Trò chuyện với "vua" nhà giá mềm

Trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang điêu đứng vì thị trường khó khăn thì dòng sản phẩm Ehome của Công ty Nam Long vẫn bán chạy trên thị trường. Nam Long cũng đánh dấu một bước chuyển mình trong hoạt động bằng việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào giữa tháng 4.2013. Giữa lúc thị trường chứng khoán ảm đạm, quyết định này đã khiến không ít người bất ngờ...

Trong lúc nhiều doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang điêu đứng vì thị trường khó khăn thì dòng sản phẩm Ehome của Công ty Nam Long vẫn bán chạy trên thị trường. Nam Long cũng đánh dấu một bước chuyển mình trong hoạt động bằng việc đưa cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào giữa tháng 4.2013. Giữa lúc thị trường chứng khoán ảm đạm, quyết định này đã khiến không ít người bất ngờ. 

Liệu Nam Long đã chuẩn bị đủ nội lực để bước vào chặng đường không mấy bằng phẳng của thị trường chứng khoán Việt Nam ? Doanh nhân & Pháp luật đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nam Long, xung quanh vấn đề này.

Tại sao Nam Long lại chọn thời điểm này để niêm yết, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Quang

- Ban quản trị của Nam Long đã xác định mục tiêu này khi Công ty cổ phần hóa vào năm 2005. Và chúng tôi bắt tay ngay vào việc chuẩn bị, từ chiến lược dự án, sản phẩm, bộ máy nhân sự cho đến các báo cáo chuẩn mực. Năm 2011, chúng tôi đã thực hiện trẻ hóa đội ngũ nhân viên; kết hợp với những nhà quản lý có kinh nghiệm làm việc tại các công ty, quỹ đầu tư nước ngoài để mọi hoạt động của Nam Long đều đi theo quy trình, chuẩn mực quốc tế.

Vì thế mặc dù thị trường bất động sản khó khăn nhưng Nam Long vẫn có thể hợp tác được với nhiều tổ chức tài chính và các nhà phát triển bất động sản lớn như Nam Việt (100% vốn của Goldman Sachs), Vietnam Azela Fund (thuộc Mekong Capital, 1 trong 4 quỹ đầu tư có thâm niên tại thị trường Việt Nam) và ASPL (thuộc Tập đoàn Ireka, nhà phát triển đô thị hàng đầu Malaysia). Khi một doanh nghiệp đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc niêm yết chỉ là vấn đề thời gian.

Nhưng thưa ông, cũng có ý kiến cho rằng, quá trình đầu tư của các quỹ đầu tư tài chính thường từ 5-7 năm, sau đó họ sẽ thoái vốn. Và Nam Long lên sàn là do áp lực từ những nhà đầu tư này?

- Quyết định cổ phần hóa đồng nghĩa với việc anh phải chấp nhận có đối tác tham gia vào HĐQT. Đó là sự lựa chọn, được và mất.

Tất nhiên, hai người ngồi với nhau làm ăn thì phải định ra quy luật. Cũng giống như vợ chồng, phải hợp với nhau mới đi đến kết hôn, do đó, bạn phải tìm đối tượng được cho là phù hợp và cùng chí hướng để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Dù anh có muốn mở quán phở hay công ty, tập đoàn, anh phải có kế hoạch rõ ràng và việc mời đối tác là dựa trên kế hoạch này. Thành ra, định hướng và hệ thống thông tin của doanh nghiệp phải mạch lạc và minh bạch để cho những người đi chung với mình không lạc hướng.

Chúng tôi chào sản phẩm và kế hoạch kinh doanh phát triển dài hạn của Nam Long, đối tác nào thấy hợp lý thì bắt tay. Điểm chung của các tổ chức quốc tế khi làm việc với chúng tôi là họ đều có cái nhìn dài hạn dựa trên các kế hoạch lẫn cam kết mà Nam Long đã giữ vững trong thời gian qua, chứ không chỉ đơn thuần dựa vào chỉ số tài chính. Vài năm gần đây, các nhà đầu tư quốc tế chủ yếu đặt vấn đề tài trợ tài chính cho các dự án “vừa túi tiền” EHome. Họ muốn trở thành cổ đông của các công ty có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và khả năng tài chính của đại đa số người dân Việt Nam .

Nam Long đã học được gì từ những nhà đầu tư ngoại?

- Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ mang vốn, công nghệ, con người... mà còn mang những tiêu chuẩn quốc tế vào Nam Long. Chúng tôi học hỏi được từ họ những quy trình phát triển bất động sản chuyên nghiệp, cách tổ chức doanh nghiệp, sự minh bạch trong hệ thống báo cáo tài chính, kế toán. Nam Long là một trong số ít những doanh nghiệp bất động sản tiếp cận được dòng vốn quốc tế một cách khá sớm. Chính điều này cũng đã mang lại một lợi thế rất lớn và khác biệt cho Nam Long trong chiến lược phát triển quỹ đất. Hầu hết các dự án của Nam Long đều được đầu tư bằng vốn chủ sở hữu, trong khi nhiều doanh nghiệp bất động sản khác của Việt Nam sử dụng vốn vay.

Vậy cái mất của Nam Long là gì?

- Nam Long không bị mất gì cả. Nhiều người nói Nam Long sẽ không còn là công ty của ông Quang, nhưng tôi không quan niệm vấn đề ai là người sở hữu, cái tôi muốn khi xây dựng công ty là khuếch trương thương hiệu Nam Long và tiến đến được tầm nhìn mà Nam Long đã đề ra ban đầu.

