Trở thành tỷ phú từ nuôi lợn rừng

 QTV - Xã Bình Khê huyện Đông Triều trước đây vốn là một xã thuần nông, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao. Từ khi các mô hình chăn nuôi mới như nuôi lợn rừng, nuôi nhím, nuôi cá sấu được đưa vào thử nghiệm tại địa phương, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ những mô hình này. Gia đình ông Vũ Duy Tráng, thôn Đông Sơn là một trong những ví dụ điển hình khi ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi lợn rừng.

QTV - Xã Bình Khê huyện Đông Triều trước đây vốn là một xã thuần nông, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao. Từ khi các mô hình chăn nuôi mới như nuôi lợn rừng, nuôi nhím, nuôi cá sấu được đưa vào thử nghiệm tại địa phương, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ những mô hình này. Gia đình ông Vũ Duy Tráng, thôn Đông Sơn là một trong những ví dụ điển hình khi ông đã trở thành tỷ phú nhờ nuôi lợn rừng.
 
 Năm 2007, khi mô hình nuôi lợn rừng bắt đầu được triển khai tại xã Bình Khê, gia đình ông Vũ Duy Tráng là hộ tiên phong tham gia. Tuy nhiên cái khó mà ông gặp phải là không có đủ vốn để đầu tư giống và chuồng trại. Thật may nhờ có nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia cộng với số tiền bao năm giành dụm, ông Vũ Duy Tráng đã đầu tư trên 250 triệu đồng mua 10 con lợn rừng giống, và xây dựng hệ thống chuồng trại, tường bao.
 
 

Mô hình nuôi lợn rừng đã giúp ông Vũ Duy Tráng trở thành tỷ phú

Trung bình mỗi năm 1 con lợn giống cái cho sinh sản khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 7-8 con. Nhờ chăm sóc tốt, từ 10 con lợn giống ban đầu qua 1 năm đàn lợn của gia đình ông Tráng đã cho sinh sản được tổng số gần 180 con lợn, bao gồm cả lợn giống và lợn thương phẩm. Ông Vũ Duy Tráng cho biết năm đầu tiên gia đình ông đã thu hồi đủ số vốn bỏ ra từ việc bán lợn thương phẩm và lợn giống. Qua 2 năm nhân giống và phát triển đến nay trung bình mỗi năm gia đình ông thu về số tiền lãi từ 300 - 400 triệu đồng sau khi trừ các chi phí.

 

 Thực tế cho thấy nuôi lợn rừng gặp rất ít rủi ro, do lợn rừng ít bị bệnh, hơn nữa thức ăn cũng rất phổ biến chủ yếu là bèo, cám ngô và cám gạo. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, cộng với kỹ thuật được học từ các lớp bồi dưỡng kiến thức chăn nuôi do địa phương tổ chức, ông Tráng nuôi dưỡng và chăm sóc đàn lợn rất khoa học. Từ 4 chuồng ban đầu qua 2 năm quy mô chuồng trại của gia đình ông Tráng đã phát triển và mở rộng lên thành hơn 20 chuồng. Thị trường tiêu thụ thịt lợn rừng cũng khá ổn định không chỉ cung cấp cho các địa phương trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh thành lân cận như Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương khiến ông Vũ Duy Tráng rất yên tâm phát triển đàn lợn. Thành công từ mô hình nuôi lợn rừng của gia đình ông Vũ Duy Tráng cũng chính là cơ sở để UBND xã Bình Khê triển khai nhân rộng trong toàn xã. Ông Trần Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khê cho biết qua thực tế triển khai của gia đình ông Vũ Duy Tráng đã cho thấy việc đưa các con giống mới vào chăn nuôi thực sự là hướng đi đúng đắn giúp người nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Thời gian tới xã Bình Khê sẽ triển khai nhân rộng mô hình nuôi lợn rừng trong toàn xã.

 

 Phát huy kết quả đã đạt được, ông Vũ Duy Tráng sẽ tiếp tục nhân rộng đàn lợn rừng của gia đình lên 300-400 con. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại ông còn có mong muốn sẽ là người cung cấp lợn rừng giống cho bà con nông dân trên toàn huyện Đông Triều và những địa phương khác. Có thể khẳng định ở bất cứ lĩnh vực nào nhất là trong lao động sản xuất cũng cần lắm sự dám nghĩ dám làm và ý chí vươn lên từ đôi bàn tay lao động không biết mệt mỏi của những người nông dân chân chính.

 

 Ngọc Ánh

 

Đọc thêm