Vào một buổi chiều Đà Lạt cuối năm, PV Báo Lâm Đồng có cuộc gặp gỡ trò chuyện với GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn trong không khí cởi mở, chân tình. Ẩn trong những suy tư về nghiên cứu khoa học, giáo dục là tâm huyết của một trí thức Việt kiều luôn hướng về đất mẹ.
GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn (bìa phải) cùng học trò TS.BS Dương Quý Sỹ trao học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi của Hội Phổi Pháp - Việt cho sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng. |
QUAN TÂM HÀNG ĐẦU VỀ ĐÀO TẠO
* Thưa Giáo sư, là người nổi tiếng được thế giới khoa học vinh danh, ông có thể giới thiệu ngắn gọn về mình?
- Tôi có cơ may học ở nước ngoài, thành công trong nghiên cứu y học, mong muốn đóng góp cho nước Việt nhiều hơn. Tôi vẫn nghĩ mình là người Việt Nam.
* Hành trình của ông từ quê hương Việt Nam đến Pháp như thế nào?
- Cách đây 41 năm, cùng gia đình (cha là một giáo sư), tôi đến Pháp lúc 11 tuổi và trở thành công dân Pháp. Tôi về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992, đến nay thường xuyên về nước hơn trong việc hợp tác y tế, giảng dạy, đào tạo.
* Được biết, GS.TS là chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới về chất NO (Oxyt Nitric) trong phổi, về Việt Nam ông quan tâm vấn đề gì nhất?
- Tôi có nhiều suy tư và quan tâm hàng đầu về đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đây là lĩnh vực mà tôi có thể giúp ích nhiều cho Việt Nam. Với cương vị là Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ của Đại học Paris 5, mỗi năm nơi đây đào tạo 100 thạc sĩ, tôi ưu tiên hàng đầu là đào tạo bác sĩ Việt Nam sang Pháp du học. Tôi đã trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho 15 tiến sĩ (có 4 người Việt Nam), trên 20 thạc sĩ (7 người Việt). Là Trưởng bộ môn Sinh lý học - Thăm dò chức năng của Đại học Paris 5, tôi được mời giảng dạy khá thường xuyên tại các trường đại học ở Pháp và Trung Quốc (vai trò giáo sư cố vấn của Trung Quốc), nhưng ở Việt Nam thì chưa có hình thức hợp tác chính thức ở mức độ quốc gia. Tôi chỉ có hợp tác với các Trường Đại học Y Tp.HCM, Hà Nội, Hải Phòng để báo cáo chuyên đề và giảng dạy chuyên sâu cho các bác sĩ. Riêng tại Đà Lạt - Lâm Đồng, tôi có đến báo cáo khoa học, tập huấn cho các bác sĩ của tỉnh ở Trường Cao đẳng Y tế và hội chẩn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong chương trình hoạt động của Hội phổi Pháp - Việt do tôi là một trong những thành viên sáng lập và là cố vấn Ban Khoa học kỹ thuật của Hội. Vì vậy, tôi mong muốn trong tương lai cần mở rộng hơn trong hợp tác đào tạo, tổ chức quy mô hơn trên bình diện hợp tác trường đại học và quốc gia. Hiện nay, tôi về nước làm việc với tư cách cá nhân trên cương vị là giáo sư gốc Việt và mối quan tâm là ngành y khoa Việt Nam.
* Giáo sư nghĩ gì về chính sách thu hút nhân tài ở Việt Nam?
- Chúng ta nên có một chính sách thu hút nhân tài cụ thể và rõ ràng hơn, để tạo điều kiện cho các em trong nước học ở nước ngoài quay về, để người Việt ở nước ngoài có điều kiện mang kiến thức về phục vụ Tổ quốc. Chúng ta cần học tập Trung Quốc. Tôi thấy các bác sĩ học ở Pháp gốc Trung Quốc về nước được ưu đãi, tạo điều kiện rất tốt. Chính sách thu hút nhân tài cụ thể sẽ tạo điều kiện cho du học sinh nối nhịp cầu quê hương với kiều bào ở nước ngoài nói chung và trí thức Việt kiều nói riêng.
TỰ HÀO TRÍ TUỆ VIỆT, NHƯNG…
* Giáo sư nghĩ gì về hiện tượng GS Ngô Bảo Châu?
