Trò lừa bán bằng đại học

Lời rao hấp dẫn khẳng định bán bằng thật xuất xứ từ phòng đào tạo các trường ĐH đã mê hoặc nhiều người. Tuy nhiên, sau khi gửi thông tin cá nhân, chuyển tiền thì tiền mất, bằng cũng không.

Lời rao hấp dẫn khẳng định bán bằng thật xuất xứ từ phòng đào tạo các trường ĐH đã mê hoặc nhiều người. Tuy nhiên, sau khi gửi thông tin cá nhân, chuyển tiền thì tiền mất, bằng cũng không. Không ít người mua bằng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì không dám để mọi người biết mình đi mua bằng.

Theo chân một trường hợp có nhu cầu mua bằng tốt nghiệp ĐH kinh tế, chúng tôi tiếp cận chủ một lời rao bán bằng trên mạng xưng tên Hoàng. Người này liên tục hẹn chúng tôi tại cơ sở của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) nhưng không bao giờ xuất hiện mà chỉ liên lạc qua điện thoại để yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.

Từ lừa suông...

Một lần khác, chúng tôi trực tiếp liên lạc với chủ một tin nhắn trên mạng đề nghị mua bằng tốt nghiệp ĐH luật. Người này yêu cầu chúng tôi scan và gửi đầy đủ hồ sơ gồm hình thẻ, bằng tốt nghiệp THPT, giấy khám sức khỏe, hộ khẩu qua địa chỉ email ceramics1982@... và không quên ra giá 8 triệu đồng mặc cho chúng tôi ra sức kỳ kèo.

Để tỏ ra quan tâm và chắc chắn đưa con mồi vào tròng, thời gian sau đó người này liên tục gọi điện, nhắn tin hối thúc cũng như dặn dò chúng tôi về thủ tục, quy trình gửi hồ sơ mà tuyệt nhiên không nhắc đến tiền. Người đàn ông này hứa chỉ trong vòng ba ngày sau khi chúng tôi gửi hồ sơ, ông ta sẽ đưa đầy đủ bằng tốt nghiệp và các giấy tờ liên quan.

Một ngày sau, chúng tôi nhắn tin báo đã gửi đầy đủ hồ sơ vào email trên dù thực chất chúng tôi chẳng gửi bất kỳ thứ gì. Thế nhưng người này vẫn “hồn nhiên” xác nhận đã nhận được rồi, bảo chúng tôi yên tâm. Khi được hỏi tiến độ, người này xác nhận: “OK, sáng mai làm xong. Thứ hai nhận đầy đủ!”.

Mẫu bằng do những kẻ làm giả gửi cho chúng tôi và những người mua bằng để làm tin - (Ảnh: M.G)
Mẫu bằng do những kẻ làm giả gửi cho chúng tôi và những người mua bằng để làm tin - (Ảnh: M.G)

Đến sáng thứ hai như đã hẹn, người này gọi điện cho biết vì liên lạc bên trong trường không tiện nên đề nghị ra chi nhánh ngân hàng gần trường để gặp một người tên Hoàng. Khi chúng tôi báo đã tới (thực tế là không tới), người này lại bảo đã thấy rồi nhưng bận việc nên cứ chuyển tiền vào tài khoản của Đỗ Văn Trọng, giảng viên ĐH, số tài khoản 0251002144699, số CMND: 273..., thậm chí còn nhắn cả địa chỉ nhà riêng ở đường Âu Cơ, Q.11.

Sau năm lần bảy lượt chúng tôi báo đã nạp tiền nhưng có lẽ sau khi kiểm tra phát hiện chúng tôi không chuyển nên người này tức tối thông báo đã... hủy bằng, gạch tên khỏi sổ. “Em định lừa chúng tôi chắc?!” - người đàn ông này giận dữ nhắn tin.

Tìm hiểu tại ngân hàng có tài khoản trên, chúng tôi được biết thông tin cá nhân của tài khoản trên là đúng, tuy nhiên không có số liên lạc chính thức của người này và cũng không chắc người đàn ông có đúng tên Đỗ Văn Trọng hay không.

...Đến dọa dẫm

Trong khi đó, với nhu cầu cần một tấm bằng ĐH để chuyển đổi công việc, T. (ngụ Tây Ninh) đã lên mạng tìm và thấy quảng cáo làm bằng ĐH của một người có tên là N.. T. liên lạc với người này và thỏa thuận giá làm bằng ĐH ngành tài chính - kế toán của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM với giá 7 triệu đồng, bằng sẽ được gửi tận nhà theo đường bưu điện.

