Trớ trêu "tình giả" ép cưới...

Bố mẹ Linh ngày nào cũng giục giã chuyện cưới xin với Hoài khiến anh rối như tơ vò. Anh như đứng ngã ba đường. Sống thật với mình và cưới bạn trai thì mắc tội bất hiếu, lại vi phạm pháp luật. Còn cưới Hoài vì sự ép buộc thì anh lừa dối bản thân anh và lừa dối cả Hoài... Không ít người đồng tính rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như Linh.

“Đang tồn tại mâu thuẫn pháp lý ở việc cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và cấm cưỡng ép kết hôn, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn", là thông tin từ kết quả khảo sát thực tiễn thi hành pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình tại một số tỉnh thành tháng 10/2012 của đoàn công tác liên ngành gồm Văn phòng Chính phủ và các đại diện Bộ Tư Pháp, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch.

Một triển lãm tranh về người đồng tính

Giả thì cho mà thật thì không

Chưa bao giờ anh Đặng Linh, 30 tuổi ở Thái Bình lại cảm thấy rối bời như bây giờ. Anh Linh là người đồng tính. Bố anh là trưởng họ và gia đình anh mỗi anh là con trai duy nhất. Vì lẽ đó, nên khi biết anh đồng tính lại muốn kết hôn với người bạn trai mà anh thuơng yêu, bố mẹ anh sốc, ốm liệt giường, liệt chiếu.

Bố anh nói, nếu lấy nhau thì làm sao sinh con đẻ cái, lấy ai nối dõi tông đường nhà họ Đặng, nếu vậy đó là cái tội bất hiếu. Mẹ anh thì khóc lóc như van xin: “Muốn yêu bạn trai nào thì yêu, nhưng cưới nhất quyết phải lấy người phụ nữ, có thế mẹ mới có cháu nối dõi, có về với tổ tiên, mẹ cũng không sợ các cụ quở trách”. Không khí gia đình anh căng như dây đàn.

Trong cuộc điều tra về đồng tính nữ của iSEE năm 2012, có 92% trong tổng số 2400 người được hỏi muốn pháp luật cho phép kết hôn cùng giới.

Trong điều tra tương tự năm 2012 do Trung tâm ICS thực hiện với hơn hai nghìn người đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn cùng giới.

Sợ anh Linh cưới đàn ông, mẹ anh cuống quýt nhờ người mai mối một cô gái ở làng bên tên là Hoài. Thương mẹ, anh Linh tới nhà cô gái để gặp mặt. Sau vài lần tiếp xúc, trong khi anh không có cảm xúc yêu đương gì thì Hoài lại có tình cảm đặc biệt với anh. Tất nhiên, Hoài không hề biết giới tính thực sự của anh.

Bố mẹ anh ngày nào cũng giục giã chuyện cưới xin với Hoài khiến anh rối như tơ vò. Trước sức ép gia đình và nhu cầu yêu đương của bản thân, anh Linh như đứng ngã ba đường. Sống thật với mình và cưới bạn trai thì mắc tội bất hiếu, lại vi phạm pháp luật vì pháp luật chưa cho phép đồng giới kết hôn. Còn cưới Hoài thì pháp luật cho phép nhưng vì sự ép buộc thì anh lừa dối chính bản thân anh và lừa dối cả Hoài. Như vậy, liệu anh có bị vi phạm Luật Hôn nhân - Gia đình do kết hôn giả tạo?.

Cũng như anh Linh, hiện nay rất nhiều người đồng tính rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như vậy.

Từ câu chuyện của anh Linh, có thể thấy rằng, có một mâu thuẫn pháp lý đang tồn tại. Một mặt, pháp luật cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, bao gồm cả những người chuyển giới, lưỡng tính và đồng tính. Mặt khác, Điều 4 Luật Hôn nhân - Gia đình quy định về các nguyên tắc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó tại Khoản 2 có quy định cấm cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn, cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo.

Vấn đề đặt ra là nếu người đồng tính vì những lý do áp lực gia đình và xã hội buộc chấp nhận kết hôn với một người khác giới mà không yêu đương thì có vi phạm điều kiện hôn nhân tự nguyện, tiến bộ không?. Câu hỏi này chưa một lần được các cơ quan chức năng trả lời.

Chưa cho phép cũng nên ghi nhận

Theo nhiều chuyên gia đứng dưới góc độ của những người đồng tính, khát khao được sống, được yêu, được sống thật là chính mình là một nhu cầu tất yếu. Do đó, khi họ buộc phải kết hôn theo đúng quan niệm thường thấy ở xã hội, thì một điều chắc chắn có thể khẳng định là quyết định đó của họ là do bị cưỡng ép bởi gia đình, bạn bè, xã hội chung quanh hoặc vì yếu tố khác và hôn nhân đó không đáp ứng điều kiện về hôn nhân tự nguyện.

Trong trường hợp này, điều kiện cấm kết hôn giả tạo trong Luật Hôn nhân Gia đình sẽ bị vi phạm. Thậm chí, nếu người bạn đời được chọn không biết họ kết hôn với người chuyển giới, lưỡng tính hoặc đồng tính trước khi đồng ý kết hôn thì việc kết hôn này còn vi phạm điều kiện về lừa dối.

Ông Đình Dũng Sỹ- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp Luật- Văn phòng Chính phủ đưa ra đề nghị: “Ban soạn thảo Luật Hôn nhân Gia đình thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu về những đặc điểm tâm lý của người đồng giới, đánh giá tác động của các quy định pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân trong đó có người đồng giới.

Nếu trong lần sửa đổi tới đây, Luật Hôn nhân - Gia đình chưa công nhận việc kết hôn giữa những người cùng giới tính và cho phép chuyển giới tính để phù hợp với phong tục tập qua, văn hóa của người Việt Nam, thì cũng nên có những quy định cụ thể để điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa những cặp đôi cùng giới chung sống với nhau như vợ chồng.

Các cặp đôi cùng giới tính sẽ được hưởng một số quyền giống như vợ chồng có đăng ký kết hôn, nhưng hạn chế hơn ở một số quyền, nghĩa vụ. Phương án này một mặt sẽ tránh được những phản đối trực tiếp của những người còn nặng tư tưởng truyền thống, nhưng mặt khác vẫn tạo ra được sự công bằng cho những thành viên trong cộng đồng đồng giới”.

Thùy Dương

Đọc thêm