã ra tay đánh mẹ đến chết. Phiên tòa xử nghịch tử nặng trĩu nỗi đau của người thân, sự phẫn nộ của dư luận trước hành động vô đạo của đứa ích kỷ.

Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định mới xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Cư (37 tuổi, ngụ thôn Văn Trường Tây, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) về tội giết người. Nạn nhân chính là mẹ ruột của Cư, đã 74 tuổi, lâu nay vẫn bị Cư ấm ức cho rằng bà không công bằng trong phân chia đất đai cho các con. Đây là vụ án đau lòng, gây bức xúc trong dư luận địa phương trong suốt thời gian dài.

Bị cáo Nguyễn Văn Cư tại tòa
Bị cáo Nguyễn Văn Cư tại tòa.

Đã là lần thứ hai bị cáo phải ra đứng trước vành móng ngựa. Cách đây 18 năm, Cư cũng ra tòa vì đánh chết một người bạn cùng quê, phải trả giá bằng 17 năm tù. Đầu năm 2012, sau khi chấp hành xong hình phạt, Cư về sống với mẹ già và anh trai tại căn nhà do cha mẹ tạo lập, ở thôn Văn Trường Tây.

Cha của Cư đã chết cách đây 10 năm trong một tai nạn tàu hỏa, khi ông trên đường đi thăm con trai lúc đó đang thụ án tại trại giam Kim Sơn (xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định). Căn nhà chỉ còn bà mẹ già, vợ chồng người anh trai cùng hai đứa con nhỏ và Cư.

Đi tù từ lúc trẻ, ra tù không có nghề nghiệp, suốt ngày Cư loanh quanh trong xóm làng, hễ ai nhờ vả việc gì thì làm việc nấy để kiếm bữa cơm bữa rượu qua ngày. Thương em và cũng để tạo điều kiện cho em hòa nhập với cộng đồng, người anh trai làm nghề lái xe tải thuê xin cho Cư đi phụ xe để kiếm tiền. Nhưng được mấy chuyến thì Cư không chịu đi tiếp vì chê nghề này vất vả, thức đêm thức hôm không “ngủ nghê” gì được, lại không được ăn nhậu thả ga.

Vật vờ ở nhà, Cư "kết bè kết phái" với đám người “vô công rồi nghề” trong xóm, suốt ngày chỉ nhậu nhẹt. Thậm chí khi không có mồi nhậu, Cư còn về nhà bắt trộm gà, vịt của vợ chồng người anh mang đi “góp vui” với bạn nhậu. Người chị dâu nhiều lần cắn răng nhẫn nhịn không nói cho gia đình biết vì thương chồng suốt ngày đi xe đường dài đã đủ mệt mỏi, sợ mẹ chồng buồn và sợ mất lòng chị em khác trong nhà. Nhưng được thể càng ngày Cư càng lấn tới, mỗi lần nhậu về lại kiếm chuyện với vợ chồng người anh, thậm chí còn chửi bới, đánh đập mẹ ruột như cơm bữa.

Sáng sớm 30/11/2012, do vợ chồng người con trai lớn phải về quê lo cho mẹ vợ bị ốm nặng, bà mẹ vào buồng gọi đứa cháu gái nội đang học lớp chín dậy học bài. Khi cháu bé bật điện sáng để học liền bị Cư mắng gằn giọng: “Mày bật điện sáng thế sao tao ngủ”?, nghe cháu trả lời Cư đã im lặng ngủ tiếp.

Được một lúc, do ánh điện chói mắt không ngủ tiếp được, Cư vùng dậy quát mắng inh ỏi, lại tức tối xông đến đánh cháu gái, xách cây gậy đuổi đánh đứa cháu sưng bầm cả tay.

Bà mẹ từ trong nhà chạy ra can ngăn không cho con trai tiếp tục đánh cháu. Không ngờ Cư vác cây lao vào vụt liên tiếp vào tay, vào đầu mẹ. Quá bất ngờ và choáng váng trước trận “mưa cây” của con, người mẹ già 74 tuổi ngã gục xuống sân nhà.

