Thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Kiên Giang, gắn với Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Trung tâm) đã đẩy mạnh công tác triển khai, tập huấn pháp luật về trợ giúp pháp lý cho cán bộ, tổ chức có liên quan, nhất là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Công tác truyền thông được thực hiện với nhiều hình thức phong phú qua Chuyên mục “Phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật” trên Báo Kiên Giang…; Cổng thông tin điện tử của Trung tâm có nhiều tin, bài viết phòng phú, có đầy đủ thông tin, thủ tục về trợ giúp pháp lý nên đến thời điểm hiện tại có 296.003 lượt người truy cập; Bảng thông tin trợ giúp pháp lý được gắn ở tất cả các địa điểm tiếp công dân, trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng…; cấp phát 65.231 tờ gấp pháp luật các loại.
Cùng với chủ đề “Trợ giúp pháp lý Kiên Giang góp phần xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay giảm nghèo bền vững”, Trung tâm tổ chức các chuyến về cơ sở để tư vấn pháp luật cho tất cả 18 xã nghèo, xã bãi ngang ven biển và 31 ấp đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 08/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020, bảo đảm mỗi năm, những địa phương này người dân có nhu cầu được tư vấn pháp luật ít nhất một lần. Với các xã khác phát sinh nhiều nhu cầu trợ giúp pháp lý, là điểm nóng về khiếu kiện, Trung tâm tổ chức tư vấn pháp luật theo yêu cầu của chính quyền cấp xã.
Qua 04 năm thực hiện Chương trình, Trung tâm đã tư vấn ở xã nghèo và ấp đặc biệt khó khăn được 2.672 vụ việc cho 2.672 người; truyền thông và tập huấn về trợ giúp pháp lý, hòa giải mâu thuẫn tranh chấp tại những nơi này với 4.476 lãnh đạo ấp, hòa giải viên dự. Sau các chuyến trợ giúp pháp lý về cơ sở, người dân đã biết về trợ giúp pháp lý, hiểu và nâng lên ý thức chấp hành pháp luật, góp phần vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh Kiên Giang, cụ thể là “xóa đói, giảm nghèo về mặt pháp luật” cho người dân.
Quán triệt tinh thần “trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước” và “Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý” đã được luật định, các cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh đã làm tốt công tác rà người được trợ giúp pháp lý nói chung, người nghèo nói riêng ngay từ khâu thụ lý đầu vào các vụ án hình sự, dân sự, hành chính; giải thích quyền được trợ giúp pháp lý; thu thập giấy tờ chứng minh diện người được trợ giúp pháp lý, làm Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; Thông báo về trợ giúp pháp lý...Vậy nên, đến nay gần 100 % thủ tục trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trong các vụ án ở Kiên Giang đều do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và Trung tâm phối hợp thực hiện, người yêu cầu trợ giúp pháp lý không phải tốn thời gian, công sức, tiền bạc đến Trung tâm để yêu cầu trợ giúp pháp lý như trước đây.
Qua 04 năm (2016-2019) thực hiện Chương trình, có 143 người nghèo được tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng; 104 người nghèo được bào chữa/bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong 104 vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
Điển hình như vụ gia đình có hai mẹ con N.T.T.T (14 tuổi ở huyện Tân Hiệp - Kiên Giang) thuộc 03 diện người được trợ giúp pháp lý (trẻ em, khuyết tật (thần kinh) có khó khăn về tài chính, hộ nghèo) bị xâm hại tình dục năm 2018. Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tân Hiệp đã kịp thời gửi Thông báo theo Thông tư liên tịch số 10 cho Trung tâm, mà mẹ của T không phải đến Trung tâm để làm thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý. Căn cứ vào Thông báo, Trung tâm cử người thực hiện trợ giúp pháp lý cho T trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Kết quả, không những kẻ thủ ác phải trả giá bằng bản án 7 năm tù cho tội hiếp dâm, mà còn bồi thường tổn thất cho T trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở là 15 triệu, đến nay đã nhận đủ 20 triệu đồng. Cũng với T, Trợ giúp viên thực hiện trợ giúp pháp lý còn phát hiện ra cháu chưa được hưởng trợ cấp xã hội (người khuyết tật), nhưng mẹ của T đã nhiều năm chưa làm được do vướng... Đây là trường hợp chủ động phát hiện vụ việc trợ giúp pháp lý mà Trung tâm đã và đang triển khai thực hiện. Sau một thời gian, người thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức đại diện ngoài tố tụng đi đến các cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục, T đã được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Một vụ việc khác xảy ra ở huyện Kiên Lương vào tháng 11/2018. P.V.T là bộ đội xuất ngũ, thuộc diện hộ nghèo, làm nghề lái xe thuê. Hôm ấy, T chở tôm giống giao cho khách hàng, chẳng may gây ra tai nạn chết người. T bị khởi tố và bắt tạm giam về “Tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ”. Quá trình tham gia tố tụng để bào chữa cho T, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm đã thu thập tất cả các chứng cứ giảm nhẹ, chứng minh nhân thân của T tốt, hoàn cảnh gia đình T thuộc diện hộ nghèo, động viên gia đình người bị hại bãi nại…Sau khi cân nhắc, Tòa chấp nhận quan điểm của người bào chữa, tuyên phạt T bằng thời hạn tạm giam là 04 tháng 15 ngày tù và trả tự do ngay tại phiên tòa.
Nhiều vụ việc tương tự như T, người nghèo không những chỉ nhận được lợi ích vật chất, sự công bằng trước pháp luật, mà cái sâu sa lớn hơn nhiều đó là niềm tin, là sự nỗ lực vươn lên..., trong đó có trợ giúp pháp lý Kiên Giang luôn đồng hành cùng người nghèo trong Chương trình giảm nghèo bền vững.