Thị trường bất động sản đang khó khăn, trong khi Nam Long dự kiến năm 2013 và 2014 doanh thu đều tăng gấp đôi, đâu là cơ sở để Nam Long đưa ra những kế hoạch này?

- Năm 2013 Nam Long sẽ được ghi nhận doanh thu từ dự án Ehome 3 và Ehom 4 sau khi bàn giao được cho khách hàng. Cụ thể, Nam Long đã bán được khoảng 260 căn hộ ở EHome 3 và 140 căn nhà phố ở EHome 4.

Hiện tại, hai dự án này đang được tiêu thụ khá tốt trên thị trường, nên Nam Long sẽ tiếp tục tục mở bán trong thời gian tới. EHome 3 có quy mô 2000 căn hộ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2014. EHome 4 cũng sẽ được tiếp tục đầu tư những hạng mục khác bên cạnh việc thi công 250 căn nhà phố còn lại. Theo kế hoạch tháng 7 sắp tới, Nam Long sẽ tung ra dòng căn hộ ở dự án này (2104 căn) với gía bán chỉ từ 450 triệu đồng/1 căn. Mới đây Ngân hàng VP Bank đã cấp 300 tỉ đồng để Nam Long tiếp tục xây dựng dự án này.

Tương tự, với năm 2014 Nam Long cũng kỳ vọng sẽ lấy doanh thu của những dự án sẽ bán được trong năm 2013 và phát triển tiếp dự án EHome 5 (quận 7) và EHome 6 (quận 9) để đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu.

EHome 3 Tây Sài Gòn do Nam Long đầu tư được xây dựng trên khuôn viên rộng 63.891m2 với 14 Block cao 9 tầng, cung cấp khoảng 2000 căn hộ

Nói như vậy, Nam Long sẽ tiếp tục với dòng sản phẩm nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và ổn định?

- Ít nhất trong vòng 5-10 năm nữa EHome vẫn sẽ được Nam Long chú trọng phát triển. Năm nay, chúng tôi dự kiến huy động từ 200-400 tỉ đồng để phát triển EHome 3, 4, 5,6. Điều này được khẳng định qua 3 mục tiêu chúng tôi đã đề ra, trong đó có việc trở thành “Một trong ba nhà phát triển căn hộ vừa túi tiền hàng đầu tại Việt Nam ”. Tuy nhiên, đối với các danh mục sản phẩm khác, Nam Long vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và phát triển.

Cụ thể là gì, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ mở bán nhà phố thương mại An Phú thuộc đô thị thương mại - dịch vụ An Thạnh. Đây sẽ là vùng đệm để phục vụ chiến lược phát triển dài hạn Khu Đô thị Waterpoint 355 ha của Nam Long tại huyện Bến Lức, Long An - cửa ngõ giữa TP.HCM với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Chúng tôi cũng sẽ phát triển các mảng sản phẩm như bất động sản thương mại, vốn mang lại lợi nhuận ổn định cho Công ty. Nam Long phân định rất rõ ràng mảng sản phẩm nào Công ty tự triển khai và mảng nào cần hợp tác. Các đối tác chiến lược của chúng tôi đang sở hữu những lợi thế lớn về thương hiệu, năng lực phát triển chuyên nghiệp và nguồn tài chính giá rẻ. Vấn đề còn lại là chọn thời điểm thích hợp để triển khai.

Ông nhận thấy lợi thế của Nam Long so với công ty cùng ngành, cùng quy mô là gì?

- Các cổ đông chiến lược nước ngoài đánh giá cao Nam Long ở bộ máy quản trị, chiến lược dài hạn đến năm 2020 và kế hoạch hành động rõ ràng từ 3-5 năm. Chúng tôi còn có bộ phận R&D và kinh doanh mạnh, luôn chủ động trong việc nghiên cứu thị trường, giúp bắt kịp thị hiếu của khách hàng. Chúng tôi cũng thiết lập được mạng lưới hợp tác rộng với các sàn giao dịch bất động sản để bán sản phẩm (trung bình 3-5 sàn/1 dự án).

Ngoài ra, sau khi Nghị định 69/2008/NĐ-CP ra đời và sắp tới đây là Luật Đất đai sửa đổi, các công ty nào sở hữu quỹ đất sạch lớn sẽ nắm được nhiều lợi thế. Hiện tại, trên 70% trong tổng số hàng trăm hecta đất của Nam Long là đất sạch và hoàn toàn sẵn sàng cho việc triển khai dự án.

Đối với mảng phát triển nhà ở, dòng sản phẩm EHome của Nam Long rất phù hợp với chính sách giải cứu thị trường bất động sản của Chính phủ (Nghị quyết 02/NQ-CP), đồng thời cũng phù hợp với việc cung ứng sản phẩm cho chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Đó là lợi thế rất lớn cho sự phát triển của dòng sản phẩm này trong những năm tới.

Nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã nhảy vào phân khúc này, sự cạnh tranh sắp tới sẽ rất gay gắt?

- Tôi không lo lắng điều này. Trong một thị trường mà sản phẩm được sản xuất trên diện rộng và mức gía là gần như ngang nhau thì những giải pháp và dịch vụ mới là điều khách hàng quan tâm. Cạnh tranh luôn tốt cho thị trường, và phần thắng sẽ thuộc về kẻ nào mạnh nhất. Lợi thế của Nam Long là chúng tôi đã đi trước họ một thời gian khá xa. Cả về trình độ công nghệ, thiết kế cho đến các giải pháp bán hàng.

Xin cám ơn ông!

Hồ Thế Kiên (thực hiện)

Đọc thêm