Sau đó Cư vào nhà lấy áo mặc, bỏ đi đến nhà một người anh trai khác ngủ tiếp, cho đến khi công an ập đến đọc lệnh bắt Cư thì gia đình người anh này mới choáng váng biết hành động tội lỗi của đứa em.

Khi nghe tiếng khóc thảm thiết của đứa cháu, làng xóm chạy tới, hoảng hồn khi thấy hai đứa cháu nhỏ đang khóc ngất bên bà nội. Người dân nhanh chóng đưa bà đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi vì bị thương quá nặng, mất máu quá nhiều. Theo kết quả giám định pháp y, bà cụ xấu số tử vong vì bị chấn thương sọ não, gãy cánh tay do bị đánh.

Phiên tòa vắng vẻ hơn bình thường. Nạn nhân cũng chính là mẹ của bị cáo thiệt mạng. Người anh và đứa cháu gái bị Cư đánh hôm ấy có mặt với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng đều không muốn nhìn mặt bị cáo sau những gì hắn gây ra.

Thi thoảng, bên dưới hàng ghế ngồi, đứa cháu gái lại sụt sùi khóc khi nghe vị đại diện Viện kiểm sát đọc bảng cáo trạng nhắc lại những hành vi tàn độc của người chú ruột đối với gia đình và bà nội của mình.

Một số người có mặt tại phiên tòa hôm ấy đều bày tỏ sự bất bình với bị cáo. Từng có sai lầm thời tuổi trẻ, phải trả giá bằng 17 năm tù tội, khi về nhà được cả gia đình và địa phương yêu thương đùm bọc nhưng Cư vẫn “ngựa quen đường cũ” giữ thói hung bạo, tàn độc, cuối cùng nhẫn tâm ra tay với cả người đã sinh ra mình.

Tại phiên tòa, bị cáo vẫn khăng khăng cãi lý cho hành vi “vô đạo” của mình do ấm ức chuyện mẹ định chia ngôi nhà cho người anh. “Ngôi nhà đó là của bị cáo, vì bị cáo là con trai út chứ không thể giao cho anh trai được”, Cư lý sự.

Bị cáo thừa nhận chính vì lý do này mà hắn thường gây sự với mẹ và vợ chồng anh trai, thậm chí nhiều lần đòi đuổi gia đình người anh ra khỏi nhà. “Mỗi lần xảy ra mâu thuẫn như thế, mẹ thường đứng ra can ngăn và tỏ ý bênh vực anh nên bị cáo thấy ấm ức không chịu được”, Cư cho biết.

Nghịch tử chỉ nghĩ đến quyền lợi bản thân, không hề nghĩ đến việc trong suốt quãng thời gian hắn ở tù, vợ chồng người anh đã luôn ở bên chăm lo cho cha mẹ già, hàng tháng còn gửi tiền thăm nom, cấp dưỡng cho hắn. Cũng do hoàn cảnh quá khó khăn, lại không muốn anh em mâu thuẫn làm phiền lòng mẹ, họ đã nhiều lần chịu nhẫn nhục trước sự tàn độc, hỗn xược của Cư. Cư cũng không hề biết anh em trong nhà đã bàn bạc sẽ giao nhà cho hắn khi mẹ qua đời, và khi hắn có nghề nghiệp ổn định, tu chí làm ăn.

Quá trưa phiên tòa mới kết thúc, nước mắt vẫn đọng trên gương mặt đứa cháu gái. Người anh đôi mắt cũng đỏ hoe, hai cha con dắt nhau về trước giờ. Dường như đối với những người thân của bị cáo, không bản án nào bằng “bản án lương tâm”, họ không tha thứ cho đứa em tội lỗi đã giết mẹ. Chỉ còn lại Cư cúi gằm mặt nhận mức án chung thân. 

Quân Linh

Đọc thêm