- Sự kiện GS Ngô Bảo Châu là người Việt đầu tiên đạt Giải thưởng Fields về toán học trong năm nay là dấu hiệu đáng mừng, chứng minh người Việt Nam không chỉ đạt được bằng cấp nhiều trong học tập, mà đã có đỉnh cao trí tuệ của thế giới. Trí tuệ người Việt từ xưa đến nay là “siêu phàm”! Gần đây, tôi được mời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Pháp về thành tựu của học sinh Việt Nam ở Pháp. Thống kê cách đây không lâu về sự học của con em di dân nước ngoài đến Pháp đã nhận định con em gốc Việt thành công trên con đường học vấn, đại học cao hơn so với các di dân khác và cao hơn cả người Pháp. Do vậy, cái cần cho giáo dục hiện nay là thay đổi trong cách nhìn về việc dạy và học, là tạo điều kiện để những kiến thức mới nhất của thế giới được mang về Việt Nam và cần thay đổi cách học tập. Cần có chính sách tầm quốc gia để người Việt Nam ở nước ngoài có thành tựu về nước cống hiến. Việt Nam là đất nước có nhiều thử thách trong lịch sử, sự cần cù và trí tuệ của người Việt rất cao. Do vậy, cần có chính sách sử dụng trí tuệ và sự cần cù này để Việt Nam giàu mạnh. Nếu trí tuệ được chia sẻ với tất cả mọi người thì khó khăn nhất thời sẽ ít hơn. Trong lĩnh vực nghiên cứu, các nhà nghiên cứu tự do hoàn toàn trong vấn đề khoa học. Còn khi tạo điều kiện ứng dụng phát triển là chính sách đầu tư của chính phủ, của nhà nước. Khoa học chỉ có thể phát triển mạnh khi không có sự ràng buộc giới hạn tư duy và có điều kiện để nhân tài phát triển. Bác sĩ nếu không có môi trường nghiên cứu chuyên sâu thì lâu ngày chỉ là một kỹ thuật viên giỏi.
* Thưa ông, việc thay đổi cách học tập như thế nào?
- Việt Nam và Pháp có nhiều điểm giống nhau, đều ưu tiên đặc biệt cho giáo dục, đào tạo để tập con người cách làm việc. Trong nước cần môi trường học tập tốt để có nhiều hạt mầm, điều kiện nảy nở có thể trong nước hoặc nước ngoài và vấn đề sau đó là làm sao thu hút họ quay về bằng những chính sách cụ thể. Ngành giáo dục trong nước phải có sức cạnh tranh khu vực để có những công trình nghiên cứu xuất phát từ Việt Nam có chất lượng và tầm vóc quốc tế - Đó mới là quý! Tôi được biết, thống kê số lượng người Việt Nam đóng góp công trình nghiên cứu tầm thế giới nhiều, nhưng xuất phát từ Việt Nam rất ít. Cần hiểu rõ các tiêu chuẩn, quy trình, cách thức công bố nghiên cứu, vì vậy, lần này đến Đà Lạt tôi dành thời gian tập huấn cho các bác sĩ trong nước và Lâm Đồng về kỹ năng này và cách làm việc này một cách có hệ thống.
Phải thay đổi cách học tập. Học có cả học và tập, có thể học nhiều, tập ít, kiến thức thuộc lòng nhiều, đầu óc sáng tạo, suy luận suy luận dạy về cách suy luận để tạo kiến thức mới. Kiến thức lỗi thời nhanh nhất là trong nghiên cứu khoa học. Kiến thức có được hôm nay hơn ngày hôm qua và làm nền cho kiến thức ngày mai, sự biến đổi kiến thức nhanh hơn so với trước đây. Từ giáo dục, giúp con người có đầu óc sáng tạo, tư duy độc lập, đầu óc linh động để thích ứng. Học để có những kiến thức căn bản dùng cho mình đi tới chứ không phải là “bất di bất dịch”. Học tập và nghiên cứu nhằm xây dựng một nền tảng kiến thức mỗi ngày một vững chắc và rõ ràng hơn.
* Giáo sư có hài lòng về thành tựu của mình và có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công?
- Nghiên cứu là đi tới không ngừng, nếu hài lòng là dừng chân. Nhà nghiên cứu chân chính không bao giờ hài lòng với thành tựu của mình, những việc đã làm được là sự an tâm để bước tới. Tôi có được thành tựu khoa học là nhờ văn hóa Việt Nam và giáo dục gia đình, khiến tôi tôn trọng người thầy, người đi trước, xem được hưởng sự giúp đỡ đó là những đặc ân. Tôi ở nước ngoài từ bé, có khả năng thích ứng cao hơn sinh viên Pháp nhờ hội nhập môi trường mới lạ mạnh mẽ hơn, đã góp phần cho thành công của mình. Trong tất cả mọi sự khó khăn, tôi cho là cơ hội để tiến lên. Tôi xem khó khăn là cơ hội để vượt thử thách. Kinh nghiệm để thành công là không bao giờ nản chí, trong mọi vấn đề cần thấy lợi điểm hơn là khó khăn, thấy điểm sáng hơn là điểm tối và sự khiêm tốn cần thiết, luôn nghĩ rằng mình chưa đạt thì sẽ thành công. Đối với người thầy cần phải có sự bao dung, chấp nhận ý kiến phản biện để tìm ra sự thật đi đến chân lý. Nếu độc đoán, cố chấp không thể thành nhà khoa học, phải linh động và chấp nhận sự khác biệt. Luôn lắng nghe cộng sự, cấp dưới, lắng nghe bệnh nhân để tạo sự tiếp xúc kết nối tốt.
