Trở thành Rô-bin-xơn thời hiện sau 20 năm sống "kiếp vượn"

Mất niềm tin vào con người, Chứ lên rừng làm bạn với cây cỏ, từ chỗ chịu “án oan”, Chứ dần trở thành kẻ nguy hiểm khi phạm tội trộm cắp súng quân dụng và giết người.

Mất niềm tin vào con người, Chứ lên rừng làm bạn với cây cỏ, từ chỗ chịu “án oan”, Chứ dần trở thành kẻ nguy hiểm khi phạm tội trộm cắp súng quân dụng và giết người.

Một Rô-bin-xơn thời hiện đại

Nhớ lại ngày đó, Chứ kể thời gian đầu còn mò vào chòi canh nương của dân bản, nhặt nhạnh những thứ có thể dùng được như dao, rựa, thực phẩm, quần áo nhưng khi thấy mọi người săn lùng ác quá, nên anh ta phải trốn vào tít trong núi sâu. Ngô, khoai trộm được, tùng tiệm lắm cũng chỉ dùng được vài bữa là hết, Chứ bắt đầu giống khỉ với món ăn chính là lá cây và quả rừng, thậm chí có đào được củ mài cũng phải ăn sống vì bao diêm lấy của vợ đã dùng hết rồi. “Đang ăn cơm, ăn khoai, giờ chỉ có lá cây, quả rừng nhét bụng, ruột gan tôi cứ lộn tùng phèo, người lâng lâng cảm giác như mơ ngủ nhưng tối đến vẫn phải lết lên cây cao vì sợ thú dữ ăn thịt”.
Mô tả ảnh.
Ma Seo Chứ ngày đầu bị bắt và một chiếc hang anh ta dựng bên bờ sông Chảy.
Không biết bao nhiêu lần Chứ tưởng chết vì ăn nhầm lá, quả độc. Cuộc sống “người vượn” của Chứ cứ thế trôi qua trong nỗi ám ảnh bị bắt về cúng ma, nỗi sợ bị thú dữ rình rập và sự cồn cào vì nhớ gạo, ngô khoai của cái dạ dày. Đã không biết bao lần, Chứ liều nếm thử lá cây lạ vì trông nó giống lá thuốc mà trước kia, ngày còn làm phó Chủ tịch UBND xã Nàn Xín, Chứ nhìn thấy người ta phơi ở sân ủy ban, để rồi sau đó phải nhảy vội xuống dòng sông Chảy ngâm mình vì ngứa ngáy khắp người hoặc lăn ra bất tỉnh đến lúc tỉnh lại mới hay mình chưa chết. Rồi như một bản năng sống, Chứ bắt đầu khôn ra, anh ta đi hái mộc nhĩ, phơi khô sau đó tìm đường xuống chợ đường biên, đổi lấy thực phẩm. Chứ bắt đầu có gạo nhưng cũng phải nhọc nhằn lắm mới có được thành ra anh ta chẳng dám thổi cơm ăn, thức ăn chính vẫn là lá, quả rừng. Thi thoảng nhớ hơi cơm, Chứ mới đem ra nấu cháo hoặc để dành khi đau ốm, bão bùng. Từ mộc nhĩ, lá thuốc, Chứ sắm được quần áo, quyển lịch bỏ túi để biết thời gian và chiếc radio làm bầu bạn, thế nhưng cuộc sống ăn hang ở lỗ giữa nơi rừng già không cho Chứ được yên thân. Càng trốn vào sâu giữa đại ngàn, tránh được sự lui tới của con người thì Chứ phải đối mặt với bao nguy hiểm rình rập từ thiên nhiên, động vật. Bất kể lúc nào, trên đường đi hái lá thuốc, mộc nhĩ hay đã cuộn tròn giữa cái chăn là đống lá chuối trong hang đá, Chứ cũng phải căng tai nghe ngóng vì biết đâu đó giữa âm u bóng tối lại có sự xuất hiện đường đột của hổ, báo, gấu hay trăn, rắn. Đã có lần đang đi hái lá thuốc, Chứ vấp phải một con gấu đang tìm đường leo lên một cây cổ thụ, chắc đánh hơi được tổ ong trên đó. Chỉ kịp nghe thấy con vật cất tiếng kêu khục khặc như chó sủa, Chứ quay đầu, ba chân bốn cẳng chạy rồi ôm vội một đám dây rừng, đu xuống. Thoát nạn gấu nhưng lần ấy, Chứ bị "giam lỏng" dưới khe gần một tuần vì không tìm được lối lên. Chứ bảo trong 20 năm sống trong rừng, anh ta đã ba lần bị rắn độc cắn và chữa khỏi chỉ bằng nắm muối. Một lần vừa đi chợ về, từ trong cái hang mới làm ven con sông