"Trời mưa bong bóng phập phồng..."

Ngày mẹ làm cô dâu, lần đầu tiên con thấy cô dâu không đẹp!. Khuôn mặt hớn hở của mẹ xa lạ quá trong đôi mắt ầng ậc nước của con. Đám rước dâu đi rồi, cùng với bã trầu, tàn thuốc và những cánh hoa tàn, nụ cười hồn nhiên cũng bỏ con đi mất...

“Trời mưa bong bóng phập phồng/ mẹ đi lấy chồng con ở với ai”… Như định mệnh, ngày mẹ mới sinh con, mẹ cứ hát ru con bằng những giai điệu mênh mang buồn nẫu ruột ấy, mà thể tin câu hát lại như một định mệnh.
Nghe mọi người kể lại, thì con gái, mẹ là hoa khôi của làng. Lại được bố mẹ cho học hành đến nơi đến chốn, mẹ trở thành mục tiêu của rất nhiều chàng trai tài giỏi. Duyên phận đưa mẹ đến với bố con – chàng thiếu uý đẹp trai, lãng tử.
Gia đình mình như một biểu tượng hạnh phúc mà nhiều người mơ ước. Con - cô con gái “ruộng sâu trâu lái” được sinh ra sau một năm sau khi bố mẹ về với nhau trong sự vui mừng khôn tả của gia đình nội, ngoại. Bố mẹ đặt tên con là Phương Anh, gửi gắm những mong ước về sự sáng sủa, tốt lành.
Chẳng ai ngờ rằng cùng với sự trưởng thành của con hình mẫu gia đình lý tưởng của nhà mình cũng dần dần đổ vỡ, mất mát.
Con lớn lên trong nước mắt của mẹ, trong đòn roi của bố. Những cơn say rượu, thua bạc, bố trút cả vào mẹ, vào đứa con gái bé bỏng. Thi thoảng, một khoản tiền mẹ chắt bóp giành dụm lại bị bố mang đi lặng lẽ. Cờ bạc, và những cơn say biến bố thành một con người khác. Con không thể nào quên cái ngày định mệnh, cái ngày sau một trận bạc quên ngày quên đêm, bố về nhà cạy tủ, lấy trộm tiền của ông ngoại để “trả thù” cho cơn say đỏ đen.
Mẹ nói mẹ xin lỗi con, mẹ tạ tội với ông bà rồi viết đơn gửi tòa án. Không thể níu lại một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, tòa trả tự do cho mẹ. Chưa chờ bản án có hiệu lực, bố bỏ quê, bỏ lại con gái bố để tiếp tục thoả chí tang bồng và xây dựng gia đình riêng ở một vùng đất mới.
Con chưa nguôi nỗi buồn, chưa quen với một nửa phần giường trống trải và những giấc mơ hốt hoảng lúc nửa đêm khi chợt tỉnh giấc mà không thấy bố, mẹ lại bỏ con đi bước nữa với người đàn ông goá vợ.
Người chồng mới của mẹ cũng có một cô con gái bằng tuổi con. Lấy lý do sợ hai đứa ngang tuổi cãi cọ nhau, dượng không đồng ý cho con đi theo mẹ. Ngày mẹ làm cô dâu, lần đầu tiên con thấy cô dâu không đẹp!. Khuôn mặt hớn hở của mẹ xa lạ quá trong đôi mắt ầng ậc nước của con. Đám rước dâu đi rồi, cùng với bã trầu, tàn thuốc và những cánh hoa tàn, nụ cười hồn nhiên cũng bỏ con đi mất.
Ông bà ngoại đã già yếu, sau đoạn đời trắc trở của mẹ, ông bà lại càng kiệt quệ sức lực hơn, cô bé 5 tuổi là con dường như lại trở thành sinh linh mạnh mẽ nhất của ngôi nhà. Từ ngày mẹ lấy chồng, con không đi mẫu giáo được nữa. Quãng đường từ đầu làng đến cuối làng ngày xưa mẹ vẫn đưa con đi chỉ mất có 5 phút, nhưng bây giờ chỉ có một mình con, nó trở nên nguy hiểm lắm và xa lắc.
Cũng từ ngày mẹ lấy chồng, con chẳng dám chơi ở những chỗ đông người. Dân làng nhiều người cám cảnh với cô bé còn bố mẹ mà như đã mồ côi, nhưng cũng không thiếu người thích nhìn thấy sự đau đớn của kẻ khác để hài lòng với cuộc sống của mình. Con sợ lắm những ánh nhìn như dao nhói, những lời hỏi han móc máy mà con không chỉ có thể  trả lời được, bằng những giọt nước mắt tủi thân lã chã.
Con nghe người ta kể, có rất nhiều người rơi vào con đường tù tội mà nguyên nhân chính là sự cô đơn của một đứa trẻ sống trong cảnh “lời ru chia đôi”, bố mẹ mải vui với những cuộc tình duyên mới mà bỏ quên những đứa con dứt ruột của mình. Con sợ lắm! Sợ từ những dè bửu, côi cút của hôm nay, sợ đến cả những tương lai đơn côi xa lắc mịt mờ!
Giá như có thể, con xin đừng có những tình yêu lạc lối, để đừng bắt những đôi vai gầy của những đứa trẻ như con phải gánh những gánh nợ oan ức như thế này, bố mẹ ơi!".
Phượng Mỹ

Đọc thêm