* Ông có dự định về sống ở Việt Nam?
- Sau này tôi sẽ trở về Việt Nam. Tôi vẫn nghĩ mình là người Việt, trong gia đình tôi, vợ và 2 con đều nói tiếng Việt. Rời Đà Lạt lần này tôi còn đi thăm bác tôi ở Tp.HCM trước khi quay trở về Paris.
* Và Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn ông?
- Đối với tôi Đà Lạt không xa lạ! Tôi được sinh ra ở Tp.HCM, từ bé thường theo gia đình lên Đà Lạt chơi. Sau này tôi về nước thường xuyên và có khoảng 4-5 lần về Đà Lạt, nhất là từ khi có người học trò quê ở Đà Lạt - TS Dương Quý Sỹ đã kết nối chúng tôi gần với Đà Lạt hơn.
Khí hậu Đà Lạt rất tốt, trong lành và không bị ô nhiễm. Do vậy, liên quan đến vấn đề sức khỏe và các bệnh về phổi có yếu tố ô nhiễm môi trường, thì Đà Lạt là nơi sinh sống rất tốt. Còn nguyên do bệnh phổi từ thuốc lá ở Đà Lạt thì tôi không rõ lắm, tôi cảm thấy người dân ở đây hút thuốc lá còn nhiều. Khí hậu Đà Lạt ẩm không tốt cho người mắc bệnh đường hô hấp. Việc biết rõ tần suất và mức độ người mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở nơi đây là cần thiết để có thể chăm sóc, ngăn ngừa bệnh. Nhân viên y tế cần giúp người bệnh nhận thức rõ các triệu chứng sớm của bệnh để đến khám kịp thời và bệnh dễ dàng chữa trị hơn.
* Cám ơn GS.TS dành thời gian quý báu cho cuộc trò chuyện. Năm mới chúc ông và gia đình luôn đồng vọng cùng mùa xuân dân tộc!
GS.TS Đinh Xuân Anh Tuấn - Sinh ngày 5/7/1958 tại Sài Gòn - Việt Nam, quốc tịch Pháp. - Tiến sĩ Y khoa, ĐH Y khoa Paris 5, René Descartes, năm 1985. - Tiến sĩ Khoa học tại ĐH Cambridge, Vương Quốc Anh, năm 1991. - Phó Giáo sư Đại học Y khoa Paris 5, René Descartes, năm 1992. - Giáo sư ĐH Y khoa Paris 5, René Descartes, năm 2000. - Giải thưởng Nhà nghiên cứu Trẻ của Viện Đại học Mỹ (Atlanta) về Bệnh lý mạch máu, năm 1990. Giải thưởng Nghiên cứu Lâm sàng của Hiệp hội Nghiên cứu Y Khoa Pháp, năm 1997. Giải thưởng “Nhà Khoa học xuất sắc năm 2000” của Hiệp hội Nghiên cứu Y học Việt - Mỹ. - Thành viên Hội đồng Đào tạo ĐH Y khoa Paris 5. Phụ trách giảng dạy: Sinh viên Y khoa, Thạc sĩ, Tiến sĩ; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sinh Bệnh học Bộ máy Hô hấp : UPRES-EA2511 - Thành viên và phụ trách các lĩnh vực khác nhau của nhiều Hiệp hội và Ủy ban Quốc tế: Hội Lồng ngực Mỹ, Hội Lồng ngực Anh, Hội Ghép phổi Anh, Hội Tim mạch Mỹ, Viện Đại học mạch máu Mỹ, Hội Sinh học về mạch máu Cambridge, Hội Hô hấp châu Âu, Hội Sinh lý Pháp, Hội Nitrít Oxít Pháp… Tổng Biên tập Tạp chí Hô hấp châu Âu. - Đã có gần 200 công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học thế giới, trong đó hơn 100 công trình nghiên cứu về chất NO trong phổi, chuyên nghiên cứu về hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bệnh xơ hóa phổi. |
Diệu Hiền