Sau khi gửi thông tin, hình ảnh cho N., người này gửi lại cho T. bản chính bằng tốt nghiệp loại khá ngành tài chính - kế toán của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM kèm bảng điểm toàn khóa học có chữ ký của hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

Theo quan sát của chúng tôi, trên tấm bằng theo mẫu phôi bằng mới này có tem ba chiều, tuy nhiên chỉ có số hiệu 00039448, không có số vào sổ cấp bằng. Đại diện Trường ĐH Nông lâm TP.HCM khẳng định trong các ngành đào tạo khóa 2006-2010 của trường hoàn toàn không có ngành tài chính - kế toán!

Sau khi lấy được niềm tin, N. yêu cầu T. chuyển 7 triệu đồng vào tài khoản ATM - số tài khoản 711A20849... tại Ngân hàng Công thương Phú Yên, tên chủ tài khoản N.T.N.. T. chuyển tiền lần một (7 triệu đồng) vào ngày 9-12.

Tuy nhiên, N. yêu cầu phải gửi tiếp 2 triệu đồng mới giao bằng. T. yêu cầu gặp trực tiếp để giao tiền và nhận bằng nhưng N. không chịu vì sợ công an bắt. T. yêu cầu N. gửi bằng tại nhà xe của người quen để T. lấy, nhưng N. yêu cầu phải đưa thêm 2 triệu đồng mới làm theo phương thức này vì phải thực hiện các biện pháp an toàn.

T. tiếp tục chuyển tiền theo yêu cầu vào ngày 10-12. Mặc dù vậy bằng vẫn chưa được gửi về nhà. N. liên tục gọi điện yêu cầu T. gửi thêm 1 triệu đồng nữa mới chuyển bằng. T. không đồng ý và từ đó đến nay bằng vẫn chưa được chuyển về nhà trong khi 9 triệu đồng coi như đã mất.

Chúng tôi đã liên hệ thêm với một người quảng cáo bán bằng ĐH khác tên M. và được người này hứa chắc chắn sẽ chỉ nhận tiền khi giao bằng kèm bảng điểm toàn khóa học và 20 bảng công chứng văn bằng, bảng điểm. Giá một bằng ĐH 9 triệu đồng, riêng bằng của ĐHQG TP.HCM là 11 triệu đồng.

Để làm tin, M. gửi cho chúng tôi một bằng tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, một bằng của Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) và một bằng tốt nghiệp THPT. M. yêu cầu chúng tôi chuẩn bị đầy đủ thông tin, hình ảnh để khi gặp giao cho M.. Tuy nhiên, cả bốn lần hẹn M. đều không xuất hiện! Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xác minh hình ảnh văn bằng do M. gửi cho chúng tôi và cho biết đây là bằng giả.

Hiện trên một số trang web, những nạn nhân đã liệt kê gần 40 nickname Yahoo! và số điện thoại của những kẻ lừa đảo. Cách thực hiện của những kẻ này có thể khác nhau nhưng chiêu thức cơ bản chủ yếu là quảng cáo trên các trang web rao vặt, sau khi trao đổi sẽ yêu cầu người có nhu cầu làm bằng gửi thông tin cá nhân và chuyển tiền vào tài khoản rồi... lặn mất tăm.

Ngang ngược hơn, có trường hợp sau khi nhận tiền kẻ lừa đảo còn gửi lại cho nạn nhân thông tin mình là cảnh sát điều tra giả dạng với cảnh báo “vì đây là lần đầu nên chúng tôi thông báo và nhắc nhở để bạn biết mà tránh không phạm vào sai lầm nghiêm trọng như vậy một lần nữa.

Tất cả thông tin về bạn chúng tôi đã biết hết, nếu bạn mắc sai lầm lần nữa thì sẽ phải chịu xử lý của pháp luật, đồng thời phòng cảnh sát điều tra PC14, PC15 sẽ đến công ty nơi bạn làm việc và nơi ở của bạn để khám xét những giấy tờ giả mà bạn đang sử dụng để lừa cơ quan nhà nước. Bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi trên”.

Bằng giả khắp nơi

ThS Nguyễn Ngọc Thái - chuyên viên phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết bình quân mỗi tháng trường xác minh vài chục bằng tốt nghiệp do các nơi gửi về. Một cán bộ Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cũng cho biết mỗi năm trường phải xác minh rất nhiều bằng tốt nghiệp từ các nơi gửi về do nghi ngờ bằng giả. Trong số này có một số bằng làm giả rất tinh vi, giống hệt bằng thật từ mẫu phôi bằng đến font chữ.

Mới đây, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) đã xác minh và phát hiện một người có đến hai bằng giả của trường - một bằng ngành điện tử, một bằng ngành toán - tin học. TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo - cho biết người này nộp hồ sơ dự thi ngạch chuyên viên vào một viện tại TP.HCM.

Theo Võ Hùng - Minh Giảng
Tuổi Trẻ

Đọc thêm