Chảy, Chứ nhảy xuống đất định đi tắm, bỗng thấy nhói đau nơi bàn chân. Chỉ kịp nghe thấy tiếng sột soạt xa dần, Chứ đã thấy bàn chân mình tím tái, múp míp. Gắng sức bò vào hang, Chứ vốc luôn nắm muối bỏ vào mồm nhai rồi nhét vào vết thương. Một cảm giác tê dại lan dọc bàn chân, chạy dần lên phía trên. Chứ tháo dây chun quần, buộc vào cổ chân rồi cứ thế, theo độ sưng mà nới dần lên cao, đến khi cả cái chân sưng phồng to, sợi dây buộc trên bắp đùi được thít chặt thì Chứ mê man không biết gì nữa đến khi tỉnh dậy mới hay đã "phê" nọc độc rắn gần hai ngày trời. Một thân một mình sống giữa nơi hoang vắng trong cảnh thiếu thốn, ốm đau đã giúp Chứ có thêm kinh nghiệm khi tự khám phá bản thân. Ấy là khi căn bệnh đau đầu từ thời quân ngũ tái phát, Chứ tự lấy kim châm cứu cho bản thân, có lúc châm đúng mạch đỉnh đầu, máu vọt ra như suối; cũng có khi vừa rút kim ra thì miệng bỗng dưng lệch sang một bên. Mày mò như người mù sáng mắt, dần dà Chứ cũng nhớ được một số huyệt để tự chữa bệnh cho bản thân, trở thành người vượn có tài leo trèo, vượt núi.Thành kẻ giết người có thời gian bị truy bắt dài nhất tỉnh Lào Cai Kể về "người rừng" Ma Seo Chứ, thiếu tá Nguyễn Minh Thắng, người đã kiên trì cảm hóa để anh ta cất tiếng giao tiếp, cho biết: "Ngày tiến hành thực nghiệm điều tra, chỉ tính riêng việc đi từ bìa rừng vào nơi hắn giấu súng cũng mất gần 10 tiếng đồng hồ. Nhiều người đi đường trường không quen, chỉ được vài tiếng là cứng cơ, không đi nổi, ai giỏi hơn thì lúc quay ra cũng không lê nổi, phải mượn trâu của đồng bào "cõng" ra, vậy mà Chứ cứ đi thoăn thoắt như không". Trong quãng thời gian gần nửa đời người sống trong rừng, đã có lần sợi dây tình cảm khiến Chứ nhớ tới vợ, con liền tìm đường về nhà nhưng mọi người đã bỏ đi hết. Đoán chắc bố mẹ về lại quê cũ ở Bắc Hà, Chứ cắt rừng tìm về nhưng không gặp được ai liền quay lại chốn cũ, giữa đường bị dân quân xã Tả Thàng huyện Mường Khương bắt gặp, thấy nghi vấn, đưa về ủy ban, trói lại chờ hôm sau làm việc. Trong đêm tối, một mình bị trói giữa căn phòng vắng lặng, ký ức bị dân làng truy đuổi bỗng hiện về khiến Chứ sợ hãi. Anh ta vùng vẫy, cố thoát ra khỏi sợi dây trói rồi chạy biến vào rừng, đem theo khẩu AK mà lực lượng dân quân xã Tả Thàng để quên trong phòng. Đó là một ngày cuối tháng 9/1997. Có súng trong tay, Chứ bắt đầu có thịt thú rừng ăn, không hết thì đem đổi lấy gạo, quần áo, đạn dược, thuốc men. Cuộc sống tuy không toàn vẹn nhưng vật chất tạm đủ nên Chứ khỏe mạnh, rắn chắc, đi bộ vài chục cây số không biết mệt. Anh ta cứ sống ẩn dật dọc con sông Chảy mà không hay biết rằng có một lực lượng đang truy tìm anh ta gắt gao về tội trộm súng quân dụng. Thậm chí Công an huyện Mường Khương còn lập hẳn một chuyên án, tổ chức nhiều cuộc đi tìm có quy mô rộng nhưng bóng dáng về “người rừng” vẫn bặt tin. Thi thoảng một vài người dân đi rừng hái lá thuốc, gặp Chứ nhưng anh ta chỉ giương súng lên ngắm dọa chứ không bắn ai nhưng cũng làm họ sợ mất vía, không dám quay lại. Mỗi lần chạm trán con người, Chứ lại lùi sâu vào trong rừng hơn. Nỗi sợ hãi bị bắt, bị trói, bị đánh đuổi ma vẫn không thôi ám ảnh anh ta. Ngày 4/8/1998, Chứ đang lúi húi nấu cơm trong hang Khỉ thì bị ba bố con ông Hoàng Chín Dìn, ở thôn Văng Đẹt, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, cắt cỏ tranh ở bên kia đồi phát hiện. Không nghe thấy tiếng hú gọi của ông Dìn, không biết có một lực lượng công an huyện Mường Khương đang bủa vây, Chứ vừa thổi cơm vừa miên man thả dòng tâm tư theo bản tin phát ra từ chiếc radio mua ở chợ đường biên. Một âm thanh khô khốc bỗng lọt vào nơi Chứ ngồi, nghe như tiếng cành cây gãy, nhanh như cắt, Chứ vồ lấy khẩu súng, lia liền mấy phát ra ngoài. Những viên đạn mà anh ta bắn ra vì tưởng rằng có thú dữ bên ngoài, vô tình đã cướp đi sinh mạng anh Tráng Sín Trà, Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng Ban Công an xã Thanh Bình. Bốn người cùng đi là các đồng chí: Cù Xuân Hoà, Hoàng Văn Dũng, Trương Mạnh Hùng, Công an huyện Mường Khương và hai Công an viên thôn Văng Đẹt vội vàng lăn xuống vực, tránh đạn nên bị thương nhẹ. Trở thành kẻ giết người, bị các lực lượng truy lùng gắt gao, Chứ vào sâu trong rừng nguyên sinh lẩn trốn, những thứ săn bắn, hái được, anh ta không dám xuống chợ gần mà lặn lội sang hẳn bên kia biên giới đổi lấy gạo, muối và quần áo mặc. Ngày 31/1, trên đường đi chợ về, Chứ bị người dân xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai phát hiện và đó cũng là ngày Chứ bị bắt giữ. Bị nhốt ở Công an huyện Si Ma Cai, nỗi sợ hãi vây quanh khiến anh ta không dám mở miệng mặc dù nghe được, hiểu được những lời cán bộ nói. Chứ bảo tại ngày trước cũng vì nói mà chẳng ai tin nên anh ta mới bỏ vào rừng sống, giờ có nói chắc cũng chẳng ai tin nên tốt nhất là không nói nữa. Tuy nhiên trước những việc làm đầy lòng nhân ái của Ban giám đốc, cán bộ điều tra như đưa bố, mẹ, vợ con Chứ vào thăm; tặng áo ấm, thuốc thang,... đã khiến Chứ dần thay đổi. Khi được thượng tá Giàng Giàng Ly Pao, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lào Cai vào nơi giam giữ, dùng tiếng H’Mông động viên, giải thích những chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những người biết ăn năn, hối cải…, Chứ đã khóc. Câu đầu tiên mà anh ta nói sau gần bốn tháng câm lặng là "Cám ơn cán bộ, may mà được các anh bắt về, tôi mới có ngày gặp lại vợ con". Chứ cười rất tươi khoe vừa mới biết mình lên chức ông nội, hôm rồi mấy đứa con trai dắt vợ, con vào thăm. “ Ngày tôi bỏ đi, chúng còn bé tí, có đứa còn bế ẵm vậy mà giờ đã trưởng thành hết rồi. Chúng nó bảo tôi cố giữ gìn sức khỏe để sớm trở về với gia đình”. Một nỗi buồn dâng lên làm giọng “người vượn” một thời nghẹn lại. Có lẽ Chứ đang nuối tiếc quãng đời hoa niên của mình bỏ phí trong rừng già. Chỉ vì hủ tục lạc hậu, nhận thức hạn chế, những người dân xã Nàn Xín đã vô tình đẩy Chứ rời xa gia đình. Còn Chứ, giá như ngày ấy anh ta biết nhờ đến chính quyền can thiệp có lẽ cuộc đời đã không xô đẩy đến tù tội như hiện nay và ba đứa con của anh ta sẽ không phải lớn lên trong cảnh thiếu thốn tình cảm của của bố mẹ bởi sau khi Chứ vào rừng, một thời gian sau người vợ bỏ đi lấy chồng. Trong khi chúng tôi cứ vơ vẩn nghĩ tới chuyện “giá như” thì Chứ lại trầm ngâm: “Phải chấp nhận thôi, đấy là khúc quanh của đời tôi mà”, có lẽ gần nửa đời người sống một mình giữa đại ngàn, Chứ đã chiêm nghiệm như vậy.
Theo Thu Trinh
 Đất Việt

Đọc thêm